Khuyến khích tổ chức dạy bơi

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em, học sinh năm 2021. Thời gian thực hiện từ nay đến hết tháng 11-2021. 

 Ảnh minh họa: VA
Ảnh minh họa: VA

Việc thực hiện kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và trang bị cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo và học sinh, trẻ em những kiến thức, kỹ năng để chủ động phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước khi tham gia sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, khi tiếp xúc môi trường nước; tạo sự lan tỏa, hình thành thói quen, kỹ năng bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước và phong trào tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân. 

Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ xây dựng Chương trình hành động của ngành giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, học sinh giai đoạn 2021 - 2030 theo chương trình của Chính phủ. Tổ chức phát động phong trào tập luyện môn bơi, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước. Xây dựng các sản phẩm truyền thông và tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong phối hợp, triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh. 

Bộ GD&ĐT cũng sẽ chuẩn hóa hệ thống tài liệu hướng dẫn kỹ năng bơi an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; tài liệu dạy bơi an toàn trong các trường phổ thông và tổ chức hướng dẫn sử dụng tài liệu trong các cơ sở giáo dục. Tiếp tục triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường mầm non, phổ thông. Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước tại các Sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục. 

Ngày 20-4, Ủy ban Quốc gia về trẻ em cũng có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về Tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em.

Công điện nêu rõ, thời gian vừa qua, tại một số địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm gây tử vong cho các trẻ em (tỉnh Khánh Hòa, Phú Thọ,...). Tình hình xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, trong đó có một số vụ nạn nhân rất nhỏ tuổi (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận...). 

Ủy ban Quốc gia về trẻ em yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em... 

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Quốc gia về trẻ em thông qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31-5-2021 để tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Ủy ban Quốc gia về trẻ em.