Nhặt rác trên đỉnh Tà Xùa

Xu hướng trekking trong rừng già, chinh phục những đỉnh núi cao, dã ngoại cắm trại tận hưởng thiên nhiên hùng vĩ đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Sẽ không có gì đáng nói, nếu sau những cuộc cắm trại vui vẻ, săn mây ngắm cảnh, những gì còn lại là chai nhựa, vỏ lon, túi nylon, vỏ bánh kẹo vứt bừa phứa trên đường đi.

Nhiều người leo núi, người dẫn đường kiêm gom rác.
Nhiều người leo núi, người dẫn đường kiêm gom rác.

Vô tư xả rác

Nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn cho những người “săn” mây: xã Tà Xùa (Bắc Yên). Không cần phải gian nan trèo đèo lội suối canh thời tiết đẹp như đa số những “thiên đường mây” khác, nếu đi từ hướng Bắc Yên (Sơn La), người ta có thể ngồi trên xe máy dễ dàng phi thẳng đến Tà Xùa. Cung đường này biển mây có sẵn, kẻ chinh phục vì thế có thể hạ trại ở bất cứ nơi nào trên đường đi. Cũng có thể vì dễ, nên Tà Xùa từ nhiều năm nay luôn nổi tiếng là địa điểm “nổi tiếng” là… nhiều rác nhất.

Trở về sau chuyến đi Tà Xùa cùng nhóm bạn, Nguyễn Phương Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc với những bãi rác dọc cung đường đi. “Cứ trên đường nhìn thấy đống củi đốt dở chưa cháy hết, nylon, vỏ kẹo, chai nhựa, hộp xốp vứt ngổn ngang, là biết có một nhóm đã hạ trại vừa rời đi”, Phương Anh ngao ngán. Là sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Hà Nội, Phương Anh luôn mơ ước được một lần chinh phục đỉnh cao, săn mây, tận hưởng cảm giác được thả mình thư thái giữa mây trời. Lần đi này, điều khiến cô thất vọng nhất, là chứng kiến nhiều bạn trẻ xả rác bừa bãi, miễn sao tiện cho mình. “Hết nạn giẫm nát hoa vì check-in, chụp ảnh lại đến xả rác bừa bãi. Tôi cứ nghĩ những người mê xê dịch là người trẻ, yêu thiên nhiên và phóng khoáng. Không biết đến bao giờ ý thức của các bạn mới khá hơn được?”, Phương Anh bức xúc.

Phạm Văn Đức (24 tuổi, Bắc Ninh) ấp ủ dự định được đi ngắm mây, ngắm hoa đỗ quyên nở trên đỉnh Putaleng (Tam Đường, Lai Châu). Chuyến đi dự kiến cuối tháng 3 phải hoãn do dịch, tất cả các hoạt động du lịch phải nghỉ. Mãi đến đầu tháng 5 vừa rồi, dù hoa đỗ quyên đã tàn hết, Đức vẫn quyết tâm mua một tour du lịch, cùng 10 bạn trẻ khác, chinh phục đỉnh Putaleng. Thiên nhiên hùng vĩ, thời tiết khô ráo nắng đẹp, lại được gặp gỡ trò chuyện với người dân bản địa trên đường đi khiến Đức khá hài lòng. Nhưng điều đáng phàn nàn nhất là ý thức của một số người trẻ ở các đoàn đi phía trước. Mọi người vẫn sẵn sàng xả rác bừa bãi. Suốt cả đường đi, Đức cùng các porter khác luôn phải nhặt những chai nhựa đựng nước, áo mưa, vỏ bánh kẹo, hộp sữa, túi nylon.

Đỗ Đức Đông (32 tuổi, Hà Nội) một người yêu thích khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và những điểm đến thú vị dọc đất nước. Không ít lần Đông bắt gặp những cảnh tượng thiếu ý thức như vậy từ các bạn trẻ. Trở về từ chuyến chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù (Trạm Tấu, Yên Bái), Đông bức xúc với một nhóm bạn trẻ, sau khi lên đỉnh, chạm tay vào chóp, bèn lôi pháo giấy kim tuyến, lôi đồ ăn ra ăn mừng và vô tư vứt vỏ bánh kẹo, vỏ đồ hộp, túi nylon bừa phứa ngay tại đỉnh. Mãi đến khi bị quá nhiều người nhắc nhở, các bạn mới miễn cưỡng thu dọn.

Người dẫn đường kiêm… gom rác

“Đừng để lại gì ngoài dấu chân”, “Leo núi không xả rác nhựa” là những khẩu hiệu mà những người dẫn đoàn và nhiều người trẻ vẫn dặn dò nhau khi bắt đầu những bước đầu tiên của hành trình chinh phục những đỉnh núi. Nhưng không phải ai cũng đều làm như vậy. Thời tiết nắng nóng, cộng với việc đi bộ cả ngày qua nhiều địa hình suối, đồi trọc, rừng rậm để chinh phục những đỉnh núi cao hơn 2.800 m khiến một chai nhựa trong tay cũng trở nên nặng cả tạ với người không đủ thể lực.

Có thâm niên 5 năm trong “nghề” dẫn đường leo núi, Phàn A Páo kiêm luôn vai trò thu gom rác. A Páo là người Dao ở Tả Lẻng (Tam Đường, Lai Châu), thuộc từng con đường mòn dẫn lên Putaleng. Trong các “thiên đường mây” như đỉnh Ky Quan San, Tả Liên, Tà Xùa…, đỉnh Putaleng với Páo là thân thuộc nhất, vì gần nhà. Lúc lên đỉnh, gùi lên lưng Páo đựng lều bạt, xoong nồi, gạo, dầu, đồ ăn cho cả đoàn, còn có những chiếc bì gấp gọn gàng. Lúc xuống, những chiếc bì ấy căng phồng rác. A Páo nhặt rác từ đỉnh xuống, gom ở chân núi để đốt. Lý do kinh tế là chủ yếu. Mỗi chuyến đi rừng ba ngày, A Páo tính cả tiền công, cả tiền khách thưởng thêm cũng trên dưới cả triệu đồng. “Nhặt sạch rác cho đoàn sau lên núi, chứ nhiều rác, xấu, không ai muốn đến đây nữa!”.

Không chỉ tình nguyện nhặt rác, làm sạch đường đi, một số bạn trẻ còn sáng tạo ra những cách để hạn chế tối đa rác mỗi lần leo núi. Tuấn Anh cho biết, nhóm leo núi của anh đều tự chuẩn bị một hộp nhựa để đựng rác cá nhân, để rác mình mang theo trên đường đi luôn phải được mang xuống núi. Có nhiều người dùng bình nước cá nhân thay vì dùng chai nhựa, mang theo áo mưa tái sử dụng nhiều lần thay cho loại dùng một lần, hạn chế tối đa các đồ nhựa, túi nylon, không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và không ảnh hưởng đến nhóm leo núi khác. Khi một chai nhựa rơi xuống đường, thì người leo núi khác, porter (người dân bản địa được thuê khuân vác đồ), đôi khi cả dẫn đường trở thành người thu gom rác bất đắc dĩ. Nhiều nhóm leo núi cũng tình nguyện nhặt bớt rác khi trên đường quay về. Dù vậy, cũng không thể lại với tốc độ xả rác của các đoàn leo núi.