Ngăn chặn tình trạng cầm cố sổ bảo hiểm xã hội

Gần đây, hiện tượng cho vay, cầm cố, mua lại sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động (NLĐ) có chiều hướng gia tăng và tình trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy.

Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình công nhân, viên chức, lao động năm 2019, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có bước phát triển, kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; việc thực thi pháp luật lao động có nơi chưa nghiêm... đã tác động đến việc làm, thu nhập, đời sống của NLĐ.

Đáng chú ý là tình trạng nợ lương, trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn diễn ra ở nhiều DN. Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến hết tháng 10-2019, số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp phải thu là khoảng hơn 14,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó có hơn 32 nghìn đơn vị nợ từ 3 - 6 tháng với tổng số tiền 987 tỷ đồng, 12.849 đơn vị nợ từ 6 - 12 tháng với số tiền 745 tỷ đồng, 14.982 đơn vị nợ hơn 12 tháng với số tiền 2.931 tỷ đồng. Đáng lo ngại, hoạt động vay nợ, vay nóng từ các tổ chức tín dụng tư nhân với lãi suất cao có xu hướng giảm nhưng lại xuất hiện những hình thức mới, tinh vi hơn. Gần đây, hiện tượng cho vay, cầm cố, mua lại sổ BHXH của NLĐ có chiều hướng gia tăng dẫn đến nhiều hệ lụy.

Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong năm 2019, chuyển biến quan trọng là sự phối hợp, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện xã hội, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về chế độ chính sách đối với người lao động, nhất là tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn ngày càng tích cực, kịp thời, có kết quả, góp phần thể hiện rõ nét vai trò đại diện cho NLĐ của tổ chức Công đoàn và xây dựng quan hệ lao động, hài hòa, ổn định, tiến bộ.