Nỗ lực sống chung với dịch

Tác động của đại dịch Covid-19 đến các mặt đời sống xã hội đã bộc lộ trên nhiều khía cạnh và nguy cơ còn tiếp tục kéo dài, đe dọa đẩy một bộ phận người lao động rơi vào khó khăn chưa từng có tiền lệ, vừa lo sợ dịch bệnh nhưng vẫn phải tìm kế sinh nhai. Nguyện vọng của người dân là mong các cơ quan chức năng tiếp tục quyết liệt tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch, vừa có thêm nhiều chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, giúp người dân vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Một số khách sạn tại trung tâm TP Nha Trang đóng cửa vì vắng khách. Ảnh: KHẢI AN
Một số khách sạn tại trung tâm TP Nha Trang đóng cửa vì vắng khách. Ảnh: KHẢI AN

Kỳ 1: Nhiều khó khăn chồng chất

Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú đã phải đóng cửa, kể cả những chuỗi khách sạn cao cấp… Nhân viên ngành du lịch, dịch vụ tạm thời phải nghỉ việc, nhận mức lương hỗ trợ hoặc thất nghiệp là tình trạng chung trên hầu khắp các địa phương. Cùng với tỷ lệ thất nghiệp trong bộ phận này, những người lao động (LĐ) tự do vốn thu nhập đã bấp bênh không ổn định, nay lại càng vất vả, lao đao.

Ngành dịch vụ “đóng băng”

Chị Trần Thị Luyến từng làm việc tại một khách sạn ở phố Hàng Bài, Hà Nội. Trước đây những khách sạn này đều là điểm đón các đoàn khách du lịch nước ngoài, thế nhưng cũng như các khách sạn khác, cơ sở này phải đóng cửa do không chịu nổi phí mặt bằng, trả lương nhân viên, phí duy trì hoạt động… 

Trong lúc dịch ập đến, Luyến đang nghỉ thai sản. Chị đã ở nhà không lương suốt từ khi mới sinh đến hết kỳ nghỉ Tết, sang kỳ nghỉ hè, mà nay vẫn chưa nhận được trợ cấp thai sản. Công ty của Luyến cũng hứa sẽ xử lý sớm, song do khách sạn chưa thể quay lại hoạt động nên thủ tục, giấy tờ vẫn phải “treo” lại. Anh Quang, chồng của Luyến cũng làm quản lý tại một khách sạn trên phố Lý Thường Kiệt, đang nhận được mức lương hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng. Không có khách nên khách sạn chỉ tạm duy trì, anh là một trong số ít nhân viên may mắn vẫn được đi làm và nhận lương, còn nhiều đồng nghiệp khác của anh đã mất việc từ đầu mùa dịch. 

Cả nhà ba người hiện trông cậy vào khoản hỗ trợ trên và một chút tiền tiết kiệm, trong khi trước đó gia đình nhỏ này vừa vay ngân hàng một món tiền không nhỏ để mua căn hộ đang ở hiện nay. Thủ tục giãn nợ đang chờ ngân hàng xem xét, còn chị Luyến tranh thủ vừa trông con vừa bán hàng trên mạng, coi như khoảng thời gian này tập trung hoàn toàn cho con nhỏ. 

Đây chỉ là một thí dụ trong số hàng nghìn nhân lực ngành du lịch bị mất việc làm sau khi các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn lần lượt phải cắt giảm biên chế vì tác động của dịch Covid-19 vừa qua. Đáng ngại hơn là tình trạng này có thể sẽ còn kéo dài do dịch bệnh. Anh Quang nhận định, Covid-19 là “cơn ác mộng” của nhân sự ngành khách sạn, làm thay đổi toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần và cơ hội việc làm của chính anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác. 

Theo Tổng cục Thống kê, xét về ngành nghề, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch với khoảng 72% LĐ bị ảnh hưởng, trong đó, hơn 80% LĐ ngành du lịch - khách sạn không có việc làm. Lực lượng LĐ giảm sâu kỷ lục, LĐ nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so LĐ nam trong bối cảnh dịch Covid-19. Còn theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong sáu tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến 95% các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước dừng hoạt động.

Đợt dịch trước, DN du lịch, lữ hành vừa rục rịch chuẩn bị chạy cao điểm hè thì đợt dịch tiến công tiếp theo đã ập đến. Đại diện một DN lữ hành tại Trung Kính, Hà Nội cho biết: “Ngay sau khi có thông tin về những ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng, chỉ riêng trong ba ngày từ 25 đến 29-7, công ty chúng tôi đã nhận thông báo hủy tour của hơn 60 đoàn khách, có đoàn lên tới 100 khách du lịch. Có đoàn sáng hôm sau khởi hành, tiền cọc đã được chuyển cho phòng vé và khách sạn thì trong đêm hôm trước mới điện thoại báo hủy chuyến, khiến đại lý không kịp trở tay”. 

