Quan tâm hỗ trợ lao động phi chính thức

Chủ trương của Chính phủ và các cơ quan chức năng về vấn đề hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã nhận được sự hưởng ứng lớn của người lao động (NLĐ), nhất là với những lao động (LĐ) không có tích lũy, kiếm sống qua ngày, cùng nhiều đối tượng khó khăn khác do dịch bệnh. Điều đó sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp người dân vững tin và quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua khó khăn dịch bệnh.

Nhóm lao động tự do sẽ được hỗ trợ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: HẢI BẮC
Nhóm lao động tự do sẽ được hỗ trợ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: HẢI BẮC

Lao động yếu thế dễ bị tổn thương

Anh Bảo (40 tuổi) quê ở Thái Nguyên, bình thường hằng ngày vẫn có mặt tại đường Bưởi mới, đoạn gầm cầu ngã ba Hoàng Quốc Việt - Võ Chí Công - Bưởi (Hà Nội) để kiếm việc làm. Cách đây hai tháng, khi mới xuất hiện dịch, việc của anh còn túc tắc, nhưng sau đó thưa dần vì không ai muốn thuê LĐ tự do làm việc do e ngại các nguồn lây nhiễm. Anh cầm cự với mấy người đồng hương tại nhà trọ ở quận Cầu Giấy, thời điểm này khả năng có việc của anh Bảo không còn. “Tôi hay được thuê làm thợ xây trong các công trình nhỏ hoặc vận chuyển cây ở chợ Bưởi, làm nội thất. Nay các công trình đều dừng hết. Nguồn thu nhập của chúng tôi không còn…”.

Anh Tính và chị Bắc quê ở Hưng Yên thuê nhà trọ ở phường Xuân Đỉnh (Tây Hồ, Hà Nội). Anh Tính chạy taxi công nghệ còn chị Bắc có gánh bún riêu bán buổi chiều gần cổng Bệnh viện E. Anh Tính nói: Hôm qua (4-4) anh đi xe từ 5 giờ sáng đến tối chỉ có một cuốc được 150 nghìn đồng. Tình trạng này kéo dài hơn tháng qua. Mấy ngày nay, gần như không có khách chạy xe. Dù không lăn bánh, nhưng hằng tháng, anh Tính vẫn phải trả 7 triệu đồng tiền “đàm” cho hãng gồm rất nhiều khoản (phí GPS, phí quản lý, phí sân bay, phí marketing…) và 15 triệu đồng tiền trả góp mua xe. Còn chị Bắc mấy ngày nay đứng ngồi không yên vì không bán hàng nữa. Thu nhập hai vợ chồng vốn dành để trả tiền thuê nhà, nuôi hai con học tiểu học Tại trường tiểu học Xuân La và trả góp mua xe, còn tích lũy thì không có.

Báo cáo LĐ phi chính thức (PCT) gần nhất của Việt Nam do Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy, quy mô LĐ PCT của Việt Nam khá lớn với hơn 20 triệu người. Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn có số LĐ PCT lớn nhất, chiếm hơn 20% tổng số LĐ PCT của cả nước. Báo cáo này cũng chỉ ra, những LĐ trong khu vực PCT thường có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội… Trong đó, có đến 43,9% LĐ PCT được xếp vào nhóm LĐ có việc làm dễ bị tổn thương (bao gồm 32,1% là LĐ tự làm và 11,8% là LĐ gia đình không được trả lương) trong khi LĐ chính thức chỉ có 14% được xếp vào nhóm này.

Cũng theo báo cáo, phần lớn LĐ PCT làm việc trong ba nhóm ngành: “Công nghiệp chế biến, chế tạo”, “Xây dựng” và “Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô-tô, mô-tô, xe máy” với tỷ trọng gần 70% tổng số lao động PCT. Tiếp theo đó, nhóm ngành “Dịch vụ lưu trú và ăn uống” với khoảng 11%.

Chiều 31-3, chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như sáng 1-4, tại phiên họp Thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng cho rằng, tác động của dịch là rất lớn, không chỉ đối với sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách mà cả với đời sống của người dân, nhất là người nghèo, công nhân thất nghiệp và một số đối tượng khác không có tích lũy gặp rất nhiều khó khăn. “Tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi chúng ta phải lo cho cuộc sống nhân dân, nhất là NLĐ, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, thu nhập để bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn đối tượng LĐ tự do (không có hợp đồng LĐ) bị mất việc làm vào các nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ là hoàn toàn hợp lý. Bởi đây chính là những LĐ bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch Covid-19 gây ra.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ được bàn thảo ngày 1-4 tại phiên họp Thường kỳ Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đề cập có sáu nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội. Theo đề xuất dự kiến gồm: Người có công với cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo có trong danh sách đến ngày 31-12-2019; người LĐ bị tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp (DN); người sử dụng LĐ bị tác động lớn có nhu cầu vay vốn trả lương cho LĐ; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm; LĐ bị chấm dứt hợp đồng LĐ nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ, mất việc làm.

