Rủi ro nghề lặn biển

Những người đàn ông miền biển một thời trai tráng, vươn buồm lướt trên những ngọn sóng biển chinh phục khơi xa mưu sinh. Và sau những hành trình có những người trở về trong thương tích, tàn tật. Dừng lại phía sau chân sóng, phần đời còn lại của những người đàn ông miền biển đó chồng chất nỗi đau, gian khó…

Ngư dân lặn biển với dụng cụ ống thở thô sơ, nhiều rủi ro, hiểm nguy khi hành nghề.
Ngư dân lặn biển với dụng cụ ống thở thô sơ, nhiều rủi ro, hiểm nguy khi hành nghề.

Tai nạn trong nghề

Mặt trời lặn lưng chừng núi, bà Nguyễn Thị Tăng ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) tất tả thu gom chỗ hành đang gieo dở dang cùng cuốc, mủng trên ruộng. Sau ngày làm đồng vất vả, rướn người trên chiếc xe đạp cũ kỹ, chỉ độ mươi phút bà đã về đến nhà. Ném tất cả đồ đạc giữa sân bà vội vàng vào nhà trong.

“Hôm nay gieo mớ hành cho kịp trời mưa nhưng cũng chưa xong. Tui phải về cơm nước với ông đã”, vừa giải thích, hai tay bà đỡ vai chồng. Cả người bà là trụ cho ông tựa vào ngồi dậy. Kéo tay chồng bá cổ, bà dùng hết sức mình đỡ người ông đưa qua chiếc xe lăn cạnh giường. Vài phút sau, khi ông yên vị, bà đưa ra sân hóng mát.

Hai mươi năm trước, chồng bà là ngư dân Đặng Văn Tiến nổi tiếng lặn biển ở xứ đảo. Cả gia đình nhiều đời theo nghề biển mưu sinh. Trong một lần lặn ở vùng biển Hoàng Sa, ông Tiến bị ngạt thở và được đưa về đất liền cấp cứu. Tuy mạng sống giữ được, nhưng toàn thân ông bị liệt và không thể đi lại được. Gia đình cũng từ đó rơi vào cảnh khó khăn và bế tắc. Cuộc đời còn lại của chồng bà gắn liền với chiếc xe lăn cũ. Hai mươi năm qua, bà một tay lo cho đàn con cùng chồng trong nỗi nhọc nhằn.

“Giờ ổng nằm một chỗ đó nghiêng qua, lật lại mình cũng chăm sóc hết. Sau tai nạn biển, ổng bị tai biến nên không đi được. Cực hay không thì nói làm chi đâu. Khổ cái thân không bằng khổ cái đầu. Ổng nằm một chỗ như con nít, ghen tuông, giận hờn, mình phải an ủi, dỗ dành nữa”, bà Tăng chia sẻ.

Cũng giống nhiều thanh niên xứ biển, 17 tuổi, ngư dân trẻ Nguyễn Tấn Hiếu ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) đã gắn bó với nghề lặn cùng biển cả. Dụng cụ lặn chỉ đơn giản là kính mắt, ống hơi Hiếu có thể lặn sâu từ 20-30 m để tìm hải sản. Nhiều năm lặn biển, anh rành rõi vùng cá, rạn san hô ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Thế nhưng, tai ương ập đến trong một lần lặn bảy năm trước.

“Lúc đó tôi đang lặn ở độ sâu khoảng hơn 30 m. Sự cố bình hơi xảy ra, anh em trên tàu ra hiệu để tui ngoi lên. Ngoi lên khỏi mặt nước đột ngột, giảm áp suất không đúng kỹ thuật khiến cơ thể bị tê, chuột rút. Ngay sau đó, anh em bạn biển có kinh nghiệm thả tui xuống biển để cơ thể thích nghi nhưng không kịp. Toàn thân tui tê liệt, tức ngực, hoa mắt. Khi tàu trở về đất liền, tui được đưa thẳng tới bệnh viện điều trị, nằm gần hai tháng”, Hiếu hồi tưởng.