Tình cảnh trên gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho cả DN và những khách đã trả tiền đặt tour. Theo phản ánh của DN này, năm nay, các trường học được nghỉ hè muộn hơn so những năm trước nên cao điểm hè cũng lùi lại so mọi năm, số đoàn đặt tour đông nhất vào giữa tháng 7 và đáng lẽ ra kéo dài đến hết tháng 8, song trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, tỷ lệ hủy tour vẫn rất cao dù các đại lý đã tư vấn khách di chuyển đến những địa điểm không phải là vùng dịch, nhưng phần vì lo ngại virus, phần vì nhiều đơn vị gặp khó khăn về kinh tế nên cắt giảm hẳn kinh phí cho các đoàn du lịch. 

Nỗ lực sống chung với dịch -0
Lao động tự do bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: K.MINH 

“Khắc khoải chờ dịch qua”

Trên vỉa hè phố Hàng Dầu, Hà Nội, bà Q. đã bán trà đá lâu năm tại đây, dù tuổi đã cao song nhiều năm qua, bà không có thu nhập ổn định mà nguồn thu chính đến từ dăm chục chén nước chè mỗi ngày. Ngồi ở góc phố này từ sáng tới tối, từ hè sang đông, bà cụ đã chứng kiến nhiều chuyện lạ, nhưng chưa từng có biến động nào lớn như dịch Covid-19 vừa qua. Người phụ nữ đã gần 70 tuổi nói rằng, chưa cần phải xem thời sự, đọc báo chí, bà cũng tự quan sát và nhận thấy được sự thay đổi, ảnh hưởng cuộc sống của người dân trong dịch. Trong khoảng thời gian buôn bán khó khăn và có khi phải nghỉ bán hàng do dịch bệnh, bà phải đến chỗ phát từ thiện để lấy gạo hoặc nhờ sự giúp đỡ của họ hàng. Bữa ăn hằng ngày của gia đình bà chỉ có trứng, đậu cứ lặp đi lặp lại đến mức “nhắc đến thôi cũng sợ”. 

Trước diễn biến dịch bệnh còn chưa dự đoán được như hiện nay, tâm lý chung của người dân vẫn là nghe ngóng tình hình các cơ quan chức năng kiểm soát, ngăn chặn dịch. Chị Nguyễn Thị Huyền, 38 tuổi, là nhân viên bán hàng tại Trung tâm sách Hà Nội, số 4 Đinh Lễ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Chị chia sẻ, gần 10 năm bán hàng ở đây, lần đầu tiên chị thấy doanh thu giảm sút hẳn một nửa. Theo chị Huyền: “Những nhu cầu cần thiết trong đợt dịch như ăn uống, vật dụng thiết yếu… sẽ được ưu tiên hơn là những thứ thưởng thức về mặt tinh thần như đọc sách”. 

Cùng cảnh ngộ với chị Huyền là chị Phạm Thu Hà, chủ cửa hàng kinh doanh sản phẩm mây tre đan. Chị chia sẻ, trước dịch số lượng bán được 10 phần thì sau dịch giảm còn một phần, thậm chí cả tuần không bán được hàng. Mặt hàng của chị chủ yếu bán cho các nhà hàng, khách sạn để trang trí, tuy nhiên vì nhiều khách hàng phải đóng cửa nên ảnh hưởng rất lớn tới việc tiêu thụ sản phẩm. “Ở tuổi này rồi, khó chuyển hướng sang công việc khác nên tôi đành chịu ngồi đây bán được cái nào hay cái đấy”, chị than thở. 

Cùng với nhân sự ngành dịch vụ và nhóm kinh doanh nhỏ lẻ, khảo sát một số người LĐ tự do ở Hà Nội cho thấy họ đang là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất bởi đại dịch lần này. Ông Nguyễn Văn Hanh vốn là thợ chụp ảnh ở hồ Gươm. Trước dịch ông có thể chụp được 20 - 30 file ảnh/ngày, nhưng sau dịch Covid-19, phố đi bộ đóng cửa, ông nghỉ ở nhà suốt thời gian đó. “Sau khi phố đi bộ mới mở lại thời gian vừa qua, lượng khách cũng vắng hơn, người dân chi tiêu cân nhắc nên việc chụp ảnh cũng là thứ “xa xỉ”, ông nói. 

(Còn nữa)

Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình LĐ việc làm tại Việt Nam ngày 10-7 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi LĐ trong quý II năm 2020 là 2,73%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi LĐ ở khu vực thành thị là 4,46%, cao nhất trong 10 năm qua, cao hơn 1,36 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước. 

Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 1 đến nay đã tác động đến LĐ, việc làm của 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Lực lượng LĐ và LĐ có việc làm đều giảm hơn hai triệu người, là mức giảm lớn nhất trong vòng 10 năm qua. LĐ nữ, LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và LĐ làm công việc phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.