Mùa chạy trường

Sống ven sườn núi, triền đồi, cứ mỗi mùa mưa thầy lẫn trò ở miền cao Quảng Ngãi nơm nớp nỗi lo núi vùi. Sau mưa lớn lũ sạt, thầy trò lại chạy trường. Trường mới ở đâu cô trò tới đó. Vài năm lại trường mới, lớp mới. Nhưng trên những gương mặt ấy chỉ là phảng phất nỗi lo vô định. Bởi, thầy trò núi cao cứ dắt díu chạy theo trường sau mùa lũ dữ.

Lớp học tạm bên hiên nhà của thầy, cô giáo và học trò điểm trường Trà Khương, xã Trà Lãnh, huyện Trà Bồng.
Lớp học tạm bên hiên nhà của thầy, cô giáo và học trò điểm trường Trà Khương, xã Trà Lãnh, huyện Trà Bồng.

Lớp học bên hiên nhà

“Ê, con chó kìa”, vừa nói Hồ Thị Giang lay lay tay Hồ Thị Thắm bên cạnh nhìn theo mình. Chú chó vàng từ trên hè nhà từ từ tiến sát Giang vẩy đuôi. Buông cuốn sách lớp 2 đang cầm trên tay, Giang nhào người xuống chú chó đùa giỡn. Tay cố giữ miệng không bật thành tiếng, Thắm cười ngặt nghẽo theo bạn.

Từ dãy bàn bên kia, Hồ Minh Triết với sang “Cô giáo kìa, im đi chứ”. Giang và Thắm quay người lại bàn, ngay ngắn nhìn lên trên bục giảng và hòa theo tiếng ê a của lớp. Triết cũng quay người lại tiếp tục làm bài tập toán lớp 4 đang dở dang.

Chưa kịp yên ắng, đàn gà từ sân lững thững vào dưới các dãy bàn, bới tìm thức ăn. Hai bàn cuối lớp lại nhao nhao, nhìn ngó đàn gà, quên bẵng cô giáo trên bục giảng. Hết chó, gà đến tiếng xe máy ào qua cũng khiến lớp học xao động. 

Sau cơn bão Molave (bão số 9), hiên nhà của anh Hồ Văn Thiên ở khu dân cư Nà Tà Kót (thôn Trà Khương, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng) “mọc” lên lớp học xen ghép. Bên hiên nhà của anh Thiên, lớp học “ghép” 25 m² kê hai dãy với 10 bộ bàn ghế học sinh (HS). Phía trên là bảng lớn chia làm đôi, mỗi lớp một bên viết phần bài giảng. Hai cái ghế đôi bên góc trái bảng là nơi để dụng cụ thước, bút và phấn của thầy, cô giáo. 

Qua hai bước chân từ dãy bàn học là con đường chính của khu dân cư (KDC) lên xóm nhà trên đồi cao, cũng là nhà của những đứa trẻ HS. Lớp học “dã chiến” trống toang chung quanh và mọi thứ đơn sơ nhất có thể.

Sáng đầu tuần là buổi học của lớp ghép “hai và bốn”. Dãy bên phải bảy em lớp 2 học môn tiếng Việt. Dãy bàn bên trái năm học sinh lớp 4 cắm cúi làm bài tập toán. Mỗi lúc có mưa rào xứ núi, âm thanh mái tôn của hiên nhà cũng ồn ã không kém tiếng đọc bài đồng thanh. Và lớp phải dừng để chờ cơn mưa rào ngơi bớt. “Học ở đây vui lắm. Nhà sát ngay bên lớp, vừa học vừa thấy mấy bạn, cô chú trong xóm đi qua đi lại. Có cả gà, chó cũng chạy vào lớp. Mỗi lúc vậy con không viết được nhưng mà vui”, Hồ Thị Giang hớn hở với nụ cười ngây thơ cùng gương mặt đen nhẻm.

Căn nhà hơn 150 m² của vợ chồng Thiên vừa xây dựng năm ngoái, sau khi vào KDC Nà Tà Cót. Căn nhà khang trang là nơi buôn bán hàng tạp hóa của đôi vợ chồng trẻ. Hiên nhà rộng 90 m², hai cửa chính và phụ là nơi chứa hàng, vài chiếc bàn ghế cho bà con trong thôn đến mua bán, nước nôi chuyện làng. Bão Molave ập đến, thầy trò điểm trường Trà Khương chơ vơ giữa đống đổ nát. Thiên dọn dẹp hết hàng vào trong nhà, 25 m² hiên nhà phía cửa chính trở thành phòng học. Cửa phụ bên hông nhà, vợ chồng Thiên tiếp tục việc thường nhật. Buôn bán chậm hơn, nhẹ nhàng hơn để lũ trẻ con tập trung đến lớp.

“Thầy hiệu trưởng mượn nhờ cái hiên để dạy học cho mấy đứa nhỏ. Dạy cả ngày sáng chiều luôn. Mình dọn hàng hết vào trong nhà, đóng cửa chính để yên tĩnh cho tụi nhỏ học. Cửa phụ thì mình mở một bên để bán hàng cho bà con. Nghe nói phải dạy cho kịp chương trình, cho các em đi học chứ không lại bỏ học hết”,  Hồ Văn Thiên giải thích. 

Ở điểm trường mới bắt đắc dĩ này, cô giáo Trần Thị Hà My cũng vất vả hơn. Giảng xong phần toán cho lớp 4, cô lại chuyển sang hướng dẫn, đọc âm tiếng Việt cho trẻ lớp 2. Gần một tháng qua, cứ ngơi mưa gió, lớp học trở lại với sự nhộn nhịp của các em HS và các vị khách chó, gà dạo vòng quanh lớp. 

“Bình thường lớp ghép dạy chung đã khó bây giờ dạy tạm bên ngoài lại càng khổ hơn. Các bé ngồi trong lớp nhìn ra là đường đi lại, xe cộ thỉnh thoảng người qua lại đủ thứ nên các em cũng phần nào mất tập trung. Chúng tôi cũng cố gắng dạy thêm, tăng giờ chút để các bé nắm được phần học, cố gắng theo kịp chương trình”, cô giáo Trần Thị Hà My chia sẻ.

Mùa chạy trường

Điểm trường Trà Khương nằm cheo leo trên đồi cao, đối diện cổng chính vào KDC Tà Nà Kót. Điểm trường có ba phòng học cho 60 HS, từ lớp 1 đến lớp 5. Xa xôi cách trở, 60 trẻ được học ghép “hai và bốn”, “ một và ba” cùng lớp 5 cuối cấp. 

Điểm trường Trà Khương cùng KDC Nà Tà Kót trên đỉnh cao phía dưới là ruộng nương, cây trồng của bà con thôn bản. Tất cả đều lọt thỏm giữa dãy núi Tà Kót bao quanh. Đông về, cứ qua trưa mây trên đỉnh núi cùng sương mờ phủ dày mang hơi lạnh của núi rừng chân núi Cà Đam. Sừng sững đồi Tà Kót cũng không giữ được các lớp học cho tụi trẻ ở đỉnh đồi. 

Cơn bão dữ Molave đi qua mái tôn, thép kiên cố trắng toát chưa kịp xỉn mầu bay theo cơn gió lạ. Dụng cụ học tập, quạt, thiết bị điện thành đống đổ nát. Dãy phòng học trơ trọi bốn bức tường, nhìn lên thấy mây trôi lững thững qua đầu. Sau cơn cuồng phong điểm trường vừa mới xây năm ngoái giờ là đống ngổn ngang.

