Lựa chọn sách giáo khoa sao cho phù hợp

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức phê duyệt 32 sách giáo khoa (SGK) của tám môn học, hoạt động giáo dục lớp 1 phục vụ giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Riêng SGK môn tiếng Anh chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, chung quanh việc lựa chọn loạt SGK này vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.

Việc chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020 - 2021 sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định. Ảnh: HẢI NAM
Việc chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020 - 2021 sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định. Ảnh: HẢI NAM

Tính xã hội hóa chưa cao

32 SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt đợt này gồm năm bộ SGK của ba NXB gồm NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và NXB Giáo dục. Trong số này có tới 4/5 bộ sách SGK với 24/32 cuốn đều thuộc về NXB Giáo dục Việt Nam. Chỉ có duy nhất một bộ SGK được xã hội hóa của ba đơn vị khác có đầy đủ cả 9/9 cuốn, bảo đảm tính đồng bộ, đáp ứng được các yêu cầu của việc xã hội hóa giáo dục trong lĩnh vực SGK.

Theo quy định trong Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực vào tháng 7-2020), việc chọn SGK sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định. Tại cuộc họp báo mới đây, Bộ GD&ĐT cũng cho biết đang dự thảo thông tư lựa chọn SGK để lấy ý kiến rộng rãi. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, NXB thực hiện tốt khâu lựa chọn SGK lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện việc in và phát hành SGK bảo đảm đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020 - 2021 và các năm học tiếp theo.

Báo chí đặt câu hỏi hướng dẫn lựa chọn SGK thế nào? Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, Thông tư lựa chọn SGK sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn SGK để căn cứ vào đó, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện. Thành phần sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số là giáo viên trực tiếp giảng dạy của môn học, cấp học. “Dự thảo Thông tư lựa chọn SGK của Bộ GD&ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn SGK bảo đảm tính phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền, địa phương”, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định.

Tuy nhiên, trong vấn đề này, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, để việc lựa chọn SGK được chính xác, phù hợp đối tượng học sinh, điều kiện dạy học ở từng địa phương thì thông tin về SGK đến các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và người dân nói chung phải đầy đủ, chính xác, được công khai rộng rãi. Muốn thế, Bộ GD&ĐT cần công bố công khai biên bản thẩm định đối với các SGK.

Cũng có ý kiến cho rằng, cần công khai cả bản thảo SGK trên internet sau khi đã bảo đảm vấn đề bản quyền, vì chỉ khi được tiếp cận sách thì mới có ý kiến xác đáng, Hội đồng chọn sách phải được tham khảo ý kiến từ nhiều kênh khác nhau chứ không chỉ lệ thuộc vào ý chí của một số người trong hội đồng...

UBND tỉnh chưa thể chọn SGK lớp 1 mới

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, sáng 26-11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 11, cho ý kiến về báo cáo ngày 21-11-2019 của Chính phủ về việc cho phép thực hiện điểm c, khoản 1, Điều 32 của Luật Giáo dục (sửa đổi) từ 1-1-2020. Theo báo cáo, thực hiện Nghị quyết 88, Luật Giáo dục (sửa đổi), thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT theo thẩm quyền soạn thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và đang thực hiện lấy ý kiến các địa phương và nhà khoa học, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12 tới.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư, Chính phủ thấy rằng, nếu thông tư thực hiện theo quy định của Nghị quyết 88 thì “cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh” và có hiệu lực thi hành trước ngày 1-7-2020. Sau ngày này, Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, thì “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn” (điểm c, khoản 1, Điều 32).

Trong khi đó, việc tổ chức lựa chọn SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới để áp dụng cho năm học 2020 - 2021 phải được tổ chức thực hiện từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trước tháng 3-2020, để các NXB có SGK được chọn tổ chức in ấn, phát hành, tập huấn cho giáo viên sử dụng, kịp thời phục vụ khai giảng năm học vào tháng 9-2020. Vì vậy, để việc tổ chức lựa chọn SGK được ổn định, thống nhất, bảo đảm thời gian cần thiết để các địa phương triển khai thực hiện, Chính phủ đề xuất cho phép thực hiện điểm c, khoản 1, Điều 32 của Luật Giáo dục (sửa đổi) từ ngày 1-1-2020. Như vậy, việc chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020 - 2021 sẽ do hiệu trưởng quyết định.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tuân thủ Nghị quyết 88, Nghị quyết 51, Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trước mắt, Bộ GD&ĐT chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK lớp 1 mới theo quy định trong Nghị quyết 88, bảo đảm trình tự và tôn trọng quyết định của cơ sở giáo dục, làm tiền đề cho việc thực hiện luật của năm học sau, bảo đảm tính ổn định và tránh lãng phí...