Thoát chết, nghiệp biển của Hiếu cũng chấm dứt. Người đàn ông chưa đầy 40 tuổi, tóc trắng phơ, cùng cơ thể tàn tật vẫn trải qua những cơn đau nhức mỗi lúc chuyển trời. “Lúc đó mình thấy như sụp đổ, ai sẽ nuôi con, lo cho gia đình. Cũng may vợ con động viên, mình kiên trì uống thuốc, tập vật lý trị liệu. Giờ chân đi chập chững, tay cử động được rồi. Sợ nhất là mưa gió trở trời, đau nhức chịu không được”, Hiếu trầm tư.

Mỗi ngày, người đàn ông như Hiếu vẫn tìm công việc nhẹ nhàng để phụ giúp vợ con, vơi bớt gánh nặng của người đàn bà đã gắn với đời mình mấy mươi năm.

Rủi ro nghề lặn biển ảnh 1

Sau một ngày vất vả với ruộng hành tỏi, bà Tăng lại đưa chồng ra hiên hóng mát.

Cái nghiệp xứ biển

Xứ biển Bình Sơn, Lý Sơn là nơi được mệnh danh “vùng đất của những vua lặn”. Từ trăm năm qua, hàng nghìn ngư dân ra khơi bám biển Trường Sa, Hoàng Sa. Nghề lặn ở đây như cái nghiệp mà phần lớn đàn ông đi biển đều phải trải qua. Tiền kiếm được nhiều từ nghề lặn hải sâm, san hô, hải sản quý hiếm khiến ngư dân trầm mình dưới đáy đại dương. Tai nạn, hiểm họa ập cũng từ đây. Mất mạng, thương tật, di chứng cùng nỗi đau thương chất chồng lên vai của đàn ông, đàn bà xứ biển.

Huyện đảo Lý Sơn có hơn 2.000 thợ lặn, chuyên bắt hải sâm các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Những năm trước, đảo Lý Sơn có hàng chục trường hợp ngư dân tử vong khơi xa sau mỗi mùa lặn. Tại Trung tâm Y tế quân dân y kết hợp Lý Sơn hằng năm cấp cứu, điều trị từ 20 - 30 trường hợp tai nạn nghiêm trọng do lặn biển. Hầu hết các nạn nhân gánh chịu di chứng nặng nề sau tai nạn.

“Chỉ cần bộ đồ lặn giữ nhiệt, kính lặn. Bình nén khí nối với ống thở trên ghe, mình ngậm ống thở nhảy xuống biển lặn sâu. Khi quấn dây hoặc tắc đường ống thở thì coi như mạng mình cũng đi luôn. Biết nguy hiểm mà cũng phải làm thôi”, ngư dân Lê Giã tỏ bày.

Mỗi chuyến lặn biển, ngư dân kiếm được từ 30 - 40 triệu đồng, là nguồn sống của cả gia đình khi về bờ. Nguồn thu từ biển đã khiến nhiều ngư dân phải mất mạng, hoặc sống cuộc đời tàn phế. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết: “Tai nạn nhiều một phần do thiếu dụng cụ lặn, một phần do áp lực kinh tế phải lặn nhanh, rút ngắn thời gian để lặn chuyến khác. Thí dụ như khi lặn xong ngoi lên, thời gian giảm áp không đủ khiến tai nạn thường xuyên xảy ra”.

Để hỗ trợ cho ngư dân, giảm rủi ro khi hành nghề lặn biển, các chương trình đồng hành cùng ngư dân bám biển của ngành y tế, biên phòng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ thiết bị ngư dân. Các vật dụng y tế cơ bản là tủ thuốc cấp cứu, bình oxy cùng các chương trình tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu đồng hành giúp ngư dân lặn biển an toàn.

“Tai nạn ngoài biển thì y, bác sĩ không thể cấp cứu được. Các ngư dân phải có kỹ năng tự sơ cứu, hạn chế những tổn thương, di chứng cho người bị nạn”, bác sĩ Mai Văn Hậu, Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ.

“Những trường hợp tai nạn do lặn biển thì địa phương chỉ động viên, thăm hỏi lúc khó khăn, hỗ trợ từ 500 nghìn đến một triệu đồng. Còn các chính sách liên quan ngư dân khi bị tai nạn trên như nghề lặn thì chưa có. Nghề lặn đã được công nhận vì vậy cần có chính sách cụ thể hỗ trợ cho các nạn nhân”, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết.