Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội

Để đạt được chỉ tiêu Chính phủ giao và kế hoạch đề ra của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020, trong ba tháng cuối năm, cần phải phát triển thêm hơn 1,7 triệu người tham gia BHXH; hơn 1,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Riêng với BHYT, để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số theo kế hoạch, cũng cần thu hút thêm hơn 1,3 triệu người tham gia.

Quyền lợi của người lao động được bảo đảm kịp thời, đầy đủ khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Quyền lợi của người lao động được bảo đảm kịp thời, đầy đủ khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo Báo cáo của BHXH Việt Nam tại hội nghị giao ban tháng 10, trong chín tháng năm 2020, cả nước có hơn 15,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi (LLLĐTĐT); có gần 13 triệu người tham gia BHTN, đạt 26,2% LLLĐTĐT; hơn 86,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số. So cuối năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tăng trưởng dương; riêng BHXH tự nguyện, đến hết tháng 4-2020 chỉ duy trì bằng số người tham gia của năm 2019 nhưng đến nay đã đạt hơn 844.741 người, tăng 381.638 người so năm 2019.

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, ngành BHXH vẫn bảo đảm kịp thời, đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT. Chín tháng đầu năm 2020, ngành đã thực hiện chi 171.411 tỷ đồng cho 8.343.061 người hưởng BHXH; 11.135 tỷ đồng cho 797.485 người hưởng chế độ BHTN. So cùng kỳ năm 2019, tuy số người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản giảm, nhưng số người được giải quyết hưởng chế độ BHXH hằng tháng, BHXH một lần và BHTN đều tăng. Tương ứng là số chi BHXH, BHTN tăng so cùng kỳ năm 2019, đặc biệt là số chi BHTN tăng mạnh (145%). Cũng trong chín tháng, cả nước đã có 120,598 triệu lượt người khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; số chi KCB BHYT các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT là 73.920 tỷ đồng (chưa bao gồm số chi của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân), tương ứng 71,7% tổng dự toán chi KCB BHYT năm 2020.

Với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, ngành BHXH tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan, như: kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động hai chiều với Tổng cục Thuế; kết nối, trao đổi thông tin với Bộ Tư pháp trên hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia phục vụ liên thông cấp giấy khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, đến tháng 9-2020 đã hoàn thành triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố;  tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp (DN), người dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Dịch Covid-19 đã khiến sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhất là với các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất khẩu… Đồng thời, do phải hạn chế trong thanh tra, kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị, DN dẫn đến số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm; tổng số số thu BHXH, BHTN, BHYT có tăng về số tuyệt đối, nhưng tỷ lệ so kế hoạch cả năm thấp hơn cùng kỳ, khi hết tháng 9-2019, số thu toàn ngành đã đạt 72,4% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, số tiền nợ BHXH, BHYT khoảng 19.899 tỷ đồng (bằng 4,93% số phải thu). Theo tính toán, để đạt được chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 và kế hoạch đề ra của ngành BHXH năm 2020, trong ba tháng cuối năm, cần phải phát triển thêm hơn 1,7 triệu người tham gia BHXH; hơn 1,3 triệu người tham gia BHTN. Riêng với BHYT, để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số theo kế hoạch, cũng cần thu hút thêm hơn 1,3 triệu người tham gia. 

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, dù còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động của Covid-19 gây ra nhưng kết quả thực hiện tháng 9-2020 của ngành đã tăng so quý trước và tháng 8-2020; đặc biệt, những ý kiến đóng góp của ngành đã được Chính phủ, Quốc hội đồng tình, đánh giá cao. Đây là bước đà quan trọng để toàn ngành BHXH tăng tốc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt về công tác thu, yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và BHXH các địa phương cần bám sát dự toán thu, phối hợp các bộ, ngành liên quan, trong đó có cơ quan thuế để rà soát các nhóm tham gia BHXH bắt buộc, tăng cường thanh tra đột xuất các DN có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết thu hồi nợ tại các đơn vị chây ỳ, sử dụng các biện pháp, đôn đốc, bám sát dòng tiền, tình hình DN; công khai DN nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện truyền thông đại chúng; phối hợp cơ quan điều tra khởi tố hình sự với DN vi phạm chính sách BHXH, BHYT…

Ngoài ra, để hoàn thành mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện theo lộ trình: Đến năm 2021 có khoảng 35% LLLĐTĐT, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1%; đến năm 2025 có khoảng 45% LLLĐTĐT, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% và đến năm 2030 có khoảng 60% LLLĐTĐT, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5%. Ông Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện đã phải dừng đóng, hưởng BHXH một lần. Cụ thể, nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo; từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Nếu đề án này được thông qua, BHXH Việt Nam dự kiến số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người; đến năm 2030 dự kiến đạt 8,9 triệu người. Số tiền chi hỗ trợ tăng dần từng năm đến năm 2025 ở mức 1.167 tỷ đồng và đến năm 2030 ở mức 3.141 tỷ đồng.

Bên cạnh nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao số người tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH tự nguyện để tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người tham gia nhằm mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.