Đáng chú ý, việc hỗ trợ nhóm đối tượng “LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ, mất việc làm” với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong vòng ba tháng (4 - 5 - 6).

Quan tâm hỗ trợ lao động phi chính thức ảnh 1

Việc hỗ trợ được mong mỏi cần thực hiện đúng đối tượng. Ảnh: HẢI BẮC

“Hỗ trợ phải đúng đối tượng, công khai, minh bạch”

Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ LĐ (Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam) cũng cho rằng, điều quan tâm nhất trong việc tổ chức thực hiện gói hỗ trợ là đối tượng NLĐ không có hợp đồng LĐ, LĐ tự do. Số LĐ này bị mất việc thường xuyên, chịu tác động nhanh và rõ rệt nhất của đại dịch. Ngoài ra, hầu hết LĐ tự do khi mất việc đã trở về địa phương nên chính quyền cần xác định, thống kê nhanh chóng để hỗ trợ, tránh trường hợp người cần được hưởng thì tiền không đến được tay.

Với nhóm đối tượng này, ông Quảng đề xuất chính quyền địa phương, DN, ngân hàng có thể phối hợp để có hướng xử lý. “Trong các cuộc điều tra về LĐ PCT, cơ quan chức năng đã có số liệu LĐ này. Do vậy, có thể áp dụng từ những dữ liệu và cách làm trước đó để cập nhật danh sách”, ông Quảng đề nghị.

Nhưng còn băn khoăn nhất là cách thức thực hiện hỗ trợ. Theo đó, thì đối với NLĐ có hợp đồng LĐ, việc kê khai danh sách tương đối dễ bởi cơ quan nhà nước, bảo hiểm xã hội đều nắm được con số. Nhưng hiện nay, có những DN không ký hợp đồng LĐ với NLĐ và số người này bị mất việc, cùng với cả những LĐ tự do hiện đã về địa phương. Vì vậy, theo ông Quảng, phải có cách điều tra, thống kê hợp lý để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng.

Đông đảo người quan tâm đang rất kỳ vọng khi vừa qua kết luận phiên họp Thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ thống nhất cao với nội dung dự thảo Nghị quyết. Về dự thảo, Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc hỗ trợ là chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 gây ra; không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; bảo đảm nguyên tắc chia sẻ khó khăn, Nhà nước và DN cùng chia sẻ trách nhiệm, trong đó Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần với mức phù hợp khả năng nguồn lực; việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách...

Sau phiên họp này, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo thẩm quyền.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, gói hỗ trợ này tập trung chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Về quy mô gói hỗ trợ an sinh xã hội này, dự kiến ngân sách là hơn 61.000 tỷ đồng, sẽ hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc điều chỉnh của Nghị quyết này. “Người đứng đầu ở địa phương phải có trách nhiệm giám sát để gói hỗ trợ an sinh xã hội không bị trục lợi. Gói hỗ trợ này phải công khai minh bạch trong dân, để nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các cơ quan giám sát chặt chẽ. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm minh tất cả các trường hợp vi phạm trục lợi chính sách”, Bộ trưởng lưu ý.

SẼ HỖ TRỢ LƯƠNG THỰC CHO HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO VÀ GIA ĐÌNH KHÓ KHĂN
Ngày 5-4, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đã có Công điện về tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt cao điểm. Theo đó, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hướng dẫn tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng “Đúng - đủ - kịp thời”; căn cứ dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã được cơ quan có thẩm quyền giao để chủ động đề nghị Kho bạc Nhà nước bố trí kinh phí chi trả trợ cấp, gộp trước hai tháng trợ cấp hằng tháng trong một lần chi trả. Các sở cũng được yêu cầu lựa chọn thời gian tổ chức thực hiện công tác chi trả bảo đảm yêu cầu an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp UBND cấp huyện có biện pháp hỗ trợ lương thực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ gia đình khó khăn không đủ lương thực trong thời gian cách ly xã hội.