Khắc phục tình trạng ùn ứ rác thải

Hiện tượng ùn ứ chất thải rắn, trong đó có rác thải sinh hoạt đã diễn ra từ nhiều năm qua ở Hà Nội. Trong khi đó từ việc thu gom, xử lý đến việc xây dựng trạm trung chuyển, nhà máy xử lý vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng của thành phố cần sớm có biện pháp khắc phục, cải thiện môi trường.

Rác thải ùn ứ ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.
Rác thải ùn ứ ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.

Khu xử lý quá tải

Ở các huyện ngoại thành như Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín… có hiện tượng ùn ứ chất thải rắn, chưa được thu gom, hoặc xử lý bằng cách đốt gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể như tại một số xã ven sông Nhuệ như Tiền Phong, Hiền Giang, Hòa Bình (huyện Thường Tín), liên tục có hiện tượng đốt rác trộm trên mặt và ven đê, khói bụi tràn vào khu dân cư gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Cũng ở huyện Thường Tín, rác bị ùn ở bãi rác lộ thiên thuộc xã Ninh Sở hàng trăm tấn đến nay vẫn chưa được mang đi xử lý, rác tràn ra đường, gây nghẽn dòng kênh, bốc mùi hôi nồng nặc. Hay tại bờ đê sông Đáy đi qua khu vực xã Cao Viên, hay trên đường liên thôn, liên xã ở các xã Tam Hưng, Cao Dương (huyện Thanh Oai) thường xảy ra hiện tượng người dân tập kết rác ra lề đường, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Từ Ngọc Thành, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Thường Tín, đơn vị phụ trách việc thu gom rác trên địa bàn Thường Tín, cho biết, những năm trước đây công tác thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn huyện được bảo đảm. Rác được thu gom từ các hộ dân và tập kết về các trạm trung chuyển, sau đó vận chuyển về khu xử lý chất thải của thành phố. Trong những năm gần đây, cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mức độ xả thải rác ngày một tăng cao từ các tổ chức, cá nhân, cụm dân cư trên địa bàn nên xảy ra quá tải. Tại xã Ninh Sở đã ùn ứ 20.580 tấn.

Tiếp nhận phản ánh của chúng tôi ở một số xã ven sông Nhuệ như Tiền Phong, Hiền Giang, Hòa Bình có hiện tượng đốt rác ven bờ sông, gây ô nhiễm khói bụi, ông Thành cho biết: “Do một số bộ phận người dân trong xã, nhất là những doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thiếu ý thức, hình thành thói quen xấu, đổ trộm rác thải trong sản xuất, sinh hoạt vào ban đêm rồi đốt. Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện các biện pháp xử lý”.

Theo các cơ quan chức năng, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn Hà Nội hiện nay khoảng 6.500 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt (rác thải sinh hoạt) tồn đọng, vương vãi trên nhiều tuyến đường, tuyến phố, ngõ vào các cung giờ từ 9 - 11 giờ, 14 - 16 giờ hằng ngày, nhất là ở các tuyến đường, tuyến phố có nhiều hộ, cá nhân kinh doanh, buôn bán tại đô thị. Cùng với đó là các tuyến đường, ngõ ở khu vực nông thôn, có tần suất thu gom thấp, từ 2 - 3 lần/tuần. Việc chưa được thu gom kịp thời gây ảnh hưởng môi trường, mất mỹ quan thành phố.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị (HĐND thành phố Hà Nội), trong quá trình giám sát việc xử lý rác thải của lực lượng chức năng, đã chỉ ra: Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong ngày tại các quận nội thành đạt 85 - 100%, tại các huyện đạt 70 - 80%. Song số điểm tập kết rác thải sinh hoạt đã được đầu tư tại các xã, trên địa bàn các huyện chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều điểm có quy mô nhỏ, đầu tư xây dựng không đồng bộ, không có hệ thống thu gom nước rác, nhiều điểm được bố trí, đầu tư xây dựng ven tuyến đường trục chính, gần khu dân cư, nhiều điểm xuống cấp không bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường.

