Làm cho dân biết giữ rừng

Sau khi tốt nghiệp đại học, Trịnh Thị Ngọc Hiện (SN 1988) làm việc tại thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) một thời gian rồi quyết định về rừng phòng hộ ven biển khởi nghiệp. Dự án khởi nghiệp “Kinh doanh với người giữ rừng” được đánh giá cao vì không chỉ bảo vệ rừng trước tác động của con người, của biến đổi khí hậu mà giúp người dân nâng cao thu nhập từ việc khai thác có chọn lọc hải sản dưới tán rừng.

Xây dựng ý thức cho người dân trong việc bắt thủy sản dưới tán rừng.
Xây dựng ý thức cho người dân trong việc bắt thủy sản dưới tán rừng.

Đánh bắt có trách nhiệm

Trước khi thực hiện dự án khởi nghiệp “Kinh doanh với người giữ rừng”, cô gái trẻ Ngọc Hiện công tác tại Hội Thủy sản Bến Tre và có nhiều năm tham gia các dự án tạo sinh kế, phát triển du lịch cộng đồng cho người dân vùng ven biển tỉnh Bến Tre. Hiện tâm sự: “Sau khi dự án kết thúc, người dân không tham gia phát triển du lịch nữa mà chỉ khai thác thủy sản dưới tán rừng để sinh sống nên rất uổng phí. Vì vậy, tôi có ý tưởng quay trở lại cùng với người dân vừa khai thác thủy sản dưới tán rừng, vừa phát triển du lịch cộng đồng dựa vào nguồn thủy sản và cảnh đẹp từ rừng”.

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có gần 8.000 ha rừng phòng hộ ở ba huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Trong những năm qua, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre đã giao khoán gần 2.500 ha rừng cho các tổ chức và hộ dân quản lý nhằm hạn chế những ảnh hưởng xấu đến việc khai thác tài nguyên và bảo vệ rừng hiệu quả. Vì vậy, nguồn thủy sản dưới tán rừng rất phong phú nhưng để thực hiện dự án là hành trình đầy gian nan, thử thách. Bởi vì, từ xưa đến nay, người dân dưới tán rừng ngập mặn chỉ quen với việc tận diệt cả cá lớn lẫn cá bé; chưa có ý thức bảo vệ, tái tạo mà chỉ xem đây là nguồn vô tận.

Bắt tay thực hiện, Hiện đi gặp từng hộ dân, rồi hướng dẫn, thuyết phục họ bán thủy sản cho mình với giá cao hơn khoảng 15% so giá thị trường. Người dân từ e ngại đã thay đổi tập quán rồi hợp tác với Hiện để cùng khai thác, bảo vệ rừng. Bà Nguyễn Thị Bé, ngụ ấp 6 (xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại) cho biết: “Trước đây, người dân chỉ khai thác thủy sản có sẵn từ rừng mà chưa có ý thức bảo vệ để có thể thu hoạch lâu dài. Bây giờ người dân đánh bắt thủy sản dưới tán rừng có trách nhiệm bằng cách bắt những con cá to, giữ lại những con cá nhỏ. Điều quan trọng nhất là thả nguồn con giống như: tôm, cua, cá xuống tán rừng để tái tạo lại nên thu nhập cao hơn trước”.

Du lịch bảo vệ môi trường

Ban đầu, Hiện chọn thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) để làm đầu mối gom hải sản sạch từ rừng rồi làm sạch, cấp đông để chuyển về các trung tâm thành phố lớn tiêu thụ. Sau gần ba năm thực hiện dự án, năm 2018, Hiện cùng chồng thành lập Công ty cổ phần ANFOODS tại xã Thạnh Phước (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) với kỳ vọng mang những sản phẩm thủy sản tự nhiên của rừng đến tay người tiêu dùng. Công ty đã đầu tư máy móc, thiết bị thu mua rồi sơ chế, bảo quản sản phẩm trước khi cung ứng cho thị trường. Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp của Hiện cung ứng cho thị trường từ hai - ba tấn thủy sản sạch như tôm, cua, cá... Kênh bán hàng của Hiện là bán trực tuyến trên mạng; các chuỗi cửa hàng, đại lý ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và đang được mở rộng sang các đô thị khác trong khu vực.

Tận dụng cảnh đẹp, thủy sản sạch dưới tán rừng, từ tháng 7-2018 cô gái trẻ tiếp tục mở thêm dịch vụ đưa khách du lịch tham quan rừng ngập mặn ven biển, thưởng thức hải sản sạch dưới tán rừng. Khách du lịch đến đây được bơi xuồng, bắt cá, sò huyết và tham quan cảnh đẹp của rừng ngập mặn. Những sản vật bắt được sẽ chế biến, thưởng thức ngay tại rừng tạo sự thích thú và cùng trải nghiệm cuộc sống của người dân ở rừng ngập mặn.

Đến thăm Công ty cổ phần ANFOODS tại xã biển Thạnh Phước (huyện Bình Đại), Hiện và chồng vừa là ông bà chủ, vừa là nhân viên để cùng sơ chế hải sản rồi cấp đông để đưa đi tiêu thụ. Hiện đang làm hồ sơ thuê 100 ha rừng phòng hộ ven biển để phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng và khai thác nguồn thủy sản sạch. Đồng thời, xây dựng vùng nuôi, khai thác thủy sản đạt tiêu chuẩn sinh thái sạch để sản phẩm vươn xa hơn nữa.

Tháng 10-2019, Công ty cổ phần ANFOODS của Hiện là một trong 160 doanh nghiệp trong cả nước được nhận giải thưởng Sáng kiến Én Xanh năm 2019. Đây là chương trình đầu tiên của Việt Nam nhằm tìm kiếm và tôn vinh các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Bây giờ, người dân không còn coi rừng, thủy sản dưới tán rừng là nguồn tài nguyên bất tận mà cùng với Hiện ra sức bảo vệ, tái tạo nhằm hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.