Kéo người bệnh trở về

Thời gian gần đây, việc đầu tư nâng cấp cả về trình độ điều trị lẫn vật tư thiết bị y tế, nhất là luôn đề cao công tác phục vụ bệnh nhân đã giúp Bệnh viện (BV) Đa khoa Hải Hậu, một BV cấp huyện của tỉnh Nam Định được công nhận bệnh viện hạng 2 (tương đương với BV tuyến tỉnh). Đáng chú ý, với những nỗ lực này BV đã “kéo” được bệnh nhân “vượt tuyến” trở về. 

Bệnh nhân được điều trị bằng thiết bị công nghệ cao tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu.
Bệnh nhân được điều trị bằng thiết bị công nghệ cao tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu.

Lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo

Vừa trải qua ca phẫu thuật cắt khối u nang buồng trứng tới 5 kg, nhưng bệnh nhân Vũ Thị Thắm, 50 tuổi ở xã Hải Phong, huyện Hải Hậu cho biết, đã cảm thấy khỏe hơn, nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Người nhà bệnh nhân Thắm cho biết, khi bà được chẩn đoán bị u nang buồng trứng, gia đình cũng lăn tăn việc đưa bệnh nhân lên tuyến trên điều trị, nhưng rồi qua quá trình thăm khám được bác sĩ tư vấn tận tình, bệnh nhân đã lựa chọn phẫu thuật ở BV quê nhà - BV Đa khoa Hải Hậu. Đến thời điểm này, lựa chọn này là hoàn toàn đúng đắn. Đây chỉ là một trong số ít những bệnh nhân u nang buồng trứng được phẫu thuật thành công tại BV này. 

Là BV tuyến huyện, nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, từ nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, nguồn kinh phí của đơn vị, nguồn xã hội hóa... BV Đa khoa Hải Hậu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, xây mới nhiều nhà điều trị và khu kỹ thuật, mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại như: Máy chụp cắt lớp (CT-Scaner) 32 dãy; hệ thống phẫu thuật nội soi (tiêu hóa, tiết niệu, sản - phụ khoa,…), máy X quang, máy siêu âm, máy xét nghiệm với hàng chục nghìn xét nghiệm với độ chính xác cao (được Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học - Trường đại học Y Hà Nội thường xuyên đánh giá kết quả các chỉ số xét nghiệm là tốt và rất tốt). Đồng thời, BV Đa khoa Hải Hậu đã đẩy mạnh đầu tư thiết bị máy móc vào những loại bệnh lý người dân mắc phải như tiểu đường, chạy thận nhân tạo... 

Theo bác sĩ Hoàng Văn Chiến, Giám đốc BV Đa khoa huyện Hải Hậu, đây là các loại bệnh không quá nghiêm trọng nhưng lại đeo bám bệnh nhân cả đời và thường xuyên phải vượt tuyến để lên các BV tại Hà Nội để chạy thận. 

Nhờ vậy, tuy là cơ sở y tế tuyến huyện nhưng BV Đa khoa Hải Hậu được công nhận BV hạng 2, tương đương với nhiều BV tuyến tỉnh. Đây cũng là cơ sở y tế nhiều năm qua được Bộ Y tế chấm điểm tuyệt đối vì có môi trường xanh sạch đẹp, thực hiện tốt các tiêu chí về chất lượng chuyên môn và y đức, đáp ứng sự hài lòng người bệnh. Bác sĩ Chiến cho biết: “Hằng tuần vào chiều thứ ba các khoa họp hội đồng người bệnh, chiều thứ năm toàn bệnh viện họp hội đồng người bệnh, sự hài lòng của người bệnh được tăng dần qua các năm, qua phản ánh và hòm thư góp ý, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt hơn 98%...”.

Lời giải cho giảm tải BV tuyến trên?

Nhằm phục vụ tốt hơn và “kéo níu” người bệnh ở lại với tuyến huyện ngoài đầu tư về thiết bị, công nghệ, BV Đa khoa Hải Hậu đã tập trung thay đổi mạnh mẽ chất lượng khám, chữa bệnh. Nhiều năm nay, BV đã cử bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu sử dụng công nghệ cao trong khám, chữa bệnh. Đồng thời, phối hợp tạo nguồn xã hội hóa đầu tư trang thiết bị hiện đại; phát động phong trào nâng cao y, đức của người thầy thuốc. Bác sĩ Chiến cho rằng: “Chúng tôi đã tạo được niềm tin, gần gũi giữa thầy thuốc - người bệnh - người nhà”. Hiện tại, BV đa khoa huyện Hải Hậu có 19 khoa, phòng; quy mô 500 giường bệnh, tổng số người lao động 300, trong đó người có trình độ đại học, sau đại học chiếm gần 70%. 

Trước đây, người bệnh tại Hải Hậu luôn trong tâm thế phải đi khám bệnh “nhờ” cơ sở y tế ở các huyện “bạn” nhưng giờ đây người bệnh từ các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy... đang tìm đến BV Đa khoa Hải Hậu để khám, chữa bệnh. Một trong những mục tiêu của BV Đa khoa Hải Hậu là trở thành BV hạng 1, là BV đứng đầu tuyến huyện của tỉnh và cả nước, luôn được người bệnh tin tưởng lựa chọn là nơi chăm sóc sức khỏe.

Theo số liệu thống kê của BV Đa khoa Hải Hậu, mỗi năm bệnh nhân điều trị nội trú tại BV khoảng từ 33 đến 34 nghìn người (tăng gấp 1,7 lần so năm 2015), phẫu thuật hơn 4.000 ca/năm. Cùng với đó tỷ lệ người bệnh ngoài huyện (Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường và các huyện khác) đến khám, chữa bệnh năm 2019 chiếm hơn 26% tổng số bệnh nhân, sáu tháng đầu năm 2020 là gần 30%. Hiện, với việc đầu tư nâng cấp vào hệ thống thiết bị, nguồn nhân lực BV đang kéo giảm tình trạng bệnh nhân thuộc diện “ca khó” buộc phải chuyển tuyến từ 8% xuống còn 6% (khoảng hơn 2.000 ca bệnh như tim mạch, chấn thương sọ não...) và hướng mục tiêu trong thời gian tới còn khoảng 4%...

Theo tính toán của bác sĩ Hoàng Văn Chiến, chỉ tính riêng bệnh nhân chạy thận, nếu hằng ngày chạy thận ở BV tuyến huyện đối với bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì không mất khoản chi phí nào, nhưng vượt tuyến lên Hà Nội thì ngoài chi phí đi lại thì bệnh nhân phải mất tiền phòng trọ, ăn uống hằng ngày và cùng với đó một người phục vụ đi kèm. Nếu tính hết các khoản chi phí thì mỗi tháng một bệnh nhân phải mất từ bốn đến năm triệu đồng. Thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng ở Hải Hậu có trung bình khoảng 320 đến 350 bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhưng BV Đa khoa Hải Hậu chỉ bảo đảm tối đa 120 bệnh nhân và số còn lại buộc phải vượt tuyến. Bác sĩ Chiến cho biết: “BV biết điều này nhưng với kể cả nguồn lực, nhân lực như hiện tại thì chúng tôi đành bó tay...”.