Thực tế cho thấy, ở các xã, rác thải thì ùn ứ. Trong khi đó, các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp huyện, được xây dựng trên địa bàn các xã Vân Đình, Đông Lỗ (Ứng Hòa), Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Cao Dương (Thanh Oai), Yến Vĩ (Mỹ Đức)… tại nhiều huyện đã đầy và đóng cửa. Rác thải sinh hoạt buộc phải phân luồng tập trung chủ yếu về hai khu xử lý chính là Khu xử lý rác thải Nam Sơn - Sóc Sơn (hiện tiếp nhận 4.500 - 4.900 tấn/ngày) và Khu xử lý rác Xuân Sơn - Ba Vì (hiện tiếp nhận 1.400 tấn/ngày). Cả hai khu đều đã và đang phải khai thác vận hành hết công suất các bãi chôn lấp và ngừng tiếp nhận rác ở một số xã. Dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng bãi.

Một nghịch lý khác, cho đến nay chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được chôn lấp (chiếm 89%), xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 11%. Các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt không phát điện công nghệ đã lạc hậu, thường xuyên hư hỏng bảo dưỡng; công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân compost đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), Kiêu Kỵ nhưng không đạt hiệu quả nên đã dừng hoạt động.

Có quy hoạch nhưng chậm thực hiện

Những năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng và mở rộng các khu xử lý chất thải rắn tập trung tại vùng I (Khu xử lý rác thải Nam Sơn - Sóc Sơn), vùng II (Khu xử lý rác thải Xuân Sơn - Sơn Tây); đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào vận hành bốn nhà máy xử lý đốt rác (không phát điện) tại các khu vực Xuân Sơn (Ba Vì), Phương Đình (Đan Phượng), Việt Hùng (Đông Anh), với tổng công suất thiết kế xử lý đốt 895 tấn/ngày đêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, thành phố cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư bốn dự án sử dụng công nghệ hiện đại: dự án điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm, dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn công suất 1.000 tấn/ngày đêm, dự án khí hóa rác thải thành điện năng công suất 500 tấn/ngày đêm, dự án nhà máy khu xử lý chất thải Đồng Ké công suất 1.500 tấn/ngày đêm.

Tuy nhiên, các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ (đốt không phát điện) đã được đầu tư xây dựng, nhưng hoạt động chưa hiệu quả, không bảo đảm công suất thiết kế, thường xuyên hư hỏng, phải dừng để thực hiện bảo trì, sửa chữa. Một số dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng tiến độ triển khai chậm, như các dự án tại bốn xã Châu Can (Phú Xuyên), Đông Lỗ (Ứng Hòa), Hợp Thanh (Mỹ Đức), Lại Thượng (Thạch Thất).

Trước tình trạng tồn đọng này, UBND huyện Phú Xuyên kiến nghị, các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện xây dựng Dự án Nhà máy điện rác Châu Can, để tháo gỡ khó khăn, giảm áp lực khối lượng rác thải ở phía nam Hà Nội. Còn lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố quan tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong (xã Tân Tiến); Nhà máy xử lý rác thải Đồng Ké (xã Trần Phú) để bảo đảm việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn.

Mong muốn tạo điều kiện cho dự án sớm đi vào hoạt động, Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội (chủ đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn) đề nghị được TP Hà Nội chấp thuận, triển khai một số hạng mục công trình phụ trợ trên đất dự án, san lấp mặt bằng trong thời gian chờ phê duyệt giấy phép xây dựng. Đồng thời, hỗ trợ trong việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn và làm việc với chủ đầu tư, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho dự án. Các đơn vị liên quan đã và đang tích cực thực hiện. Hy vọng dự án sớm đi vào hoạt động, tháo gỡ những khó khăn trong việc xử lý rác thải trên địa bàn Thủ đô.