Học phí đại học sao cho phù hợp?

Ngay sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, học phí cũng là mối quan tâm lớn của các bậc phụ huynh và thí sinh. Năm học 2020 - 2021, nhiều trường đồng loạt tăng mức học phí mới. 

Một tiết học của sinh viên Trường đại học Y khoa Vinh. Ảnh: TTXVN
Một tiết học của sinh viên Trường đại học Y khoa Vinh. Ảnh: TTXVN

Đủ loại học phí 

Hiện nay, học phí đại học (ĐH) được thu theo trường công lập tự chủ, trường công lập chưa tự chủ và dân lập. Theo Nghị định (NĐ) 86/2015 của Chính phủ, đối với các trường thí điểm tự chủ (23 trường công lập tự chủ) và trường công tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên, cứ hai năm sẽ tăng học phí một lần. