Làm chặt, giảm nguy cơ

Từ 1-1-2020, Nghị định 100/2019/NĐ - CP chính thức có hiệu lực đã tăng mức phạt vi phạm giao thông lên khoảng 150 - 250% so trước đây, đặc biệt là với lỗi sử dụng rượu, bia khi lái xe. Sau hai tuần thực hiện, đúng dịp sát Tết Nguyên đán, thời điểm của những tiệc nhậu tất niên liên miên nhưng nhiều hiệu ứng tích cực cho xã hội đã được lan tỏa.

Lập biên bản, xử phạt các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.
Lập biên bản, xử phạt các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Sau giờ làm là về nhà

Lâu nay, việc uống rượu, bia được nhiều người thường xuyên sử dụng như một thói quen, mặc dù ai cũng biết những tác hại của rượu, bia là sẽ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng khi tham gia giao thông. Đặc biệt, cứ vào dịp sát Tết, ai nấy cũng hẹn hò tiệc tất niên. Anh Nguyễn Văn Hùng (Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, trước đây, thỉnh thoảng sau một ngày làm việc, anh và mấy người bạn lại ghé quán bia hơi làm vài “quại” cho vui. Thế nhưng những ngày qua, nghe báo, đài nói nhiều về mức phạt đối với người điều khiển phương tiện có uống rượu, bia khá cao nên anh không dám ghé quán để nhậu như trước đây. Thậm chí, anh cũng từ chối thẳng thừng mấy tiệc tất niên. Bởi mức phạt cao nhất cho người điều khiển xe máy khi sử dụng rượu, bia có khi… đi đứt cả tháng lương.

“Giờ đi nhậu là phải đặt xe đi, về là đặt xe về nên bạn bè ai cũng ngại. Với lại, với đồng lương đi làm thuê, thu nhập không bao nhiêu tiền. Mỗi lần nhậu, một người góp vài trăm nghìn đồng, giờ lại thêm gần 100 nghìn đồng bắt xe ôm đi và về. Nhiều chi phí phát sinh như vậy, có lẽ từ nay phải hạn chế hoặc bỏ luôn rượu, bia cho đỡ phiền phức”, anh nói.

Cùng quan điểm, anh Thanh, làm việc trong lĩnh vực quản trị kinh doanh cho biết, chuyện tiếp đón khách hàng ở quán nhậu là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, từ nay nếu có tiếp khách, anh đón taxi đi chứ không dám lái ô-tô như trước. Theo anh, lỡ bị công an phạt thì ngoài mức phạt hành chính gần 40 triệu đồng, còn bị tước giấy phép lái xe hơn 20 tháng. Đối với một người thường xuyên điều khiển ô-tô đi làm như anh thì đây là một vấn đề lớn.

Việc áp dụng hình thức xử phạt nặng người uống rượu, bia lái xe không chỉ tác động đến những người ưa nhậu nhẹt, mà các hàng quán kinh doanh ăn uống cũng bị ảnh hưởng. Những ngày qua, trên các tuyến đường tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu như Trần Đại Nghĩa, Khương Đình, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng (Hà Nội)… lượng khách đến quán khá thưa thớt, có hôm chỉ có một, hai bàn có khách nhậu.

Anh Vũ, quản lý một quán bia trên đường Trần Thái Tông cho biết, so những năm trước, cuối năm là thời điểm rất đông khách do nhu cầu hội họp, tất niên, gặp gỡ cuối năm rất nhiều. Thế nhưng mấy ngày qua, lượng khách đến quán giảm hẳn, lượng bia bán được cũng rất ít. Doanh thu của nhà hàng vì thế cũng giảm mạnh, chỉ bằng 1/4 so trước đây. Thời điểm này, anh nghĩ không chỉ nhà hàng của anh giảm khách, mà nhiều quán nhậu ở Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, đành phải chấp nhận vì đây là tình trạng chung và hy vọng sắp tới khách sẽ thay đổi phương thức đi ăn uống như thuê taxi, xe ôm.

Làm chặt, giảm nguy cơ ảnh 1

Nhiều nhà hàng, quán ăn vắng khách sau khi Nghị định 100 có hiệu lực.

