Một người Thái-lan hơn 20 lần hiến máu tại Việt Nam

Một người Thái-lan thế hệ 7X đang chia sẻ yêu thương với người dân ở nơi anh làm việc và sinh sống suốt 15 năm qua: Việt Nam. Đó là Chinoros Benjachavakkul, tên Việt Nam là Nguyễn Bá Tý.

Anh Chinoros Benjachavakkul (ngoài cùng, bên trái) trong một hoạt động tuyên truyền về hiến máu.
Anh Chinoros Benjachavakkul (ngoài cùng, bên trái) trong một hoạt động tuyên truyền về hiến máu.

Tri ân cuộc sống

Tính đến nay, Chinoros Benjachavakkul - Nguyễn Bá Tý đã hiến máu đến 48 lần. Trong đó có 23 lần tại Việt Nam, 25 lần tại đất nước quê hương của anh. Anh cũng tích cực vận động đồng nghiệp hiến máu, là một trong số 100 tình nguyện viên hiến máu tiêu biểu tại Việt Nam năm 2017.

Chinoros Benjachavakkul nói tiếng Việt trôi chảy! Tôi hỏi anh về lý do cho số lần hiến máu nhiều đến bất ngờ như vậy. Anh tâm sự: “Người tử tế là người luôn suy nghĩ và hành động với tâm trong sáng, đặt lợi chung trước lợi ích của bản thân mình. Họ luôn biết lắng nghe và sẵn lòng chia sẻ với tấm lòng nhân hậu, vị tha. Trên hết, họ luôn biết tri ân và báo ân với ân nhân, với cuộc đời, với đồng loại. Có những việc dù biết là thiệt thòi cho mình nhưng vì lợi ích chung, họ vẫn sẵn sàng đón nhận”.

Anh bộc bạch, đó không phải lời của mình, mà từ một đồng nghiệp cấp trên trong nghề kinh doanh công - nông nghiệp - thực phẩm mà anh đang thực hiện tại Hà Nội. Nhưng anh thấm được cái ý đó, phải biết báo ân bằng cách chia sẻ! Nhớ lại lần đầu tiên hiến máu ở Việt Nam, thật sự là một cơ duyên bất ngờ! Anh nhớ lại, chồng chị Nhật Thùy, một cộng sự của anh, là bác sĩ, công tác ở Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh. Một lần anh ấy chuẩn bị phẫu thuật cho một em bé không may mắn bị tật bệnh, mà máu thì đang thiếu. Lúc ấy Chinoros Benjachavakkul đang có mặt ở đó, anh suy nghĩ, để ca phẫu thuật được thực hiện nhanh nhất, không có cách nào khác là mình phải hiến máu! Và anh đã san sẻ một phần máu của mình cho em nhỏ tội nghiệp.

Gieo “cảm hứng truyền máu”

Rồi từ đó, mỗi lần đi hiến máu, anh như được vui hơn khi mình đã làm được một việc tốt nho nhỏ cho cộng đồng. Nguyễn Bá Tý còn tích cực trong các đợt vận động hiến máu do T.Ư Hội Chữ thập đỏ và các tỉnh, Viện Huyết học Truyền máu T.Ư tổ chức. Anh trở thành người bạn vong niên với GS, TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu T.Ư, là một nhịp cầu nối đưa GS Trí sang Thái-lan trao đổi kinh nghiệm, mô hình. Anh tích cực vận động, chia sẻ kinh nghiệm của mình tới đông đảo lao động trong ngành nghề của mình tại nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Đáng chú ý, cho đến nay, con số thành viên trong công ty nơi anh làm việc luôn sẵn sàng hiến máu lên tới gần 90% quân số. Thậm chí, nhiều người tình nguyện xin được hiến máu chứ không chờ phải vận động như trước đây nữa.

Thực tế ấy khác với 10 năm trước, khi đơn vị anh tổ chức hiến máu. Thông tin, hiểu biết về hiến máu của nhiều người lúc ấy còn hạn chế, nào là sợ cho máu thì sẽ thiếu máu, cho máu thì sẽ bệnh, cho máu thì lỡ có chuyện gì… Vậy là để có thể động viên mọi người nhanh nhất, đội ngũ lãnh đạo là những người đầu tiên đăng ký hiến máu. Anh mỉm cười nhớ lại, thật sự khi ấy, anh em cũng hưởng ứng, nhưng vì… nể, chứ nhiều người vẫn còn e ngại. Dù vậy, kết quả vẫn ngoài mong đợi với hơn 200 đơn vị máu được trao đi trong lần “xuất quân” đầu tiên. Thế rồi một năm, hai năm, ba năm…, đến bây giờ không chỉ người lao động mà thậm chí đã có cả những khách hàng, đối tác, bạn bè của anh tham gia hành trình hiến máu.

Đến nay, Chinoros Benjachavakkul - Nguyễn Bá Tý đã được T.Ư hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích trong phối hợp tổ chức “Hành trình nhân ái, vì sức khỏe cộng đồng năm 2011”; T.Ư Đoàn tặng Bằng khen về thành tích trong ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2015. Cùng với đó là các bằng khen của Bộ trưởng Y tế, Biểu tượng người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam năm 2017 của Ban chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện… Với 23 lần hiến máu tại Việt Nam và 25 lần hiến máu ở Thái-lan, anh Chinoros Benjachavakkul - Nguyễn Bá Tý tự hào nghĩ rằng: Những tấm thẻ đỏ ghi nhận mỗi lần hiến máu trên tay chính là hộ chiếu của anh ở quê hương mình, ở nơi anh đang sinh sống, làm việc.