Lại một đêm thức trắng

Sáng 18-10, những hình ảnh Thượng tướng Phan Văn Giang lặng lẽ quệt nước mắt khi thông báo tin xấu về đồng đội khiến nhiều người cũng như nghẹn lại. “Lại thêm một đêm thức trắng. Tôi xin phép điện thoại của tôi được để chế độ có chuông vì tôi còn đang phải chỉ huy quân đội”, tướng Giang nói trước giờ truy điệu 13 nạn nhân, trong đó có 11 đồng đội ông, đã nằm lại ở Rào Trăng (Thừa Thiên Huế) hôm 13-10.  

Sáng 18-10, máy xúc mở đường vào điểm sạt lở của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Ảnh: NGỌC TÂN
Sáng 18-10, máy xúc mở đường vào điểm sạt lở của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Ảnh: NGỌC TÂN

1. Vào 1 giờ 25 phút sáng 18-10, lại tiếp tục xảy ra một vụ sạt lở đất tại địa bàn đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Năm người được cứu tại chỗ, nhưng hơn 20 cán bộ, chiến sĩ bị vùi trong đất đá, mất liên lạc.

Anh H, một người thoát chết từ khu phòng tham mưu nói, phòng anh có 10 người, chỉ có ba người thoát ra ngoài. Anh may mắn vì tránh được vào một góc tường, chỉ bị thương nhẹ nhưng mắc kẹt lại và được đồng đội giải cứu kịp thời. 

Mãi tới chiều muộn ngày 18-10, mới có 14 người được tìm thấy. Thi thể Trung úy Lê Hải Đức là một trong ba người được tìm thấy đầu tiên. Chàng trai Quảng Bình có nụ cười rất sáng mới hai ngày trước vẫn cập nhật những hình ảnh đầy lạc quan trên trang cá nhân. Nhưng Đức đã nằm lại mãi ở độ tuổi 32. Trong số những cái tên mất tích, có cả những người lính còn rất trẻ, mới ở độ tuổi mười chín đôi mươi. 

Chiều muộn ngày 18-10, Hướng Hóa mưa ngày càng to. Đường vào tâm điểm vụ sạt lở nhánh tây đường Hồ Chí Minh đang sụt. Lũ ống vẫn kéo về khi những người lính đoàn cứu hộ vào tìm đồng đội. Họ vẫn đang dầm mưa tìm kiếm dù chỉ còn chút hy vọng mong manh…

2. Quảng Trị đêm 18-10 là một đêm kinh hoàng. Chị Trần Phượng (thôn Mai Xá, xã Gio Mai, Gio Linh) kể lại câu chuyện vẫn chưa hết run rẩy. Nước về quá nhanh, cả gia đình không kịp trở tay. Trong đêm, cả nhà chỉ biết thu dọn chút đồ đạc rồi trèo lên cao chờ có người đến giúp. Nhà lại có cả người già, trẻ nhỏ nên nước dâng đến đâu quả thật đáng sợ đến đó. Suốt mấy giờ đồng hồ, cả gia đình ôm nhau ngồi thu lu trên bàn, đoán mặt nhau trong bóng đêm vì đã hoàn toàn mất điện, mất mạng. “Nước lên vừa ướt, vừa lạnh, may có mấy chú đưa vợ chồng tôi ra Xuyên Á lúc 2 giờ 40 phút, họ giúp không công mà nhiệt tình, những lúc thế này càng thấy thật cảm động tình người”, chị bảo. 

Anh Trương Quang Luận là một trong những người có xuồng cá nhân đã tham gia hỗ trợ giải cứu bà con ở Gio Mai trong đêm lũ về 18-10 vừa qua. Anh kể, trong đêm chỉ kịp khoác chiếc áo tơi là lên đường không kịp mang theo điện thoại vì trời mưa to quá. Sáng ra về đến nhà thấy quá trời cuộc gọi nhỡ, thì ra trong đêm lúc cần kíp mọi người biết được anh đang đi thuyền giúp đỡ cứu hộ nên đã chia sẻ số điện thoại của anh tới bà con trong xã. Sáng nay nước vẫn còn ngập cao, anh vẫn áy náy không biết bà con đã được an toàn hết chưa. 

Người đàn ông tốt bụng nói tiếng được tiếng mất trong màn mưa: “Của cải vật chất thì trôi và ướt cả rồi. Từ đây sẽ đói dài em ạ.”

Từ nơi an toàn, chị Phượng vẫn mong ngóng lũ rút. Nhiều người quen của chị cũng chưa liên lạc được. Làng chị Phượng là làng ven sông, hiện vẫn đang ngập sâu bốn bề mênh mông nước. Đường bộ duy nhất vào làng qua cầu Bến Lội đã bị chia cắt, bà con phải di chuyển bằng đò. Điện cũng đã cắt. Nhiều người phải trông chờ vào những chuyến xuồng cứu trợ đồ ăn. “Mong trời ngừng mưa, hy vọng là vậy chứ... khổ lắm rồi”, chị than.

Mưa vẫn nặng hạt. Sẽ vẫn là những ngày chiến đấu với thiên nhiên, để giành giật những hy vọng…

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) có chức năng, nhiệm vụ xây dựng kinh tế, quốc phòng ở năm xã biên giới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong tháng 10, Đoàn thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn đơn vị đóng quân theo chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và đề nghị của cấp ủy, chính quyền huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.