Liệu pháp cần thiết

Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ sử dụng rượu, bia thuộc hàng cao nhất thế giới. Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ sử dụng rượu, bia bình quân đầu người từ 6,6 lít tăng lên 8,3 lít. Việt Nam cũng là nước có tốc độ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại tương đối lớn, gần 45%.

Kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.
Kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực giao thông, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm 36,2% trong những vụ do nam giới gây ra.

Tình trạng sử dụng rượu, bia khi lái xe là hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông (ATGT), có nguy cơ gây TNGT cao, cần xử lý triệt để. Với mục tiêu kéo giảm TNGT xuống từ 5 - 10%. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là những chính sách được người dân chú ý đặc biệt và có tác động trực tiếp tới đời sống xã hội. Cùng với việc đưa 13 điều cấm vào Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, nhiều mức xử phạt vi phạm giao thông được tăng nặng. Lần đầu tiên, người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt cao nhất tới 600 nghìn đồng. Với tài xế ô-tô, mức phạt tối đa 40 triệu đồng; tài xế xe máy 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: Pháp luật cần đủ sức răn đe để người tham gia giao thông nhìn vào chế tài mà biết sợ. Đây là cơ hội tuyệt vời giúp mọi công dân nhận thức rõ ràng “Đã lái, không uống” bởi không phải ai cũng biết uống hai phần ba lon bia là một đơn vị cồn hoặc tương đương 0,25mg cồn/l khí thở. Trên thực tế, có ai mở lon bia uống hai phần ba không? Và đã uống thì không thể biết được lúc nào dừng.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, sau một tuần ra quân xử phạt người vi phạm giao thông theo Nghị định 100, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 12,5 tỷ đồng. Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Tây Ninh 308 trường hợp, Đắk Lắk 214 trường hợp, Bắc Giang 203 trường hợp, TP Hồ Chí Minh 182 trường hợp, Vĩnh Phúc 145 trường hợp, Quảng Ninh 135 trường hợp…

Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, thời gian trước trên cả nước có bình quân 21 - 23 người tử vong do TNGT mỗi ngày thì sau chưa đầy hai tuần thực hiện Nghị định 100, con số này đã được kéo giảm xuống còn 16 - 17 người/ngày. Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết: Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 ra đời là hoàn toàn phù hợp. Trong bảy ngày, riêng ở Hà Nội đã giảm được 11 vụ TNGT, 9 người chết so cùng kỳ. Lần đầu tiên trong 10 năm, tuần đầu tiên của năm mới giảm được như vậy.

Với một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc dễ xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng CSGT khẳng định: Ngành công an nói chung và CSGT nói riêng có nhiều biện pháp phòng ngừa chống tham nhũng. Trong quy chế dân chủ mới ban hành, người dân được quay, giám sát CSGT làm nhiệm vụ. Hơn nữa, đối với kiểm tra nồng độ cồn, đều có tổ công tác đủ lực lượng và hoạt động này được camera quay lại nên khó có thể xảy ra tiêu cực.