Nút thắt khó gỡ ở Tân Kỳ

Hàng nghìn ha đất quy hoạch rừng phòng hộ được người dân tự bỏ vốn trồng rừng keo nay đồng loạt vào kỳ khai thác, trong khi quy định về khai thác gỗ trong rừng phòng hộ lại rất khắt khe. 

Rừng keo do người dân ở huyện Tân Kỳ bỏ vốn trồng đến tuổi khai thác, nhưng còn vướng một số quy định về khai thác gỗ trong rừng phòng hộ.
Rừng keo do người dân ở huyện Tân Kỳ bỏ vốn trồng đến tuổi khai thác, nhưng còn vướng một số quy định về khai thác gỗ trong rừng phòng hộ.

1. Trước đây, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tân Kỳ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An được giao quản lý 8.001,17 ha đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích có rừng là 6.435,67 ha. Diện tích rừng tự nhiên chỉ chiếm 3.926,23 ha, chiếm 49,1% tổng diện tích. Tuy nhiên rừng tự nhiên này chỉ là rừng tái sinh phục hồi (rừng non). Rừng trồng chủ yếu là rừng keo, do các chủ hộ nhận khoán tự đầu tư trồng rừng.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương giảm biên, tinh gọn bộ máy quản lý, BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ đã liên tục giảm quân số từ 34 người năm 2015 xuống còn 21 người. Từ ba phòng chuyên môn năm 2015, nay xuống còn hai phòng. Hiện tổng số cán bộ và công nhân bảo vệ rừng là 21 người nhưng chỉ có 12 người (biên chế) được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, năm người hưởng lương từ nguồn bảo vệ rừng giao khoán hàng năm, bốn công nhân được giao đất để tự sản xuất và đóng bảo hiểm. Được biết, đây là đơn vị có nguồn đầu tư trên cấp ít nhất trong tất cả các BQL rừng phòng hộ ở tỉnh Nghệ An nhưng vẫn đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ bảo vệ rừng nhờ khâu chủ động sắp xếp lại bộ máy hoạt động. Đáng nói là, dù tinh giản đến 38% tổng quân số, nhưng BQL này vẫn thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ mục tiêu. Chủ động tinh giản bộ máy, sắp xếp việc làm hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ vừa làm nhiệm vụ vừa tăng gia cải thiện đời sống là giải pháp tốt đối với các BQL rừng phòng hộ trong giai đoạn hiện nay và có lẽ đây cũng là một con đường “Quản lý bảo vệ rừng bền vững”.

Sau khi Nghị định 168/2016/NĐ-CP, ngày 27-12-2016 của Chính phủ về giao khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước được triển khai, năm 2018, BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ đã nhanh chóng thực hiện và giao khoán gần 6.300 ha cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân và tổ chức (có kế thừa các giao khoán trước đó). Chủ rừng, chủ đất cụ thể đã được xác định, gánh nặng bảo vệ rừng đã được san sẻ, áp lực về phá rừng, lấn chiếm rừng cũng giảm theo.

Từ trước năm 2018, BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ đã thực hiện giao khoán đất rừng và ưu tiên cho một số cán bộ nhận để bảo vệ và trồng rừng. Năm 2018, mạnh dạn hơn đơn vị đã cho thay thế gần 10 ha rừng mét già cỗi để chia cho một số cán bộ chuyển trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi, quýt, ổi, mít... Phù hợp thổ nhưỡng, các loại cây ăn quả phát triển tốt, đã được xuất bán trên thị trường, tăng thêm thu nhập  khá cho cán bộ, công nhân viên. Bên cạnh đó, năm 2020 đơn vị đã có đề án trả 417,42 ha đất tại tiểu khu 848 thuộc xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ  và được UBND tỉnh Nghệ An chấp nhận.

2. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng có không ít khó khăn. BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ có gần 1.200 ha đất rừng tại các tiểu khu 860, 865, 867 đang bị người dân huyện Yên Thành canh tác trái phép từ trước năm 2000. Mặc dù các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đã vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Như vậy tính đến cuối năm 2020 thì diện tích đất rừng mà đơn vị quản lý, thực chất chỉ gần 6.400 ha, với 17 người hưởng lương và trong đó có bảy người được hưởng phụ cấp chức vụ (41,2%). Việc này cho thấy nghịch lý là một số cán bộ có thời gian gắn bó nghề lâu năm, nhưng đến nay vẫn chỉ biết trông chờ vào đồng lương mà chưa được bố trí mảnh đất nào để phát triển sản xuất cải thiện thêm cuộc sống còn rất chật vật. Trong khi đó, nhiều hộ dân từ nơi xa lại đã được giao khoán ổn định lâu dài hàng mấy chục ha đất để trồng rừng nguyên liệu, trồng cây ăn quả...

Vấn đề đang vướng mắc lớn hiện nay chưa được tháo gỡ là: Hơn 2.000 ha đất quy hoạch rừng phòng hộ được người dân tự bỏ vốn trồng rừng keo nay đồng loạt từ 5 - 6 tuổi. Nhiều hộ dân làm đơn xin khai thác trong khi quy định về khai thác gỗ trong rừng phòng hộ lại rất khắt khe. Thực trạng xâm lấn rừng tự nhiên để trồng keo, khai thác gỗ rừng trồng trái phép vẫn diễn ra.

Những khó khăn trên không riêng gì có ở BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ mà nó khá phổ biến đối với các BQL rừng phòng hộ và BQL rừng đặc dụng khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Rất cần thiết phải tháo gỡ, mong các nhà làm chính sách quan tâm.