Lo hàng phục vụ Tết Nguyên đán

Dù còn hơn hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhưng các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành lân cận đã triển khai chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng cho người dân. Trong bối cảnh cả nước đang trải qua một năm đối phó với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và thiên tai xảy ra liên tiếp, công tác này càng cần được triển khai khẩn trương và chu đáo hơn. 

Được chuẩn bị chu đáo, người dân TP Hồ Chí Minh sẽ không phải lo ngại về tình trạng khan hiếm hàng Tết.
Được chuẩn bị chu đáo, người dân TP Hồ Chí Minh sẽ không phải lo ngại về tình trạng khan hiếm hàng Tết.

Chủ động lên kế hoạch

TP  Hồ Chí Minh là một trong các địa phương có số dân đông nhất cả nước với hơn 10 triệu dân. Con số này chưa tính lượng người dân nhập cư từ các tỉnh, thành khác sinh sống và làm việc hằng ngày nên công tác chuẩn bị nguồn hàng, cơ sở vật chất trong dịp Tết luôn được thành phố chú trọng và  triển khai kế hoạch chuẩn bị rất sớm. 

Từ nhiều năm qua, chương trình bình ổn thị trường do ngành Công thương TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp (DN) như: Co.opmart, Co.opXtra, Satra, Aeon - Citimart, BigC… phối hợp, cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong khoảng thời gian cao điểm (trước và sau Tết một tháng), đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá trên nhiều mặt hàng để kích cầu tiêu dùng. 

TP Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp ngành Công thương và DN các tỉnh, thành phụ cận như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang… chủ động bổ sung nguồn hàng là nông sản, đặc sản các địa phương vào danh mục sản phẩm Tết. Nhiều DN cũng chủ động trong liên kết, hợp tác với các đối tác để đầu tư, phát triển các nguồn hàng, đồng thời tính toán dự trữ nguồn hàng cho trường hợp nhu cầu thị trường tăng đột biến. Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết năm nay đến từ ba nguồn chính gồm; các DN tham gia chương trình Bình ổn thị trường, chiếm từ 30 - 40% thị phần; các chợ đầu mối (mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60 - 70% thị phần và các DN khác chiếm 10 - 20% thị phần. Tổng số lượng hàng chuẩn bị cho thị trường Tết là 19.679,7 tỷ đồng. Mặc dù dự báo thị trường gặp nhiều khó khăn nhưng tổng kinh phí chuẩn bị năm nay vẫn tăng 3,43% so  Tết 2020, tương đương hơn 600 tỷ đồng. 

Yêu cầu cao kiểm soát chất lượng 

TP Hồ Chí Minh có ba chợ đầu mối có chức năng là trung tâm tiếp nhận, phân phối hàng hóa khoảng 60 - 70% lượng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc tiêu thụ từ các tỉnh thành lân cận đến các cơ sở, chợ nhỏ lẻ trên địa bàn. Thời điểm bình thường, mỗi ngày các chợ đầu mối tiếp nhận, phân phối khoảng 9.000 tấn hàng hóa. Dịp Tết, lượng hàng hóa dự kiến tăng lên đến 15 nghìn - 16 nghìn tấn/ngày (hơn 80%). Theo cung cấp từ Ban quản lý các chợ đầu mối, song song với kế hoạch chuẩn bị hàng hóa dịp Tết, các phòng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; bảo đảm hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá; hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Riêng năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các Ban quản lý chợ còn đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch để bảo đảm sức khỏe cho người dân. Tương tự, tại các chợ truyền thống cũng đã được “kích hoạt” phương án tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát về việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đại diện Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị chức năng đã triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, kế hoạch cao điểm các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại...

Trước lo lắng của nhiều doanh nghiệp về sức mua của thị trường năm nay sẽ giảm do tác động của dịch Covid-19 và thiên tai lũ lụt, các sở, ngành chức năng của thành phố và DN đang tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, chủ động có phương án hoặc đề xuất bộ, ngành liên quan về các biện pháp nhằm ổn định thị trường. Thành phố sẽ kiểm tra chặt chẽ tiến độ tạo nguồn và cung ứng hàng hóa của các DN bình ổn; tăng và kéo giãn thời gian mở cửa bán hàng tại các siêu thị; kiểm tra trực tiếp các điểm bán hàng bình ổn đồng thời kiểm tra việc chấp hành quy định về quy cách bảng hiệu, niêm yết giá; kiểm tra đột xuất các điểm bán hàng lưu động theo danh sách; tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành chức năng trong kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá, an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho DN bình ổn tổ chức các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng, nhất là nhóm thực phẩm thiết yếu.