Nhiều thách thức trong giảm ô nhiễm môi trường

Chương trình giảm ô nhiễm môi trường tại TP Hồ Chí Minh qua 5 năm thực hiện (2016 - 2020) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn tiếp theo (2021 - 2030), chính quyền thành phố đặt mục tiêu rất cao với nhiều chỉ tiêu có tỷ lệ 100% phải đạt được. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, thành phố gặp không ít thách thức.

Ý thức của người dân đang tác động lớn đến thực trạng ô nhiễm môi trường của TP Hồ Chí Minh.
Ý thức của người dân đang tác động lớn đến thực trạng ô nhiễm môi trường của TP Hồ Chí Minh.

Nhiều chỉ tiêu chưa đạt

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, qua 5 năm (giai đoạn 2016 - 2020), chương trình giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đã thực hiện hoàn thành 12/16 chỉ tiêu đặt ra (đạt 75% kế hoạch). Trong đó có tám chỉ tiêu hoàn thành mục tiêu đề ra; bốn chỉ tiêu hoàn thành hơn 96%; còn lại bốn chỉ tiêu đang triển khai thực hiện.

Điều đáng lưu tâm là 80% lượng nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tập trung đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn này. Dù cho hiện thành phố đã nỗ lực xây dựng, hoàn thành ba nhà máy xử lý nước thải tập trung gồm: Bình Hưng - giai đoạn 1, công suất 141.000m³/ngày; Bình Hưng Hòa công suất 30.000 m³/ngày và Tham Lương - Bến Cát công suất 131.000 m³/ngày.

Trao đổi ý kiến với Thời Nay về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho hay, trên cơ sở lượng nước cấp 1.850.000 m³/ngày, tương ứng lượng nước thải phát sinh 1.451.000 m³/ngày (tương đương 80%). Vậy nên, tổng lượng nước thải đô thị trên địa bàn thành phố được thu gom, xử lý tập trung trước khi thải ra môi trường khoảng gần 190.000/1.451.000 m³/ngày, đạt tỷ lệ gần 13% nên chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Trong giai đoạn từ nay đến 2025, khi hoàn thành Nhà máy Bình Hưng - giai đoạn 2, với công suất 469.000 m³/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè công suất 480.000 m³/ngày và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống bao Tham Lương - Bến Cát, phát huy cao nhất công suất của Nhà máy Tham Lương - Bến Cát, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý sẽ nâng lên gần 78%. “Tuy nhiên, đây là giải pháp công trình nên còn phụ thuộc tiến độ triển khai các dự án thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung của thành phố”, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho hay.

Từ đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, năm 2020, tuy có thể hoàn thành các chỉ tiêu về đầu tư xử lý nước thải công nghiệp và bệnh viện, có chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị di dời các nhà ven kênh rạch hoặc phối hợp tỉnh giáp ranh kiểm soát nguồn thải ra kênh rạch liên tỉnh, thì vẫn chưa thể đạt chỉ tiêu giảm 90% tải lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt do không thể thực hiện được chỉ tiêu 80% nước thải đô thị được thu gom xử lý đạt quy chuẩn.

Về nguyên nhân, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh) cho hay, các doanh nghiệp sản xuất đã quan tâm đầu tư cải tiến quy trình công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý môi trường, tuy nhiên hầu hết ở quy mô nhỏ, vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh hoặc thuê mướn mặt bằng từ nhà dân để kinh doanh (diện tích và quy mô nhỏ, thời gian thuê ngắn) nên khó đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại địa điểm hoạt động. Ngoài ra, văn bản pháp luật quy định về quy trình thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định xử lý vi phạm về môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương nên việc xử lý vi phạm còn lúng túng.

Cải thiện nhiều mặt về môi trường

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2020 - 2025, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của cộng đồng và doanh nghiệp; khuyến khích việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh để giảm thấp nhất lượng chất thải, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Thực hiện phủ kín trên địa bàn thành phố mạng lưới quan trắc chất lượng nguồn nước sông và kênh rạch, bảo đảm yêu cầu theo dõi, đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến chất lượng nguồn nước; xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường.

UBND các quận, huyện cần kiểm tra, giám sát tình hình xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải; buộc các đơn vị có hệ thống xử lý chưa đạt quy chuẩn phải đầu tư, cải tạo để bảo đảm đạt quy chuẩn Việt Nam hiện hành. Thành phố cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; kiểm tra sau cấp phép đối với hoạt động, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước, nhất là lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, trọng tâm là kiểm tra việc thu gom, xử lý chất thải và vận hành hệ thống xử lý nước thải.

Đối với việc kiểm soát chất lượng không khí, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung ngăn chặn ba nguồn gây ô nhiễm chính gồm: Hoạt động giao thông, hoạt động xây dựng và hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong đó, thành phố đặc biệt tập trung kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông, nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí thời gian qua. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Trong đó, đặt mục tiêu vận động 100% số hộ dân trên địa bàn thành phố cam kết không xả rác bừa bãi ra đường và kênh rạch.