Hướng tới quy hoạch lại mạng lưới trường học

Năm học 2021- 2022, số lượng tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội dự kiến sẽ tăng. Độ “nóng” của kỳ tuyển sinh này chưa bao giờ giảm nhiệt khi năm nay, nguyện vọng 1, 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú. Trong khi, thực tế có tình trạng học sinh đăng ký hộ khẩu ở một quận nhưng lại cư trú ở quận khác…

Các thí sinh thảo luận sau khi hoàn thành bài thi.
Các thí sinh thảo luận sau khi hoàn thành bài thi.

Nhiều thay đổi

Năm học này, toàn TP Hà Nội sẽ có khoảng 110.759 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng 6.220 học sinh so năm học trước. Theo Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 vừa đuợc UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, thực hiện công tác phân luồng sau tốt nghiệp, dự kiến trong số học sinh này sẽ có 62% được tuyển vào các trường THPT công lập, 22% số học sinh vào các trường ngoài công lập và trường công lập tự chủ tài chính, 8% được tuyển vào các trung tâm GDTX, GDNN và 8% tham gia học nghề.

Kỳ thi năm nay được chuẩn bị trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp hơn năm học trước khi đã có những ca mắc trong trường học. Năm học trước, TP Hà Nội đã phải quyết định bỏ bớt môn thi thứ tư do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, đã có dự trù phương án ứng phó trong trường hợp dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, để trong bất kỳ tình huống nào cũng sẽ có phương án tổ chức thi thuận lợi, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các em học sinh.

Tuy nhiên, hiện tại, nhiều phụ huynh  lo lắng về những khó khăn, bất cập trong quy định mới của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập. 

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, quy định học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển theo hộ khẩu thường trú nhằm bảo đảm việc thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn, quy hoạch mạng lưới trường học của thành phố. Quy định đồng thời giảm bớt áp lực, tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác tuyển sinh. Quy định này được xây dựng trên khảo sát ở kỳ tuyển sinh của các năm học trước. Cụ thể, trên địa bàn thành phố có hiện tượng học sinh đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng cư trú tại nơi khác. Tuy nhiên, số lượng học sinh xin đổi khu vực tuyển sinh ở những năm học trước không nhiều. Thêm nữa, toàn thành phố được chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Trong mỗi khu vực sẽ bao gồm trường có điểm chuẩn cao, thấp khác nhau để học sinh lựa chọn theo nguyện vọng và khả năng học tập của mình.

Về nguyện vọng dự tuyển, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển nhiều nhất vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự. Trong đó, nguyện vọng 1 và 2 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ (điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 2 của trường cao hơn 1 điểm so nguyện vọng 1, điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 3 của trường cao hơn 2 điểm so nguyện vọng 1).

Trường hợp học sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng thì có thể thuộc bất kỳ khu vực tuyển sinh nào (học sinh sẽ trúng tuyển nếu có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn trúng tuyển của trường). Trường hợp học sinh đăng ký hai nguyện vọng thì cả hai có thể thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định hoặc nguyện vọng thứ nhất thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng thứ hai thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ (học sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng thứ hai nếu không trúng tuyển nguyện vọng thứ nhất và có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 1 điểm so điểm chuẩn trúng tuyển của trường). Khi hạ điểm chuẩn, Sở GD&ĐT cho phép các trường nhận học sinh có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đủ điều kiện trúng tuyển.

Bảo đảm sự công bằng trong tuyển sinh

Thầy Đặng Việt Hà,  Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) nhận định, quy định về hộ khẩu thường trú để hài hòa về sĩ số học sinh các khu vực. Bên cạnh đó, việc cho phép học sinh đăng ký một hoặc hai nguyện vọng thì với nguyện vọng 2 không nhất thiết cùng khu vực giúp các em có nhiều lựa chọn. Với phương án thêm nguyện vọng 3, học sinh có nhiều cơ hội tìm được trường phù hợp, tránh việc có em điểm cao nhưng vẫn không đỗ vào các trường công lập trong những năm gần đây. Với việc điểm chuẩn các nguyện vọng lệch nhau một điểm cũng phù hợp. Khi hạ điểm, trường vẫn nhận cả nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 là công bằng với học sinh.

Cũng như vậy, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) phân tích: Phân chia khu vực tuyển sinh ngoài việc bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất về địa giới hành chính, giúp học sinh không phải di chuyển quá xa để đi học, đồng thời sắp xếp có các trường ở các nhóm khác nhau, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ở nhiều mức độ. Căn cứ điều kiện cụ thể về vị trí địa lý và năng lực học tập, học sinh có thể lựa chọn để đăng ký nguyện vọng dự tuyển phù hợp.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện đăng ký nguyện vọng dự tuyển nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất, đồng thời không gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học tập, di chuyển. Trong các trường hợp cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh. Nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác, gia đình làm đơn, có xác nhận của địa phương, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế.

Năm học 2021 - 2022, học sinh không được đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký. Do vậy, các em cần lưu ý tìm hiểu và cân nhắc kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng phù hợp năng lực của bản thân.