Ngư dân lúng túng “luật chơi” mới

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngành chức năng loay hoay, ngư dân lúng túng và chưa hiện thực hóa các quy định liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Sự chậm trễ này nguy cơ kéo theo những hệ lụy được báo trước.

Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi. Ảnh: KHIẾU MINH
Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi. Ảnh: KHIẾU MINH

Hàng ứ đọng vì cách làm cũ

Luật Thủy sản cùng nhiều nghị định điều chỉnh áp dụng cho ngành thủy sản, đánh bắt khai thác hải sản xa bờ có hiệu lực từ năm 2019 góp phần quản lý, siết chặt hoạt động khai thác hải sản chuyên nghiệp, quy phạm hơn. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương dường như việc thực hiện theo quy định mới vẫn chưa nhúc nhích, thậm chí giậm chân tại chỗ.

Trở về nhà hơn một tháng sau chuyến biển 90 ngày, ông Trần Tức ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đứng ngồi không yên. Hơn 50 tấn mực khô trị giá khoảng 6 tỷ đồng vẫn nằm trong ghe neo ở cảng Sa Cần. Phơi nắng nhiều ngày trong hầm ghe ẩm thấp, ông xót xa nhìn đống tài sản sau chuyến xa khơi đang bị nấm mốc, chuyển mầu nguy cơ hư hỏng. Những ngày qua ông chạy đôn, chạy đáo tìm nhiều mối bán nhưng vì giá quá thấp ông chưa thể giải quyết ổn thỏa số lượng lớn mực xà của ba tháng lênh đênh trên biển.

Hơn 15 năm hành nghề câu mực khơi xa, cứ mỗi chuyến tàu cập bến, các thương lái, bạn hàng quen cũ lại xuống tàu ông cân mực, chi trả tiền theo giá thị trường. Vài tuần, ông bán xong mươi tấn mực, hàng cũng được xuất khẩu đi nhanh chóng. Tuy nhiên, đợt cập cảng thứ hai năm nay, các thương lái dè chừng, thu mua chậm, giá thấp.

“Họ vẫn mua nhưng giá thấp quá, từ 160 nghìn đồng mỗi ký giờ chỉ còn hơn 100 nghìn thôi. Ba tháng gần 40 người đi biển, phí tổn đi tàu rất nhiều. Giá thấp quá chia cho anh em thuyền viên không đủ công, rồi kinh phí trả nợ, cho chuyến đi kế tiếp nữa”, ông Tức buồn bã.

Toàn xã Bình Chánh có 67 tàu công suất lớn từ 400 - 700 CV, chuyên hành nghề câu mực các ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Cùng 2.400 lao động hành nghề, mỗi năm các tàu thuyền đi bốn đến năm chuyến biển dài, khai thác 3.500 tấn mực xà khô/năm. Sau mỗi phiên biển, cơ sở, thương lái thu mua xuất sang các nước lân cận.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, tiêu thụ mực xà của ngư dân bị ách tắc. Nhiều chủ cơ sở, thương lái thu mua cho biết, việc tiêu thụ chậm do vướng quy định mới về trích xuất nguồn gốc thủy sản. Các đối tác, mối mua hàng xuất khẩu của thương lái, cơ sở thu mua yêu cầu phải có xác nhận truy xuất nguồn gốc và dán tem để xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Quảng Ngãi hiện có 5.600 tàu cá, trong đó khoảng 3.300 tàu từ 15 m trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình khi đánh bắt khơi xa. Tuy nhiên cho đến nay, hầu hết tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi đều chưa gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Trong số này, 174 tàu trên 24 m phải gắn thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1-7 nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện lắp đặt thiết bị.

Ông Mai Ngọc Chung, chủ tàu QNg 97857 TS lo ngại “Bản thân chủ tàu tài sản hàng tỷ đồng cũng muốn thực hiện đúng quy định. Nhưng giờ không biết nên gắn thiết bị nào cho đúng chuẩn, chứ mua thiết bị trôi nổi bên ngoài gắn ra khơi hư thì tốn tiền khổ thêm thôi. Chúng tôi chờ và lo thật sự”.

Nguyên nhân khiến lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá tại Quảng Ngãi chậm là do ngành thủy sản Quảng Ngãi chờ công bố danh sách các thiết bị đạt chuẩn chất lượng trong việc kết nối thông tin về trạm bờ. Sau khi có danh mục thiết bị, tỉnh Quảng Ngãi sẽ hướng dẫn cho ngư dân mua thiết bị giám sát hành trình hợp quy chuẩn gắn trên tàu cá.

“Chúng tôi tuyên truyền rất nhiều cho ngư dân về quy định gắn thiết bị giám sát hành trình cho tàu và cũng mong là thiết bị phải bảo đảm chuẩn để bà con lựa chọn chứ mua bên ngoài không bảo đảm, tiền mất tật mang”, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu lo ngại.

Hạ tầng không bảo đảm cho “luật chơi mới”

Tỉnh Quảng Ngãi có bốn cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác là cảng Sa Huỳnh, Mỹ Á (huyện Đức Phổ) và cảng Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi). Theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu và Luật Thủy sản 2017 thì, cảng Sa Huỳnh và Mỹ Á cần phải đạt tỷ lệ cơ giới 70% trong điều hành, bốc dỡ hàng hóa; hệ thống nhà làm việc, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, môi trường... Tuy nhiên thực tế, cảng cá Sa Huỳnh và Mỹ Á chưa đáp ứng được các yêu cầu trên. Bên cạnh đó, các cảng thường xuyên bị bồi lấp, các tuyến đê bị hư hỏng không bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra vào. “Tàu thuyền vào luồng rất nhỏ hẹp, vì cảnh bị bồi lấp chung quanh. Tàu lớn chúng tôi không dám vào, nhất là khi có mưa gió hay nước cạn. Mà không vào các cảng quy định thì không thể xuất hàng bán được”, Trương Quang Dậy, chủ tàu cá QNg 92611TS lo lắng.

Theo thiết kế, cảng cá Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) bảo đảm neo đậu cho 500 tàu, công suất dưới 400CV. Nhưng thực tế, cảng chỉ tiếp nhận chưa đến 30 tàu công suất nhỏ mỗi ngày. Hầu hết các tàu công suất lớn không thể về bờ mà phải cập các bến cá tự phát, bến ngoài tỉnh hoặc trung chuyển hải sản vào bờ.

Hạ tầng không bảo đảm, tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần nạo vét tạm, thông tuyến luồng cảng. Tuy nhiên, nạo vét luồng cảng chỉ đối phó, tạm thời nên tình trạng bồi lấp ngày càng nghiêm trọng hơn.

Luật Thủy sản cùng nhiều nghị định mới có hiệu lực thi hành. Cùng với đó là các quy định về xử phạt nếu ngư dân, chủ tàu thuyền, địa phương không thực thi. Tuy nhiên, thực tế tại Quảng Ngãi dường như chưa sẵn sàng tiếp nhận “luật chơi mới”. Nguyên nhân từ ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi, cùng cung cách “nước đến đâu cuốn đến đó”, nguy cơ ngư dân sẽ mất nhiều thời gian mới có thể thích ứng với “luật chơi mới” trên biển lớn.