Kỳ thi đánh giá năng lực có nhiều điểm mới

Năm học 2021 - 2022, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) học sinh THPT với nhiều cải tiến mới: Có nhiều đợt thi trong năm; Bài thi tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực toàn diện học sinh THPT chứ không đơn thuần phục vụ tuyển sinh đại học như trước đây.

Kỳ thi đánh giá năng lực năm học 2021- 2022 có nhiều điểm mới.
Kỳ thi đánh giá năng lực năm học 2021- 2022 có nhiều điểm mới.

1. GS, TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của nhà trường gồm ba phần: Phần một là tư duy định lượng gồm 50 câu hỏi về Toán học, thống kê và xử lý số liệu dưới dạng trắc nghiệm và điền đáp án, thời gian làm bài 75 phút. Phần hai là tư duy định tính với 50 câu hỏi về văn học - ngôn ngữ cũng dưới dạng trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút. Phần ba, gồm 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội, thời gian làm bài 60 phút.

Đề thi sẽ được rà soát từ hơn 12.000 câu hỏi của ngân hàng đề thi đánh giá năng lực năm 2016 để lựa chọn những nhóm câu hỏi phù hợp, kết hợp hơn 3.500 câu hỏi được xây dựng trong giai đoạn 2017 - 2020. “Với số lượng câu hỏi phong phú sẽ bảo đảm tính toàn diện của kỳ thi, đáp ứng sự cân bằng độ khó của từng đề thi cho mỗi học sinh tham dự nhiều đợt trong năm”, GS Thảo nói.

Bài thi mẫu đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ được công bố trước ngày 15-3. Quy mô năm nay, dự kiến khoảng 10.000 thí sinh đăng ký dự thi và được tổ chức trên địa bàn Hà Nội, với khoảng bốn đến năm đợt/năm. Thời gian đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến, bắt đầu từ ngày 1-4-2021 (áp dụng cho đợt thi đầu tiên - tổ chức vào tháng 5-2021). 

Thí sinh được lựa chọn ngày thi, ca thi, đợt thi phù hợp kế hoạch cá nhân, được thay đổi thời gian thi trước 14 ngày dự thi và tra cứu thông tin dự thi, kết quả thi bằng tài khoản được cấp tại Cổng thông tin Khảo thí ĐHQG Hà Nội tại địa chỉ www.khaothi.vnu.edu.vn. 

Phó Giám đốc Thường trực ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, đến thời điểm này, ĐH Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị kỹ cho kỳ thi, ngân hàng đề thi đã được chuẩn hóa. Mỗi thí sinh sẽ có một đề thi riêng do máy tính tổ hợp ngẫu nhiên. Năm 2021, các đợt thi sẽ được tổ chức tại Hà Nội. 

2. Với bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh,  TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo cho biết, định hướng bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh là đánh giá năng lực cơ bản, cần thiết của học sinh để học tốt đại học và học tập suốt đời, gồm: Năng lực sử dụng tiếng Việt, tiếng Anh, logic và xử lý số liệu, giải quyết các vấn đề khoa học. Bài thi hạn chế việc đánh giá khả năng nhớ, thuộc. Do đó, đề thi sẽ cung cấp số liệu, dữ kiện một cách nhiều nhất để học sinh dựa vào đó thể hiện năng lực của mình.

Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh gồm 120 câu hỏi hoàn toàn dưới dạng trắc nghiệm khách quan, được triển khai trên giấy.

Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh gồm ba phần. Phần một kiểm tra khả năng đọc hiểu, sử dụng ngôn ngữ với 20 câu tiếng Việt và 20 câu tiếng Anh. Phần hai là Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu, mỗi nội dung gồm 10 câu. Phần ba là giải quyết vấn đề thuộc các lĩnh vực Hóa, Lý, Sinh, Sử, Địa, mỗi lĩnh vực 10 câu.  “Bài thi này sẽ cung cấp thêm cơ hội để thí sinh trúng tuyển vào đại học. Ngoài các đơn vị thành viên trong ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sử dụng kết quả này như một phương thức để xét tuyển, còn khoảng 70 trường đại học, cao đẳng khác ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sử dụng kết quả này, từ đó sẽ tăng thêm cơ hội cho thí sinh”, ông Chính nói.

Năm 2021, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức hai đợt thi là vào ngày 28-3 (ở TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bến Tre, Nha Trang, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột) và dự kiến ngày 4-7 (TP Hồ Chí Minh, An Giang, Đà Nẵng, Nha Trang).

3. Bài thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội do đặc thù là trường chuyên sâu về khoa học - kỹ thuật, công nghệ nên cách tiếp cận, cấu trúc bài thi cũng hướng tới những mục tiêu riêng.

Theo PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, bài thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tập trung vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức Toán THPT để giải quyết các vấn đề thực tế, hiểu biết về khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), năng lực đọc nhanh, hiểu đúng vấn đề về khoa học kỹ thuật và năng lực tiếng Anh của học sinh.

Cấu trúc bài thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa gồm ba phần, trong 180 phút. Phần một là đánh giá năng lực Toán gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, thi trong 90 phút. Phần này đánh giá bốn kỹ năng là mô hình hóa Toán học, giải quyết vấn đề, tư duy và lập luận Toán học, kỹ năng giao tiếp Toán học.

Phần hai là phần Đọc hiểu, thời gian làm bài trong 30 phút với khoảng ba đến bốn bài đọc, mỗi bài dài 800 - 1.000 từ về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ. Số câu hỏi sau mỗi bài đọc là sáu đến chín câu. Phần ba là bài tự chọn. Thí sinh sẽ chọn một trong ba nội dung là bài Lý - Hóa, Hóa - Sinh hoặc tiếng Anh. Nội dung kiểm tra nằm trong chương trình THPT, ở mức thông hiểu và vận dụng. Thí sinh làm bài trong 60 phút.

“Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xác định và chuẩn bị khá kỹ cho việc tổ chức kỳ thi này. Dự kiến năm 2021, trường vẫn tổ chức thi viết và hướng tới tổ chức thi trên máy trong những năm tới. Bên cạnh đó, Trường ĐH Bách khoa sẽ áp dụng điều kiện sơ tuyển theo học bạ, trong đó thí sinh phải có điểm trung bình sáu học kỳ của mỗi môn trong tổ hợp sơ tuyển phải đạt từ 7.0 trở lên”, ông Kiên cho biết.

Năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức thi ở ba tỉnh, thành phía Bắc với khoảng 8.000 - 10.000 thí sinh. Trường dự kiến sẽ dành 30 - 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng việc xét tuyển từ kết quả của bài thi đánh giá tư duy.