Quân hàm xanh nơi “tuyến đầu” phòng dịch

Gần hai tháng qua, thông tin được đăng tải nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Điện Biên là việc trên địa bàn tỉnh ghi nhận ba trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, đêm ngày 2-2, cả ba người này có cùng hành trình di chuyển từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) lên Điện Biên, trên chuyến xe khách của nhà xe Thành Công...

Xây dựng chốt kiểm dịch tại Đồn Biên phòng A Pa Chải (Mường Nhé).
Xây dựng chốt kiểm dịch tại Đồn Biên phòng A Pa Chải (Mường Nhé).

1/ Như một “vết dầu loang”, chỉ hai ngày sau, toàn tỉnh đã truy vết được 414 trường hợp F1 dương tính với SARS-CoV-2. Riêng huyện “cửa ngõ” Tuần Giáo đã hoàn thành truy vết F2 và F3. Công tác chỉ đạo phòng, chống dịch từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố được đặt lên hàng đầu. Công tác điều tra dịch tễ, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện khẩn trương. Đáng mừng là 217 trường hợp F1 đã lấy mẫu xét nghiệm ba lần, đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Cả 217 trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung, chuyển sang cách ly tại gia đình. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, quản lý biên giới, ngăn chặn mọi trường hợp nhập cảnh trái phép tại các đường mòn, lối mở; quản lý chặt chẽ và cách ly triệt để người nhập cảnh. 

Tỉnh Điện Biên có 455,573 km biên giới. Trong đó, tuyến Việt Nam - Lào dài 414,712 km và  tuyến Việt Nam - Trung Quốc dài 40,861 km. Đại tá Trần Nam Trung - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết: BĐBP tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ địa bàn gồm bốn huyện biên giới với 29 xã, 313 thôn bản. Trong đó có 111 thôn bản giáp biên. Dọc chiều dài biên giới là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số. Thời gian qua, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những người lính “quân hàm xanh” đã thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. 

2/ Chúng tôi lên đường đi A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) - nơi có Đồn Biên phòng (ĐBP) A Pa Chải đang làm nhiệm vụ tuần tra, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ngăn ngừa, phòng, chống dịch bệnh xâm nhập qua biên giới. Chiều tháng Giêng, gió mùa ràn rạt đổ về theo các giông núi biên thùy. Trên trục đường tuần tra biên giới Việt Nam - Trung Quốc, chốt phòng dịch khu vực Mốc 5 của đơn vị nằm cách ĐBP A Pa Chải hơn 10 km. Đây là nơi sinh hoạt của tổ công tác biên phòng và các lực lượng phối hợp địa phương tham gia kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19. 

Thiếu tá Đặng Văn Tuấn, Đồn trưởng Biên phòng A Pa Chải cho biết: Là địa bàn có đường biên giới với Trung Quốc qua lối mở A Pa Chải - Long Phú (huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), huyện Mường Nhé được coi là “tuyến đầu” phòng dịch. ĐBP A Pa Chải đã dựng các lều bạt dã chiến ngay tại lối mở A Pa Chải - Long Phú; mặt khác, chủ động phối hợp lực lượng công an, y tế duy trì việc chốt chặn và nhất là tạm thời dừng mọi hoạt động thông thương qua lối mở này. Khi các tình huống dự kiến xảy ra, các lều bạt là chỗ tiếp nhận và tổ chức lưu trú tạm thời cho những công dân Việt Nam có thể được trao trả từ Trung Quốc, sau đó tiến hành phân loại, kiểm tra tình hình sức khỏe ban đầu. Tại đây, lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng, tiêu độc, đo thân nhiệt cho tất cả những ai qua lại nhằm phòng, chống nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ được lập danh sách chuyển về cơ sở y tế nội địa, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và quản lý theo quy định chuyên môn.

Thượng úy Phạm Đình Kiên, cán bộ trinh sát ĐBP A Pa Chải, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, ĐBP A Pa Chải đã triển khai lực lượng bảo vệ biên giới trên các tổ chốt khép kín 24/24 giờ, làm nhiệm vụ phát hiện từ xa và ngăn chặn không để các đối tượng vượt biên xâm nhập trái phép qua biên giới, làm lây lan dịch Covid-19. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, đơn vị trực 100% quân số với tinh thần “vui Xuân không quên nhiệm vụ”; bảo đảm cơ sở vật chất cho cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác. 

3/ Được biết tầm này năm ngoái, huyện Mường Nhé tổ chức cách ly, theo dõi diễn biến sức khỏe cho 9 người dân tại Trạm Y tế xã Mường Toong. Chúng tôi tìm gặp bà Pờ Diệu Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Mường Nhé. Qua trao đổi, được biết những người này là công dân huyện Tủa Chùa và huyện Mường Nhé, đi làm thuê tại huyện Giang Thành (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và được cách ly từ đầu tháng 2-2020. Sau thời gian 14 ngày, số người này không có triệu chứng gì liên quan đến dịch Covid-19. Trong thời gian cách ly tập trung, bà con được chăm sóc ăn uống và được hỗ trợ kinh phí theo quy định.

Vào thời điểm này (đầu tháng 3-2021), dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố cả nước, trong đó có tỉnh Điện Biên. Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan hữu quan và các ngành, các cấp thì trên miền biên cương xa thẳm, các chiến sĩ biên phòng đang làm tròn sứ mạng với đúng nghĩa là “gác cho dân ngủ ngon”. Tại nhiều chốt gác không có điện thắp sáng, không có sóng điện thoại, xa các bản làng và khu dân cư, thậm chí không có cả nước sạch sinh hoạt... Song tất cả những khó khăn đó không thể làm chùn ý chí, quyết tâm và tinh thần “chống dịch như chống giặc” của những người lính biên phòng.