Nâng tầm dự báo cung - cầu lao động

Thị trường lao động tại nhiều địa phương đã và đang có những biến động mạnh, tác động bất lợi đến người lao động (NLĐ) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và mới đây là bão, lũ ở miền trung. Vấn đề đặt ra là hoạt động dự báo cung - cầu lao động sao cho hiệu quả để không chỉ kết nối hỗ trợ NLĐ tìm việc mà còn gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược phát triển các ngành...

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty điện tử YPE Vina - Hàn Quốc .Ảnh: TTXVN
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty điện tử YPE Vina - Hàn Quốc .Ảnh: TTXVN

“Nhiễu” thông tin

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (đơn vị đầu tiên và duy nhất tại thời điểm hiện nay thành lập Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực tại địa phương), trong sáu tháng đầu năm 2020, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố giảm 28% so cùng kỳ năm 2019. 

Các DN một số ngành như: Lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, xây dựng... gặp khó khăn, điều này ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ. Nhiều DN đã áp dụng các giải pháp tạm thời như: Cắt giảm LĐ, cho LĐ nghỉ việc không lương hoặc giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm lương và thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.

Dự báo về nhu cầu tuyển dụng của các DN ở thành phố trong thời gian tới, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đưa ra hai kịch bản: Nếu dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Trong trường hợp này, sáu tháng cuối năm, các DN ở thành phố cần khoảng 105.000 - 115.000 chỗ làm việc. Nếu dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực, tình hình DN khởi sắc trong những tháng cuối, đặc biệt là thời điểm sản xuất, kinh doanh phục vụ lễ, Tết sẽ giúp hạn chế tình trạng LĐ ngừng việc, mất việc. 

Tuy nhiên khu vực dịch vụ, công nghiệp vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương (xuất nhập khẩu) bị gián đoạn. Với tình huống này, từ nay đến hết năm, các DN tại TP Hồ Chí Minh cần khoảng 115.000 - 135.000 chỗ làm việc. 

Theo đánh giá của các chuyên gia về kinh tế, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi DN một số nước trên thế giới chọn làm đích đến trong đầu tư. Đây chính là tín hiệu tốt cho những LĐ đang gặp khó khăn trong tìm việc làm. 

Từ năm 2009, xác định được vai trò của công tác dự báo cung - cầu lao động, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập các trung tâm dự báo về nhu cầu lao động, gồm: Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Trung tâm Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD&ĐT). Tiếp theo đó, một số đơn vị có hoạt động dự báo thị trường lao động như Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam); Trung tâm Dự báo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT), các viện nghiên cứu thuộc các bộ/ngành khác (Bộ Công thương - CT), Bộ GD&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ LĐ-TB&XH…

Nghị định số 196/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng giao nhiệm vụ phân tích, dự báo thị trường lao động cho trung tâm dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, tại các trung tâm dịch vụ việc làm số nhân sự ngày càng được thu hẹp, tài chính chuyển dần sang tự chủ nên việc bố trí nhân sự, tài chính cho phân tích, dự báo rất hạn chế và chưa có sự thống nhất. 

Như vậy, việc dự báo cung - cầu lao động đang được rất nhiều cơ quan/tổ chức thực hiện nhưng chưa có sự đồng bộ. Đối tượng mà các đơn vị này hướng đến không đồng nhất (cơ quan quản lý, ngành sản xuất, DN, cơ sở đào tạo, NLĐ...). Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa tốt cũng góp phần dẫn đến thiếu tính hệ thống, liên kết, kế thừa và chính xác của thông tin dự báo cung - cầu lao động ở Việt Nam; dẫn đến tình trạng “nhiễu” thông tin. 

Ngay tại Bộ LĐ-TB&XH hiện nay có ba đơn vị làm công tác dự báo cung - cầu lao động bao gồm: Viện Khoa học lao động và xã hội, Cục Việc làm và Viện Khoa học dạy nghề - tiến hành công việc gần như độc lập với nhau mà chưa có sự kế thừa, chia sẻ các thông tin và kết quả dự báo. Ở cấp độ quốc gia, việc dự báo nhân lực phục vụ các chiến lược quốc gia thuộc chương trình của Chính phủ được một nhóm bao gồm các chuyên gia (nhà khoa học và quản lý) thuộc Bộ KH&ĐT, Viện Chiến lược phát triển, Trung tâm Dự báo quốc gia thực hiện nhưng gần như chưa có sự phối hợp/tham gia của các bộ, ngành hay những tỉnh, thành phố khác, ngoại trừ việc gửi xin ý kiến và xem xét kết quả dự báo nhân lực tại một số ngành kinh tế hoặc một số địa phương trọng điểm mũi nhọn. 

