Hơn 30 năm đắp tường đá

Đó là ông Nguyễn Văn Trọng, thôn Cửu Lợi, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, năm nay 62 tuổi, đã dành toàn bộ tuổi thanh xuân tươi trẻ cải tạo đất, đắp bức tường thành đá dài hơn 1.000 m quanh rẫy của mình trên núi Đồng Cam - Hòn Nhọn. 

Bức thành đá mới đắp.
Bức thành đá mới đắp.

Trần mình với đá và cỏ dại

Nguyễn Văn Trọng kể, khởi đầu khi ông rời nhà ra triền núi Hòn Nhọn nhận đất làm rẫy, chung quanh bà con bạn bè gọi ông là “Trọng khùng! Trọng rồ!”. Bởi đất ở đây chỉ cỏ tranh và đá, làm gì nổi mà đòi khai phá? Ôi đá! Chúng nhiều vô kể, chi chít khắp nơi. Nói triền rẫy là bãi đá không ngoa. Những viên đá gan gà xám ngoét to như con lợn, nhỏ như cái đấu nằm ẩn hiện chìm lấp cùng với đất. Vì thế chỉ cuốc xuống một cái lửa tóe ra nhức mắt. Với miếng đất khó nhằn này, nếu muốn trồng trọt thì chỉ duy nhất là phải bới đá lọc ra thành đất nạc thì mới cơ may… Vì thế, ông Trọng chế ra chiếc cuốc hai đầu:  Một đầu như cuốc chim hai ngạnh, một đầu cuốc bàn. Theo ông, đầu cuốc chim để bới lọc đá, đầu cuốc bàn để bới đất nạc xới luống. Cứ thế tháng ngày chặt cỏ, bới đá, lọc đất xong khoảnh nào trồng đậu tỉa cà đến đó để kiếm sống qua ngày.

Nhưng mọi việc không đơn giản đôi ngày mà xong vì đất quá rộng, bị bỏ hoang từ bao giờ cho cỏ đá làm chủ. Ông Trọng dựng lều cỏ giữa rẫy để ở. Thói quen này tồn tại đến hôm nay có của ăn của để nhưng ông vẫn thích ở căn lều tuềnh toàng giữa rẫy. Hỏi sao không dựng ngôi nhà để sống đàng hoàng, ông nói vui, xưa các thổ dân du mục toàn ở lều nay mình có sao đâu? Rồi ông cười hồn nhiên.

Hằng ngày bỏ ra hơn 10 tiếng, trong đó phần nhiều làm đêm khuya cho mát vì ban ngày nắng chói chang như đổ lửa, cỏ tranh sắc như dao cắt cứa da thịt. Những giai đoạn đầu lưng trần rớm máu, tay phồng rộp, mặt cháy sém. Ông Trọng nói, không biết ai đào củ mài thế nào khó tới đâu thì mình đào đá cực vô cùng, có đêm ông hì hục moi được “con lợn đá ” từ lúc trời sẩm tới khi trăng non chếch đỉnh đầu! 

Nhưng vấn đề nảy sinh là đá moi ra, bới lên để ở đâu? Chất đống từng cụm thì coi như cả rẫy có hàng trăm ổ mối đá lổm nhổm khó canh tác! Một lần đàn heo rừng trên núi xuống “oanh tạc” rẫy mì gần như tanh bành, ông ngậm ngùi nhận thấy rằng hóa ra kiếm củ khoai ở đất này cũng truân chuyên quá. Cần phải có phương án bảo vệ những mảnh rẫy nhỏ bé của mình. Trong lúc không có tiền mua lưới làm rào, sẵn đá chất đống khắp nơi, ông quyết định đắp tường đá bảo vệ miếng rẫy của mình.

Từ đó bức tường đá bắt đầu hình thành theo tháng ngày. Suốt 15 năm đầu tiên ông hăm hở chỉ tập trung hai việc: đào đá, lọc đất và đắp thành. Việc làm có vẻ đúng vì cùng với ngăn bầy heo rừng, tường đá còn ngăn cả hỏa hoạn khi ông trồng mía! Rồi một ngày ngoảnh lại, ông thấy… rùng mình về công trình của mình: bức tường đá chạy từng đoạn theo chu vi miếng đất rộng gần 4 ha có độ dài hơn 1.000 m, có đoạn tường ở phía nam chiều dài hơn 300 m với đáy rộng 3 m, cao 2 m, mặt trên 2 m, chứa hàng triệu viên đá lớn nhỏ, các đoạn nhỏ khác đều có độ cao hơn 1 m, rộng 1 m! 

