Nâng tầm kỹ năng lao động

Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” lần đầu được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ khai mạc sáng 16-11. Đây là diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp với nội dung về kỹ năng lao động Việt Nam.

Các thí sinh trường nghề Việt Nam tham gia Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12, năm 2018 tại Bangkok (Thái-lan).
Các thí sinh trường nghề Việt Nam tham gia Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12, năm 2018 tại Bangkok (Thái-lan).

Vai trò của lực lượng lao động

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, trong 30 năm trở lại đây, gia tăng dân số và lực lượng lao động đã là một động lực quan trọng, đóng góp to lớn cho thành tựu tăng trưởng GDP quốc gia. Tuy nhiên, kể từ năm 2013, quy mô lao động của Việt Nam đã bắt đầu tới hạn so với quy mô của nền kinh tế. Vì lẽ đó, nâng cao năng suất, chất lượng của lực lượng lao động có vai trò sống còn trong cải thiện tốc độ tăng trưởng và trong nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Không chỉ có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, cha ông ta còn có câu “Của bề bề không bằng có nghề trong tay”, “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Thủ tướng nêu rõ, sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp là sự nghiệp có ảnh hưởng đến thành bại của công cuộc phát triển một quốc gia trong quá trình chuyển đổi.

Trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay còn có những hạn chế, yếu kém. Đó là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nói chung còn thấp. Việt Nam có số lao động đứng thứ ba ASEAN nhưng lực lượng lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo mới đạt hơn 22%, chỉ bằng một phần ba so với Hàn Quốc, Singapore. Cơ cấu lao động qua đào tạo, xu hướng chuyển dịch có sự bất hợp lý, vẫn còn phổ biến tình trạng thiếu thầy, thiếu cả thợ chứ không phải “thừa thầy, thiếu thợ”. Vẫn còn tâm lý của cha mẹ là con mình không vào được đại học thì mới học nghề. Nhiều người làm trái ngành nghề.

“Chúng ta chưa có sự tổng hợp phân tích, đánh giá lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài quay về nước. Lực lượng này được phát huy thế nào ở Việt Nam. Chúng ta có quy mô dân số đứng thứ 13, 14 trên thế giới và đặc biệt là chúng ta có quy mô nền kinh tế đứng thứ 37, 38 nhưng chúng ta chưa vào được tốp 50 thế giới về đào tạo nghề nghiệp?”, Thủ tướng trao câu hỏi này cho Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), các tỉnh, các nhà trường, doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trong 10 - 15 năm tới, khoảng một phần ba số công việc hiện tại ở Việt Nam sẽ thay đổi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% số lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của mình khi robot thay thế con người. Do đó, công việc của chúng ta phải thay đổi, nhất là ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí điện tử…

Cần chung sức

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục nghề nghiệp là con đường gia nhập thị trường lao động nhanh nhất, có việc làm tốt và thu nhập ổn định.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua, chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tăng lên đáng kể, bởi ba lý do: Tiếp nhận tầm nhìn, công nghệ quốc tế; đẩy mạnh tự chủ và gắn kết doanh nghiệp với nhà trường. “Học nghề ra có việc làm tốt là tự nhiên nhiều người sẽ học”. Chính vì vậy, cần có sự chung sức giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong vấn đề này.

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, cần coi doanh nghiệp là động lực chính phát triển đào tạo nghề, coi trọng cả ba không gian đào tạo là xưởng, trường và không gian mạng. Doanh nghiệp cần “5 đồng hành” với các trường: Tham gia đầu tư, mở trường; đặt hàng; tham gia giảng dạy, đào tạo; thẩm định đầu ra; tuyển dụng.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà cũng chia sẻ, sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng lực lượng lao động, nâng tầm kỹ năng lao động là thật sự cần thiết để tránh lãng phí các nguồn lực trong xã hội, nâng cao hiệu quả đào tạo. Doanh nghiệp sẽ có những đóng góp thiết thực nhất vào các bước hoàn thiện quy trình, nội dung giáo dục nghề nghiệp.

Ông Trương Gia Bình, đại diện Tập đoàn FPT cũng cho rằng, công cuộc chuyển đổi số là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số. Trong quá trình này, nhất thiết phải có các nhà lãnh đạo số, nhà quản trị số và nhân viên số. Do đó, các doanh nghiệp và tổ chức đào tạo cần bắt tay chặt chẽ, đưa ra các chứng chỉ cho các cấp độ nhân lực này.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải bảo đảm ba nguyên tắc. Trước hết, cần bám sát hơn nữa vào nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung - cầu về lao động có kỹ năng nghề. Thứ hai, phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Thứ ba, nâng cao tính dự báo, cần hiểu, nắm bắt nhanh nhạy và dự báo sớm được nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp, nhà trường.