Từ những bất cập về đơn vị thực hiện dự báo nêu trên, nhân sự làm công tác dự báo cung - cầu lao động được bố trí rất đa dạng nhưng không có sự thống nhất. Nhân sự làm công tác dự báo nói chung, dự báo cung - cầu lao động nói riêng đang rất thiếu (75,32% số đơn vị không có nhân lực chuyên trách dự báo) và rất yếu (chỉ 12,99% số nhân lực được đào tạo nghiệp vụ dự báo). Hầu hết (76,62%) các đơn vị, cơ quan đều không có bộ phận chuyên trách cho công tác dự báo. 

Đặc biệt, các kết quả dự báo cung - cầu lao động hiện nay thường dừng lại ở các sản phẩm dự báo (báo cáo, ấn phẩm...) mà chưa có cơ quan, đơn vị đứng ra làm đầu mối trong việc kiểm soát, kiểm định tính tin cậy của các sản phẩm dự báo... để đưa ra những kết quả thống nhất nhằm thông tin đến các đối tượng người dùng. Do đó, hiệu quả mà các hoạt động dự báo cung - cầu lao động hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng sử dụng, nhu cầu thị trường, chưa tạo ra hiệu quả kết nối giữa các đối tượng của thị trường.

Công tác dự báo phải gắn với quy hoạch

Mới đây, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hội thảo khoa học xin ý kiến Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và Đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động”. 

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm cho biết: Đề án “Hỗ trợ thị trường lao động đến năm 2030” được đánh giá có tính chất tổng quan, chiến lược nhằm đưa ra các giải pháp để định hướng phát triển lâu dài cho thị trường lao động hướng tới xây dựng thị trường hiện đại, hiệu quả, phù hợp đặc điểm của từng thị trường khu vực, tỉnh, thành phố, ngành kinh tế, nghề nghiệp… Qua đó, từng bước tạo sự đồng bộ, liên thông với các thị trường khác để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động” là đề án có tính thực nghiệm cao nhằm phát triển một hệ thống dự báo cung - cầu lao động với những sản phẩm có tính khoa học, đầy đủ những thông tin về cung - cầu lao động cơ bản kịp thời phục vụ điều hành, quản lý nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của vùng và từng địa phương. 

Ngoài ra, sản phẩm dự báo cung - cầu phải kịp thời cung cấp các thông tin cho các cơ sở giáo dục - đào tạo phục vụ công tác lập kế hoạch, chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; cung cấp thông tin để giúp người lao động và gia đình định hướng và quyết định những vấn đề về đào tạo, việc làm trong tương lai; giúp DN lựa chọn địa điểm, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Hiến, Trường đại học Tài chính Makerting, TP Hồ Chí Minh nhận định: Thị trường lao động vẫn còn những bất cập. Nguồn cung LĐ không đồng đều, nguồn cung chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn cầu LĐ lại chủ yếu ở tam giác phát triển phía bắc và Đông Nam Bộ. Chất lượng LĐ phổ thông chiếm tỷ trọng cao so với LĐ đã qua đào tạo nên chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng LĐ. Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề chưa đồng bộ. “Để thị trường lao động đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của DN chúng ta cần có sự liên kết để đào tạo nghề cho LĐ. Cần đầu tư phát triển mô hình kết nối giữa nhà trường và DN… Đặc biệt, công tác dự báo thị trường lao động phải gắn với quy hoạch, nếu dự báo không gắn với quy hoạch thường dẫn đến thảm họa nguồn nhân lực”, TS Nguyễn Văn Hiến nêu quan điểm.

Hiện Cục Việc làm đang lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu của các trường, viện và học viện, cùng đại diện một số sở, ban, ngành, đại diện các DN, đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực lao động - việc làm để có cơ sở thực tiễn xây dựng hoàn thiện hai đề án nêu trên.