Quy trình càng chặt chẽ, rủi ro càng ít

Vụ em học sinh lớp 1 Trường Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong trên ô-tô trưa 7-8, cơ quan chức năng cho biết đã khởi tố vụ án vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là làm sao có thể hạn chế được những sự việc đáng tiếc như trên có thể xảy ra.

Nếu làm đúng quy trình đưa đón học sinh, không thể để quên trẻ trên xe. Ảnh: TL
Nếu làm đúng quy trình đưa đón học sinh, không thể để quên trẻ trên xe. Ảnh: TL

Giám sát từng phút mới bảo đảm

Tham dự cuộc họp báo trưa 7-8 để thông tin về vụ việc này, do UBND quận Cầu Giấy tổ chức, Phó trưởng Công an quận Trần Văn Hóa cho biết, căn cứ vào tài liệu thu thập ban đầu, ngay sáng 7-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã ra quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người, theo Điều 128-BLHS. Về nguyên nhân, ông Hóa cho biết, đang tiếp tục điều tra và sẽ trả lời sớm nhất.

Ngay trước thềm năm học mới, sự việc đáng tiếc xảy ra kể trên khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng. Chị Nguyễn Thị Thuận có con học tại một trường tiểu học dân lập trên địa bàn quận Cầu Giấy lo lắng: “Hệ thống các trường tiểu học công lập trên địa bàn thì quá tải, đa phần các lớp 1 đều hơn 60 học sinh. Việc chăm sóc cho các con vừa bước qua tuổi mẫu giáo đương nhiên rất khó được bảo đảm. Vì thế, những gia đình có điều kiện về kinh tế sẽ gửi con tới các trường dân lập, trường quốc tế. Tại môi trường này, với mức học phí không hề nhỏ phụ huynh sẽ hy vọng con mình sẽ được hưởng những điều kiện tốt nhất về học tập (đặc biệt là học ngoại ngữ), được chăm sóc bán trú tậm tâm (ăn, ngủ…) và có xe đưa đón an toàn. Sự việc xảy ra làm phụ huynh chúng tôi giảm niềm tin.

Cô Nguyễn Thanh Hà, người có kinh nghiệm làm công tác bán trú 15 năm tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội cho biết, mặc dù gắn bó đã lâu với công tác bán trú, quản lý đưa đón học sinh đi ô-tô chuyến nhà trường nhưng khi về nhà rồi, cứ nghe tiếng chuông điện thoại là cô vẫn giật mình vì sợ có chuyện gì bất trắc xảy ra với học sinh. Theo cô Hà, với bất kỳ trường nào, nếu quy trình quản lý học sinh chặt chẽ và các cán bộ phụ trách xe ô-tô đưa đón học sinh làm việc chuyên nghiệp sẽ hoàn thành tốt công việc của mình, bảo đảm an toàn cho học sinh.

“Cá nhân tôi, ngay sau khi nhận xe đều phải lập ngay sơ đồ chỗ ngồi. Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm có số lượng học sinh đông, sinh sống tại nhiều địa bàn khác nhau trên thành phố nên một chiếc xe gồm cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và thông thường có từ ba đến bốn “bến” để đón và trả các em. Với các em lớp 1 bao giờ cũng được ưu tiên ngồi những hàng ghế đầu để cô dễ quản lý, chăm sóc. Đến mỗi bến, bao giờ tôi cũng điểm danh có đủ số lượng học sinh và các con có ngồi đúng vị trí của mình hay không? Khi xe đến trường, tôi là người gác ở cửa xe, điểm danh lần cuối từng học sinh xem các em còn ngủ quên trên xe rồi mới thông báo cho lái xe để xe chạy”, cô Hà nói.

Cần có quy trình chuẩn

Trao đổi với phóng viên Thời Nay, nhiều lãnh đạo các trường tiểu học dân lập trên địa bàn thành phố đều cho biết, hiện chưa có quy trình chuẩn trong quản lý hoạt động bán trú, đưa đón học sinh bằng xe ô-tô của nhà trường từ phía các cơ quan quản lý giáo dục như: Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấp quận, huyện hay Sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, càng cụ thể, chi tiết thì càng hướng tới sự chuyên nghiệp và an toàn cho học sinh. Đặc biệt, cần quan tâm gây dựng đội ngũ cán bộ bán trú chuyên nghiệp đảm nhận các nhiệm vụ chăm sóc ăn, ngủ và quản lý học sinh đi xe, có mức thu nhập ổn định. Được biết, cán bộ bán trú làm việc tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm đều được tuyển dụng, đào tạo, thử việc và ký hợp đồng làm việc dài hạn, có thu nhập và hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chứ không phải theo hợp đồng thời vụ.

Cũng tại buổi họp báo trưa 7-8, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến cơ chế giám sát khi các trường trên địa bàn quận thuê hợp đồng với đơn vị bên ngoài đưa đón học sinh, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, theo chức năng quản lý nhà nước, Phòng ra văn bản yêu cầu nhà trường bảo đảm an toàn đưa đón học sinh; văn bản chỉ đạo bảo đảm an toàn trường học. Sau vụ việc này, Phòng sẽ tham mưu UBND quận tiếp tục ban hành văn bản bảo đảm an toàn trường học, yêu cầu các trường phải siết chặt quy trình bảo đảm an toàn đưa đón học sinh.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu lãnh đạo quận Cầu Giấy chỉ đạo các cơ quan chức năng của quận điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của vụ việc. Đồng thời, Hà Nội sẽ có yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đưa đón học sinh toàn thành phố.

Liên quan đến vụ việc làm cháu bé tử vong trên xe ô-tô đưa đón của Trường tiểu học quốc tế Gateway, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đây là nội dung tại văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vụ việc trên. Cũng tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học; hướng dẫn, quy định cụ thể dịch vụ đưa đón học sinh, bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối cho các cháu, không để tái diễn sự việc tương tự.