Người ta thầm tính ông Trọng đã gánh hơn 10 vạn m² đá để cải tạo đất đắp lên bức tường thành. Càng ghê gớm hơn khi công trình này, chỉ duy nhất ông làm một mình ròng rã 30 năm qua!

Hơn 30 năm đắp tường đá -0
Ông Trọng xới đất trên mảnh đất đã cải tạo. 

Ước mơ người nông dân bên tường đá 

Có lẽ đã đến lúc rồi nhiều người cũng quên đi hay ấn tượng về người nông dân có ý chí “khủng khiếp” này theo thời gian. Người ta nói ông “khùng, điên” hay dị nhân nhưng ngẫm lại cho đến hôm nay sau hơn 30 năm gắn bó với miếng đất trần ai này, thành quả của ông Nguyễn Văn Trọng thật sự làm nhiều người ngưỡng mộ. Là người biết ông từ hơn 20 năm trước, thăm ông nhiều lần, tôi nhận thấy Nguyễn Văn Trọng là người yêu đất theo đúng nghĩa của người nông dân.

Theo ông, chung quanh mình nhiều người chỉ đào lỗ trồng xoài, mít… thì ông lại trồng tỉa được các loại rau củ quả  như đậu, bắp, sắn, mía và cả rau vì đất của ông sau nhiều năm cải tạo đã thành đất nạc. Người viết bài vẫn nhớ những ước mơ của ông những năm đầu làm sao đào hết đá để đất sạch rồi có máy cày, máy xới, máy bơm để thành vườn theo đúng nghĩa thì nay mọi ước mơ đã thành, trên nhiều khoảnh đất, ông đã dùng máy xới để đánh luống trồng bắp còi, đậu xanh, đậu đen, củ dong… để mùa nào thức đó có đồng ra đồng vào mưu sinh. Miếng đất của ông nay đã thành khoảnh đất phì nhiêu nhất vùng Đồng Cam này luôn xanh tốt bốn mùa rau trái.

Tuy vậy, dù sao cũng là phận người nông dân, nỗi vất vả vẫn hằn trên khuôn mặt rám nắng. Với Nguyễn Văn Trọng nếu không có nghị lực phi thường, niềm lạc quan ngất trời thì khó tồn tại ở mảnh đất “lưng hổ này” bởi vì ngay như người vợ của ông chỉ gắn bó theo ông một chặng đường ngắn ngủi ban đầu của hành trình 30 năm. Đứa con ông nuôi cũng thế. Nếu như Rô-bin-sơn có chàng “Thứ Sáu bên mình” thì “Rô-bin-sơn Trọng” hoàn toàn cô độc, chỉ thỉnh thoảng mới có vài người đến giúp chút đỉnh những chuyện lặt vặt, còn cơ bản chỉ mỗi mình ông xoay trần trên mảnh đất đầy đá gan gà của mình. Có lẽ đá rắn thế nào thì ý chí ông cứng như thế!

Có một niềm vui sau hơn 30 năm cải tạo, dựng xây “Rô-bin-sơn Trọng” đã có một thành quả lao động thật mỹ mãn, mặc dù đã trải qua bao thăng trầm, có giai đoạn miếng đất của ông với cả không gian bao la suýt bị trưng dụng làm sân golf với giá rẻ mạt, nhiều mùa mía bị lửa cháy, nhiều trận hạn làm chết đứng bao gốc xoài của ông hay nhiều mùa bị tan hoang bởi dịch bệnh thú hoang phá…, tất cả đều đã qua đi. Người viết bài hỏi ông: “Anh tính sao khi đã có tuổi, sức không còn như xưa?”, Nguyễn Văn Trọng cười hồn nhiên, hàm răng trắng phau như bắp nói: “Xe tới khúc cua ắt tay sẽ đánh lái, tôi còn khỏe vẫn lao động bình thường như 30 năm qua”. Rồi ông bước ra vườn nổ máy xới cày đất: “Phải tranh thủ trồng đậu cô ve”.

Chung quanh Nguyễn Văn Trọng, bức tường thành đá nắng mưa đã sẫm lại, những đám hoa cỏ đậu biếc lại rối rít vươn theo với nắng như đón chào một ngày mới.