Quyết liệt đấu tranh chống hàng lậu

Mặc dù còn hơn ba tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2020 nhưng tình trạng vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ở các địa phương trên cả nước đã bắt đầu sôi động với những diễn biến phức tạp. Các cơ quan chức năng (CQCN) xác định thực hiện nghiêm, quyết liệt và không cho phép có vùng cấm trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện các đối tượng buôn lậu thực phẩm trong những tháng cuối năm.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện các đối tượng buôn lậu thực phẩm trong những tháng cuối năm.

Chưa vào cao điểm, diễn biến đã phức tạp

Thời điểm các tháng cuối năm, nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu… và đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết được dự báo tăng cao.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý III-2019, dù các lực lượng chức năng (LLCN) đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý, song tình hình hoạt động buôn lậu và vận chuyển trái phép (BL&VCTP) hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp ở tất cả các địa phương với những phương thức ngày càng tinh vi, hành vi manh động.

Tính lũy kế từ ngày 16-12-2018 đến 15-9-2019, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 13.082 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.178 tỷ 839 triệu đồng; số thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 233 tỷ 938 triệu đồng. Đặc biệt, hoạt động BL&VCTP các chất ma túy trong quý III-2019 diễn ra với nhiều thủ đoạn khác nhau, Tổng cục Hải quan đánh giá là hết sức tinh vi và phức tạp.

Tại một số địa phương thuộc khu vực biên giới Tây Nam, dịp này hàng nhập lậu qua biên giới chủ yếu là thuốc lá, đường cát, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, rượu bia, nước giải khát và đồ điện tử, điện lạnh cũ đã bắt đầu gia tăng. Tại khu vực biên giới Tây Nam, giáp với Campuchia, mùa này mực nước lên cao đã tạo thêm nhiều đường mòn, lối mở, ghe thuyền dễ dàng lưu thông trên các kênh rạch, vì thế hoạt động BL&VCTP hàng hóa qua biên giới diễn ra phức tạp hơn so thời điểm mùa khô. Từ nay đến cuối năm, các mặt hàng phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng dự báo khả năng thẩm lậu sẽ gia tăng, khi nhu cầu đầu vào sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán sắp đến tăng cao.

Theo ông Phạm Đức Chinh, Phó Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, do khoảng cách từ biên giới về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chỉ trong phạm vi khoảng 40 km; hàng hóa BL&VCTP thuận lợi cho cả đường thủy và đường bộ. Tuyến biên giới giữa Việt Nam và Campuchia tại Long An dài khoảng 127 km, có nhiều đường mòn, lối mở, rất thuận lợi để qua lại biên giới nên lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn lậu tương đối cao đã thúc đẩy nhiều đối tượng tham gia.

Tại các tỉnh biên giới phía bắc, đặc biệt là Lạng Sơn, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra và thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm hàng tiêu dùng nhập lậu về Việt Nam tiêu thụ. Cụ thể, ngày 1-10, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra xe ô-tô mang BKS 98B - 024.86, phát hiện trên xe có cất giấu một lượng lớn hàng hóa do Trung Quốc sản xuất nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam gồm: bàn cạo râu nhãn hiệu Gillette; dầu gội đầu nhãn hiệu Sunsilk; dầu gội Clear loại 5,8ml/gói; kem xả nhãn hiệu Dove; các loại túi xách hiệu Christian Dior; Chanel…

Trên hầu hết các thị trường lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... từ đầu năm đến nay, mặc dù các LLCN đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhưng quá trình mua bán, vận chuyển và kinh doanh hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng của các đối tượng vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Cụ thể, trong hơn chín tháng năm 2019, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 990 vụ vi phạm pháp luật về hải quan, hàng hóa vi phạm trị giá khoảng 1.488 tỷ đồng. Chỉ tính riêng bảy tháng đầu năm 2019, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra chuyên ngành và liên ngành 29.963 vụ, tăng hơn 142% so cùng kỳ năm trước. Trong đó phát hiện 3.435 vụ vi phạm, thu nộp NSNN hơn 54,6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy 33 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 79,7 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng QLTT TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay tình hình BL&VCTP hàng hóa, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng… trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa được đẩy lùi. Chỉ riêng mặt hàng thuốc lá, thuốc lá lậu từ các tỉnh Tây Ninh, Long An đi qua địa bàn giáp ranh vào các quận nội thành của thành phố và chuyển đến các tỉnh có diễn biến rất phức tạp.

Tại Hà Nội, vào sáng ngày 26-9, tại km 6, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Đội 5, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội (PC 05) phối hợp Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Đội QLTT số 11 (Cục QLTT) đã phát hiện và tiến hành kiểm tra xe ô-tô mang BKS 29H-249.01. Qua kiểm tra, LLCN đã phát hiện trên xe chở theo 126 thùng gồm trân trâu, bột trà xanh và nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm.

Vừa qua, tại quốc lộ 10, đoạn qua xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, Đội QLTT số 9 (Cục QLTT TP Hải Phòng) đã phối hợp các LLCN kiểm tra, phát hiện xe container đầu kéo BKS 51C-397.77 kéo rơ-moóc BKS 51R-066.85. Tại thời điểm kiểm tra, trên phương tiện có vận chuyển 190 bao tải chứa lòng lợn (tổng trọng lượng khoảng 6 tấn) không được kẹp chì theo quy định và đã bốc mùi hôi khó chịu. Tại cơ quan công an, lái xe khai nhận đang vận chuyển số lòng lợn trên cho chủ hàng từ khu vực Biên Hòa (Đồng Nai) đi Móng Cái tiêu thụ thì bị phát hiện, bắt giữ. Đặc biệt, LLCN sau đó tiến hành lấy mẫu kiểm định. Kết quả kiểm định cho thấy, mẫu kiểm định có nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi.

Quyết liệt đấu tranh chống hàng lậu ảnh 1

Cần kiểm soát chặt chẽ hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu để ngăn chặn hàng lậu.

Xử lý nghiêm túc và triệt để các vi phạm

Trước những diễn biến phức tạp trên, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành, CQCN tăng cường công tác đấu tranh; nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống buôn lậu; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng nhạy cảm…

Thực tế, trong quý III-2019, dù các LLCN đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý, song tình hình hoạt động BL&VCTP hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp ở tất cả các địa phương với những phương thức ngày càng tinh vi, hành vi manh động. Cụ thể, tính lũy kế từ ngày 16-12-2018 đến ngày 15-9-2019, toàn ngành hải quan đã ban hành 28 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 71 vụ. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong hơn chín tháng năm 2019, ngoài việc xử phạt hành chính, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã thực hiện phối hợp khởi tố hình sự năm vụ án, hành vi bị khởi tố do BL&VCTP hàng hóa qua cảng biển.

Tương tự, chỉ tính riêng bảy tháng đầu năm 2019, theo ông Nguyễn Văn Bách, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra chuyên ngành và liên ngành 29.963 vụ và chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố hình sự 11 vụ án, trong đó có bảy vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả; tổng trị giá hàng hóa, tang vật vi phạm khoảng 10,5 tỷ đồng. UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các CQCN xác định công tác đấu tranh chống GLTM, hàng giả, hàng kém chất lượng, BL&VCTP là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và phải thực hiện nghiêm, quyết liệt và không cho phép có vùng cấm trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ngoài công tác chống buôn lậu, hàng giả, Cục Hải quan được giao trách nhiệm đề xuất, tìm giải pháp quản lý hàng hóa tạm nhập tại Việt Nam và tái xuất sang Campuchia, quyết liệt hơn trong việc chống xuất, nhập khẩu hàng hóa trái phép. Cùng với đó, UBND các quận, huyện cần có kế hoạch phối hợp các LLCN tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng tại các cửa hàng, đường phố, chợ truyền thống nhằm sớm phát hiện và xử lý nghiêm, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020. Trong bối cảnh thị trường hàng hóa cuối năm tiềm ẩn nhiều rủi ro từ nạn hàng nhái, hàng giả, Tổng cục QLTT cũng đã và đang triển khai đợt cao điểm QLTT, kiểm tra kiểm soát các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm.

Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, nhất là lực lượng QLTT, là đầu mối phối hợp các CQCN tiến công trọng tâm các điểm trung chuyển, buôn lậu qua biên giới. Cùng với mặt hàng đường, lực lượng QLTT cũng chú trọng kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thịt lợn, cử người trực tại các chốt kiểm dịch 24/24 giờ không đẻ xảy ra tình trạng vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm lợn bệnh.