Mưa kéo dài, phía sau trường học khoảng sân rộng bị sạt lún. Đất đổ dồn xuống chân đồi tạo vòm họng khoét sâu, cách tường dãy phòng học chưa đầy 3 m. Thêm vài cơn mưa nữa thôi, cả điểm trường chôn vùi dưới chân đồi trong vài mươi phút. “Thầy trò chúng tôi mới chạy qua đây một năm thôi. Trường cũ cách đây gần một cây số cũng sạt lở nguy hiểm. Tưởng qua đây thì an tâm rồi, giờ thì gió cuốn trường, đất sạt trôi lớp. Ở đây không học được nữa rồi. Thầy trò chúng tôi chạy trường lần thứ hai rồi đó. Giờ không biết chạy đi đâu nữa”, thầy giáo Đặng Thanh Khiết buồn thiu.

Cách điểm trường mới non km là điểm trường cũ của thầy, cô giáo và học trò điểm trường lẻ Trà Khương. Trường cũ là nền đất, trụ sắt cùng tôn dựng lên trên đồi cao thành ba phòng học. Chung quanh trường, từ dưới chân đồi lên triền núi là nhà sàn, nơi ở bà con xóm núi. Mỗi năm, mưa lũ từ trên rừng đổ về, sạt lở xuất hiện ngày càng dày và gần với trường hơn. Đổ núi, vùi lấp cách không xa bản làng. Năm 2018, KDC Nà Tà Kót được xây dựng mới trên đồi cao, chung quanh được bao bọc bởi dãy núi Tà Kót và rừng Lạnh sừng sững. Chạy theo làng, thầy trò điểm trường Trà Khương cũng về nơi mới. Trường xây khang trang, kiên cố hơn là nơi học, vui chơi của trẻ con cả thôn. Thế nhưng, niềm vui thầy trò chưa đầy năm, chạy trường lại tiếp tục lần nữa. 

Sau bão, hiên nhà thành lớp học cho tụi trẻ kịp giờ giảng. Phòng nghỉ duy nhất của giáo viên cả ngày giảng dạy thành lớp học cho khối lớp 5. Mùa chạy trường, chạy giờ học của thầy trò vùng cao cứ bám đuổi theo dòng lũ cuộn. “Mùa mưa là chúng tôi bám trường, lên tinh thần ở lại lâu dài hơn. Cứ vừa dạy vừa kiểm tra chỗ học, chỗ ở của thầy trò. Thấy có dấu hiệu lạ là đi, là chạy cái đã. Về nhà dân hay khu nào đó an toàn để học rồi tính sau. Mùa chạy trường mà”, thầy giáo Đặng Thanh Khiết xót xa.

Cô giáo Võ Thị Ngọc Thủy, Hiệu phó Trường Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Lâm cho biết, nhà trường có tổng 263 HS tiểu học tại năm điểm trường ở xã Trà Lâm. Hầu hết các điểm trường vùng sâu, vùng xa học ghép. Mỗi mùa mưa là bất an, lo lắng cho thầy, cô giáo và HS bởi không thể lường trước tai họa bất ngờ từ thiên tai. “Trường mới xây này là cũng nhờ vận động, quyên góp mới được mấy phòng khang trang cho các cháu nhỏ. Giờ lại cảnh dạy học tạm, rồi nhờ hỗ trợ của ngành, của tỉnh chứ biết làm sao. Hôm qua có đoàn mới lên tặng sách vở cho tụi trẻ chứ đâu còn gì để học”, cô Thủy thở dài.

“Trong thời gian chờ xây dựng điểm trường khác an toàn hơn thì chúng tôi cùng thầy, cô giáo tìm vị trí làm các lớp học tạm. Vận động bà con, anh em địa phương dựng lớp học bằng tre, tôn để các bé học trong những ngày tới. Phải nỗ lực tại chỗ cho trẻ em học trước đã”, ông Trương Công Lâm, Chủ tịch UBND xã Trà Lâm khẳng định.

Mùa bão gió, mùa sạt lở nay cũng là mùa chạy trường của nhiều thầy trò vùng cao Quảng Ngãi. Chạy trước lũ tìm nơi an toàn, chạy sau bão tìm nơi học mới. Năm nay, mùa chạy trường cũng cùng dịp tôn vinh thầy, cô giáo 20-11...