Mức học phí phải đi kèm chất lượng

Học phí đại học (ĐH) tăng mỗi năm đang khiến nhiều phụ huynh, sinh viên lo lắng, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đáng quan tâm hơn nữa là học phí tăng thì chất lượng đào tạo liệu có tăng khi hằng năm vẫn có hàng trăm nghìn cử nhân ra trường không có được việc làm.

Sẽ mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách để bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục.
Sẽ mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách để bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục.

Nhiều trường đề xuất tăng học phí

Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, học phí hệ chính quy chương trình chuẩn năm học 2021 - 2022 theo ngành học cho khóa 63 (tuyển sinh năm 2021) từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Học phí các chương trình đặc thù từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng/năm học. Nhà trường cho biết, lộ trình tăng học phí không quá 10% mỗi năm và không quá trần theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. 

ĐH Ngoại thương mới đây cũng thông báo, năm học 2021 - 2022, học phí dự kiến với chương trình đại trà là 20 triệu đồng/sinh viên/năm. Học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 40 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến 60 triệu đồng/năm. Học viện Ngân hàng cũng áp dụng theo quy định mới về khung học phí năm học 2021 - 2022. Cụ thể, học phí các chương trình tiên tiến, chất lượng cao hoặc học bằng tiếng Anh là 130 triệu đồng/bốn năm. Chương trình cử nhân quốc tế (liên kết với Đại học CityU) dao động từ 120 - 160 triệu đồng/bốn năm. Chương trình cử nhân quốc tế (liên kết với ĐH Sinderland, Vương quốc Anh) học phí khoảng 315 triệu đồng, bao gồm ba năm đầu khoảng 175 triệu đồng. 

Như theo công bố mới nhất của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từ năm học 2021 - 2022 tới đây, trường dự kiến áp dụng mức học phí mới theo hai mức. Trong đó, nhóm ngành y khoa, dược học, răng - hàm - mặt có mức 32 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại là 28 triệu đồng. So năm 2020, mức thu này tăng hơn gấp đôi, bởi hiện nay học phí của trường chỉ theo hai mức: Những em hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh chỉ hơn 14 triệu đồng/năm, còn lại là hơn 28 triệu đồng. 

Tuy nhiên, đối với SV sư phạm vẫn tiếp tục được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí. Theo Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với SV sư phạm, từ tháng 11 - 2020 trở đi, SV sẽ được hỗ trợ hai khoản, gồm tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học.

Ngoài ra, mỗi SV được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập, theo thời gian học thực tế nhưng không quá 10 tháng/năm học. Đối tượng được hỗ trợ là SV học trình độ ĐH, CĐ các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy; SV học văn bằng thứ hai theo hình thức đào tạo chính quy trình độ ĐH, CĐ các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ nhất đạt loại giỏi.

Theo nghị định này, SV sẽ phải bồi hoàn chi phí đã hưởng nếu không công tác trong ngành giáo dục sau hai năm kể từ ngày tốt nghiệp; đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học... 

Mở rộng đối tượng miễn, giảm học phí

Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT): Hiện nay, Chính phủ quy định về học phí tại Nghị định (NĐ) số 86/2015/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực khi năm học 2020 - 2021 kết thúc. Bộ GD&ĐT đã phối hợp các bộ, ngành lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, các cơ sở GD&ĐT trên cả nước để hoàn thiện dự thảo NĐ thay thế Nghị định 86.

NĐ dự thảo lần này với nhiều chính sách mới, có ý nghĩa lớn, gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà quan trọng hơn còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng GD&ĐT của các cơ sở GD&ĐT công lập; đồng thời cũng mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập để bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội.

Dự thảo NĐ quy định đối với các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng thì thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần Nhà nước quy định, các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2 - 2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.

Chỉ các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội, thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…

Đối với các trường ngoài công lập theo quy định hiện nay được tự quyết định mức thu học phí, phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cùng với dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. 

Bên cạnh đó, dự thảo NĐ thay thế đã mở rộng đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội.