Nhiều hướng giải quyết cho vấn đề SGK lớp 1

Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký ngày 22-10-2020, đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, giải trình một số vấn đề chung về chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới.

Nhiều khó khăn khi triển khai chương trình SGK mới cho học sinh lớp 1. Ảnh: TTXVN
Nhiều khó khăn khi triển khai chương trình SGK mới cho học sinh lớp 1. Ảnh: TTXVN

Đưa SGK vào danh mục bình ổn giá

Hiện nay, giá của bộ SGK lớp 1 mới cao hơn khoảng hai lần so với giá bộ SGK lớp 1 cũ (các bộ SGK lớp 1 mới có giá từ 179.000 - 194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000/cuốn; bộ SGK lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc phải tăng giá SGK, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, là do nội dung SGK lớp 1 mới cụ thể hóa yêu cầu cần đạt về phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh theo chương trình mới đòi hỏi có ngữ liệu, nhất là các hình ảnh được sử dụng bảo đảm yêu cầu thể hiện rõ ràng, chi tiết các nội dung cần biểu đạt để giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tích cực trong dạy học.

Điều đó khiến SGK lớp 1 mới có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn SGK lớp 1 cũ. SGK lớp 1 mới được in bốn mầu (trong khi SGK lớp 1 cũ chỉ in hai mầu) nên đòi hỏi giấy in SGK phải tốt hơn (về độ trắng và định lượng giấy); mực in phải bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, các bộ SGK lớp 1 mới được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí (đối với thù lao tác giả và kinh phí tổ chức biên soạn, thực nghiệm) như SGK lớp 1 cũ. Bộ Tài chính đã thẩm định giá, nhưng các cấu thành giá SGK (nguyên vật liệu, nhân công) vẫn phải bảo đảm các chi phí theo quy định và không có sự hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước đối với các chi phí này. Điều này khiến giá thành SGK lớp 1 mới cao hơn so giá thành SGK lớp 1 cũ.

Theo quy định của Luật Giá, SGK thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Tuy nhiên, xác định SGK là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng đến nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước đối với SGK. Chính phủ đã báo cáo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu trình Quốc hội quyết định việc đưa SGK vào danh mục hàng hóa bình ổn giá (hoặc do Nhà nước định giá).

Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, một số nhà trường ở một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng giáo viên lập danh mục sách tham khảo kèm theo SGK gửi cho cha mẹ học sinh để đăng ký mua “tự nguyện”, gây băn khoăn trong dư luận. Để tăng cường hơn nữa các quy định về việc sử dụng sách tham khảo trong dạy học, Bộ GD&ĐT đang rà soát, chỉnh sửa Thông tư 21 ban hành ngày 7-7-2014 về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên theo hướng có chế tài mạnh hơn đối với các trường hợp vi phạm.

Cần mạnh mẽ và quyết liệt

Về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có những điểm chưa phù hợp, Bộ trưởng GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, kiểm tra, kết luận cụ thể các nội dung theo phản ánh. Bộ GD&ĐT đã làm việc với Hội đồng thẩm định, Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh và tác giả sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều. Tất cả các bên liên quan đều thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.

Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để kịp thời, thuận lợi cho giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học. Trước mắt, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên sử dụng các ngữ liệu được thay thế, bổ sung để thực hiện hoạt động dạy học các bài nằm trong chương trình học kỳ 1; đồng thời khẩn trương hoàn thiện việc điều chỉnh, bổ sung các nội dung trong SGK theo đúng quy định, báo cáo Bộ trưởng GD&ĐT xem xét phê duyệt trước ngày 15-11-2020.

Mặc dù cho biết “việc chỉnh sửa/hiệu đính SGK vẫn thường xuyên được thực hiện đối với các SGK trước đây”, nhưng Bộ GD&ĐT thừa nhận, “việc để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về một số điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định và tác giả”.