Tai nạn giao thông giảm

Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) E, theo khảo sát của phóng viên Thời Nay, từ ngày 10 tới 13-1, ghi nhận không có trường hợp tai nạn giao thông (TNGT) nào nhập viện liên quan rượu, bia. Khoa Cấp cứu của BV Hữu nghị Việt Đức vốn là điểm nóng tiếp nhận số lượng lớn ca cấp cứu do TNGT, đặc biệt nhiều vụ liên quan rượu, bia. Tuy nhiên, theo TS Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của BV, từ ngày 1 đến 6-1, BV tiếp nhận 305 trường hợp bị TNGT, có 46 bệnh nhân có sử dụng rượu, bia, giảm hơn 4% so cùng kỳ năm 2019. Thí dụ, trong tổng số ba bệnh nhân mới nhập viện ngày 13-1, có trường hợp của anh Bùi Văn Lập (Hà Nam), Đào Văn Coóng (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) hay anh Phạm Hữu Duy (Như Xuân, Thanh Hóa) đều do tự ngã xe hoặc bị những người không sử dụng bia, rượu gây ra tai nạn.

Ngoài số lượng các vụ cấp cứu giảm, việc ngăn cấm sử dụng rượu, bia cũng góp phần khiến cho những mức độ nguy hiểm của các vụ tai nạn thuyên giảm. Tại Khoa Phẫu thuật thần kinh của BV đa khoa Saint Paul, trong số hơn 40 bệnh nhân phải điều trị tại khoa, có năm bệnh nhân do tự ngã hoặc bị người khác gây ra tai nạn nhưng mức độ tổn thương tới não đều không quá nghiêm trọng. Cụ thể trường hợp của anh Đặng Đình Huy (Hải Phòng) bị chấn thương do người khác đâm vào. Anh Huy nói: “Khi đi qua cầu Hoàng Văn Thụ vào khoảng 5 giờ sáng, tôi bị một người điều khiển xe máy đâm phải. Khi xảy ra va chạm, tôi ngã bất tỉnh nhưng đã được người này đưa vào BV. Hiện tại, bác sĩ chưa có chẩn đoán nên tôi phải tiếp tục theo dõi thêm. Khi tỉnh lại, thanh niên này cho tôi biết lý do gây tai nạn vì thời điểm chạng vạng lúc sáng sớm, đoạn đường vắng và khuất tầm nhìn nhưng không phải do uống rượu, bia nên còn kiểm soát được một phần tốc độ”.

Thông thường, các Khoa Chấn thương chỉnh hình của BV Hữu nghị Việt Đức và BV đa khoa Saint Paul trước đây thường là những điểm nóng, mỗi ngày tiếp nhận hơn 50 lượt bệnh nhân, trong đó gần 30% là TNGT liên quan rượu, bia. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Thời Nay từ ngày 10 đến 14-1 tại hai BV trên thì số người bị TNGT do rượu, bia chỉ còn khoảng 10% tổng số bệnh nhân. Cụ thể như tại BV Hữu nghị Việt Đức, trong tổng số khoảng 320 bệnh nhân đang điều trị thì chỉ có hơn 30 người do TNGT liên quan rượu, bia. Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Tuấn Anh (Thanh Oai, Hà Nội) đang điều trị tại BV Hữu nghị Việt Đức là một thí dụ về sự đe dọa an toàn của người khác khi đối tượng sử dụng rượu, bia tham gia giao thông.

Cô Nguyễn Thị Thoa, mẹ của nạn nhân Tuấn Anh chia sẻ: “Ngày 12-1, khi đang đi trên đường Bắc Thăng Long, cháu có nhìn thấy hai thanh niên đi xe máy tốc độ cao. Mặc dù đã dừng lại và tránh về phía lề đường nhưng hai đối tượng điều khiển xe máy đi ngược chiều vẫn tông mạnh, khiến cháu dập xương gò má và chấn thương ở chân. Cơ quan chức năng hiện tại đã giữ xe của hai đối tượng này và bước đầu xác nhận hai người có sử dụng rượu, bia. Là thân nhân của người bị nạn, tôi thật sự ủng hộ việc áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đề nghị thi hành quyết liệt hơn để không có thêm nhiều người gặp tai nạn tương tự như cháu nhà tôi!”.