Người cựu chiến binh phủ xanh đất cằn

Thương binh Trần Văn Mưu  (69 tuổi), xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP Hà Nội đã mạnh dạn đứng ra nhận thầu hơn 20 mẫu (tương đương 7,2 ha) đất hoang hóa và cải tạo thành đất trồng rau an toàn thành công, thu lợi hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cựu chiến binh Trần Văn Mưu kiểm tra chất lượng cây trồng.
Cựu chiến binh Trần Văn Mưu kiểm tra chất lượng cây trồng.

Từ đi đầu cải tạo đất cằn…

Từ năm 2003 - 2005, hơn 7,2 ha đất tại xã Tráng Việt được UBND huyện Mê Linh phê duyệt cho các công ty khai thác vật liệu đóng, đốt gạch và khai thác cát. Sau khi đáo hạn thuê và thu hồi đất năm 2007, toàn bộ diện tích khu đất đã mất hết đất bồi màu mỡ, chỉ còn trơ cát trắng và không thể trồng trọt. Mặc dù UBND xã đã nhiều lần kêu gọi đấu thầu nhưng đều không thành công, mảnh đất bị bỏ hoang gần bảy năm. 

Tới năm 2012, người dân xã được mùa dong giềng thu lợi nhuận cao. Với ba sào đất (tương đương 1.080 m²) được giao, gia đình thương binh Trần Văn Mưu đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng cũng thu lợi hơn 10 triệu đồng. Đây là động lực để ông Mưu đi tìm đất tiếp tục trồng dong giềng và nhận thấy tiềm năng từ 7,2 ha đất hoang. Thời gian đầu, do điều kiện đất quá cằn cỗi nên hiệu quả trồng dong giềng không cao. Ông quyết định mua thuốc diệt cỏ, dùng máy cày cho tơi đất và đổ thêm đất màu, chuyển sang trồng chuối tiêu hồng, cây đót và cho lãi suất đáng kể. 

Chứng kiến công việc cải tạo đất của ông Mưu, ban đầu nhiều người dân trong làng, thậm chí gia đình ông cũng hoài nghi về khả năng thành công. Tuy nhiên, người cựu chiến binh vẫn kiên trì: “Ban đầu khó khăn nhưng tôi vẫn quyết làm. Sau sáu tháng nữa sẽ có người làm theo, một năm nữa toàn bộ diện tích khu đất này sẽ được phủ xanh và hai năm nữa sẽ có mọi người cùng làm với tôi. Cho tới nay, mọi việc đúng như tôi mong đợi”.  Khi phóng viên Thời Nay hỏi thăm về chuyện cải tạo đất cằn, tất cả người dân xã Tráng Việt đều công nhận “đó là nhờ ông Mưu cả”.

… đến quy mô hợp tác xã rau an toàn

Khu đất đã giúp cho người dân xã Tráng Việt thu lợi hàng tỷ đồng khi mỗi sào (tương đương 360 m²) đất cho năng suất tối thiểu tới hai tấn rưỡi, nhất là các loại rau củ hợp đất cát pha như củ cải, mướp đắng, cà chua... Để mở rộng quy mô và định hướng lâu dài, ông Mưu cùng 20 hộ thành viên trong xã thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn và dịch vụ nông nghiệp Minh Hưng vào ngày 17- 8-2017. Năm 2018, Viện Công nghệ môi trường phối hợp cùng HTX trồng thử nghiệm giống cà chua và bắp cải mới. Qua dự án này, có hơn 70 hộ gia đình của xã được hỗ trợ giống, phân bón và thuốc trừ sâu lên tới 400 nghìn đồng/sào. 

Tới năm 2019, HTX Minh Hưng đã có sáu sản phẩm bao gồm mướp đắng, dưa chuột, bắp cải, rau ngót, đông dư, củ cải được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, có mã truy xuất nguồn gốc trên mỗi sản phẩm. Chia sẻ về lợi nhuận thu được, ông Mưu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Minh Hưng cho biết: “Vào mùa vụ, HTX có tới 60 công nhân bao gồm người địa phương và cả lao động tỉnh ngoài, thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Về cơ  sở vật chất, HTX đã đầu tư thêm máy móc hiện đại như hệ thống tưới tiêu bằng giếng khoan, mạng lưới điện thay cho máy phát và trang bị máy cày riêng, thậm chí chúng tôi còn lắp đặt cả camera giám sát. Năm 2018, tổng doanh thu của HTX là 4,5 tỷ đồng còn năm 2019 là 4,2 tỷ đồng”.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, HTX Minh Hưng vẫn giữ vững định hướng sản xuất, hỗ trợ người lao động và sẵn sàng nguồn cung sau dịch. Ông Mưu chia sẻ: “Theo quan điểm của chúng tôi, người nông dân cần bỏ tư tưởng phân biệt kiểu “trồng luống này để bán còn luống kia để ăn”. HTX luôn bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm rau củ quả, trước hết xuất phát từ trách nhiệm và lương tâm đối với cộng đồng. Trong bối cảnh giá thành và sức mua rau củ quả giảm mạnh do dịch, HTX có một số hướng đi mới, tiêu biểu như dự án hợp tác công ty sản xuất thực phẩm và thương phẩm khác chiết xuất từ cây miêu vàng, một loại cây trồng mới du nhập vào Việt Nam. Tổng lợi nhuận đem lại cho các hộ dân khoảng 20 - 30 triệu/sào sau ba tháng. Ngoài ra, HTX còn xây dựng chuồng trại để triển khai chăn nuôi lợn rừng trong thời gian tới”. 

Với thị trường rau củ quả an toàn hiện nay, ông Mưu xác định HTX Minh Hưng vẫn tập trung phục vụ nhu cầu trong nước. “Đối với thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, chúng tôi nhận định mặc dù nước này gặp thiên tai và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhu cầu xuất khẩu sẽ không tăng. Bởi vậy, chúng tôi tập trung vào nội địa với các hợp đồng bao tiêu sản phẩm như dự án trồng 1 ha cây miêu vàng hoặc một hợp đồng trồng củ cải rộng 1,5 ha”, ông Mưu cho biết.

Năm 2018, thương binh Trần Văn Mưu và HTX Minh Hưng đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng bằng khen “Người tốt, việc tốt”. Nhìn về thời gian tới, ông cho rằng xã Tráng Việt vẫn còn nhiều diện tích đất chưa được khai thác triệt để. Do đó, HTX Minh Hưng cần thêm sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, các viện nghiên cứu nông nghiệp để khắc phục hạn chế về kỹ thuật nuôi trồng, cung cấp thêm giống, phân bón... Đối với nguồn tiêu thụ, người cựu chiến binh mong đợi sẽ kết nối được với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, các công ty chế biến thực phẩm hoặc các siêu thị để đưa rau củ quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tới tay người dùng.