Khó hiểu dự án “kín tiếng” tại 94 Lò Đúc

Thời gian gần đây xuất hiện thông tin về một dự án tổ hợp chung cư cao cấp sẽ được xây dựng tại địa chỉ 94 Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong khi đó, lãnh đạo TP Hà Nội từng trả lời người dân, nơi này là để xây trường học

Vị trí khu đất vàng 94 Lò Đúc hiện nay.
Vị trí khu đất vàng 94 Lò Đúc hiện nay.

Đất công có hóa đất tư?

Khu đất “vàng” 94 phố Lò Đúc trước đây là Nhà máy rượu Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương di dời từ năm 2013. Theo đó, sẽ thu hồi một phần diện tích ô đất số 94 Lò Đúc của Công ty CP Cồn rượu Hà Nội (Halico) để xây dựng công trình phúc lợi xã hội là trường học, khu vui chơi công cộng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện thông tin về một dự án tổ hợp chung cư cao cấp sẽ được xây dựng tại địa chỉ 94 Lò Đúc. Lô đất này có diện tích khoảng 8.000 m², với ba mặt tiền trên phố Lò Đúc - Hòa Mã - Nguyễn Công Trứ. Chủ đầu tư dự định xây dựng hai tòa nhà cao 33 - 35 tầng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai. Trong khi đó, theo quy hoạch nhà cao tầng bốn quận nội đô lịch sử, khu vực này hạn chế nhà cao tầng.

Có thể dễ dàng tìm thấy thông tin về dự án này tại một số website về bất động sản hiện nay. Theo giới thiệu trên các website, đây là dự án có hai tòa tháp cao 33 tầng và 35 tầng, với bốn tầng hầm, quy mô 500 căn hộ cao cấp và 150 căn hộ officetel, diện tích các căn hộ dao động từ 51 m² đến 120 m²… Vậy thực tế lô đất 94 Lò Đúc được quy hoạch để đầu tư dự án nào và việc triển khai dự án ấy đã tới đâu?

Qua tìm hiểu được biết, theo quy hoạch phân khu đô thị H1-4 tỷ lệ 1/2000 khu vực nội đô lịch sử, khu đất 94 Lò Đúc nằm trong ô quy hoạch A2. Theo đó, có hai trường học sẽ được xây dựng ở số 94 Lò Đúc và số 67 Ngô Thì Nhậm. Đây là hai ô đất có vị trí cạnh nhau, chỉ phân cách bởi phố Thi Sách kéo dài.

Trước đó, tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội vào ngày 5-7-2013, trả lời chất vấn của đại biểu tổ quận Hai Bà Trưng về hai dự án trường học ở hai ô đất này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, UBND thành phố thống nhất thu hồi hai ô đất và giao UBND quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư để xây trường học.

Trong đó, khu đất 67 Ngô Thì Nhậm rộng 4.000 m² đã có quy hoạch 1/500 và do Tập đoàn Dệt may Việt Nam cùng Công ty Dệt kim Đông Xuân quản lý, thực hiện dự án xây trường học.

Còn ô đất 94 Lò Đúc do Halico quản lý nhưng hiện giao cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Thiên Bình (Công ty Thiên Bình) nghiên cứu lập dự án. Theo quy hoạch 1/500 của khu đất đã được Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chấp thuận tại Công văn 1724 ngày 2-6-2011, ô đất ký hiệu 09-TH có diện tích khoảng 3.535 m² được xác định để xây trường học.

Được biết, Công ty Thiên Bình thành lập ngày 4-6-2013, chỉ một tháng trước thời điểm bà Ngọc trả lời chất vấn HĐND thành phố. Công ty đăng ký trụ sở tại chính số 94 Lò Đúc. Tới ngày 2-5-2019, công ty đã có bảy lần thay đổi ĐKKD và hiện có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng.

Nắm giữ 99% cổ phần và cũng là đại diện pháp luật của Công ty Thiên Bình là ông Đỗ Anh Dũng, người có thông tin cá nhân trùng với Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh (!?).

Vì sao thành tổ hợp trường học “pha” khách sạn, siêu thị?

Từ năm 2013 tới nay, khu đất số 94 Lò Đúc vẫn quây tôn kín, chưa thấy dấu hiệu sẽ được xây trường học. Ngạc nhiên là, dù chưa được xây dựng, khu đất này đã có tới hai lần được Công ty Thiên Bình thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) Chi nhánh Hoàn Kiếm và Chi nhánh Bắc Ninh.

Cụ thể, ngày 25-2-2014, Công ty Thiên Bình ký hợp đồng thế chấp số 210/2014/HĐTCTL-BTB/SHB.BN với SHB Chi nhánh Bắc Ninh. Theo đó, tài sản thế chấp là Quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác đầu tư số 02/2014/HĐ/TB-TS ký giữa Công ty Thiên Bình và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thái Sơn ngày 25-1-2014. Bao gồm toàn bộ Dự án tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại - Công trình CT1 tại 94 Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ở đây có điểm cần nhấn mạnh, hợp đồng thế chấp này được ký chỉ vài tháng sau khi Công ty Thiên Bình được thành lập (ngày 4-6-2013). Điểm đặc biệt nhất, khu đất được thế chấp với tên gọi “Tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại”. Nói cách khác, trường học chỉ là một trong số các mục đích của dự án này.

Điều này cũng có nghĩa thông tin do bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời đại biểu HĐND thành phố vào năm 2013 về việc khu đất 94 Lò Đúc sẽ xây dựng trường học là không đầy đủ. Bà Ngọc chưa từng cho đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biết, ngoài trường học, tại khu đất 94 Lò Đúc cũng sẽ được xây dựng tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại.

Tới tháng 12-2018, Công ty Thiên Bình tiếp tục thế chấp dự án 94 Lò Đúc tại SHB Chi nhánh Hoàn Kiếm. Ở lần thế chấp này, hạn mức cho vay lên tới hơn 237 tỷ đồng. Theo nội dung Hợp đồng số 239/2018/HĐTC-BTB/SHB.111200 ngày 29-12-2018, thì chủ đầu tư đã thế chấp: Quyền tài sản phát sinh từ Dự án “Tổ hợp công trình văn phòng, khách sạn, trường học, trung tâm thương mại” tại số 94 Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Cụ thể, đó là các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư kinh doanh, phát triển dự án và các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị hạ tầng kỹ thuật trên đất (lợi tức của hạ tầng kỹ thuật trên đất).

Dĩ nhiên, về nguyên tắc, Công ty Thiên Bình phải có dự án thì mới có thể đủ yêu cầu về pháp lý để thế chấp tại SHB. Còn nếu chưa đủ thủ tục, thì việc thế chấp đó là sai quy định. Điều cần chú ý nữa, là dù đã thế chấp tới hai lần, thì thực tế là cho đến nay, dự án 94 Lò Đúc vẫn chưa thành hình.

Vậy thì UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm gì trong việc giao dự án tại 94 Lò Đúc nhưng suốt nhiều năm trường học vẫn chưa thể thành hình? Mà thay vào đó, dự án hình thành từ đất công này, lại có dấu hiệu trở thành tài sản tư nhân đem thế chấp tại ngân hàng?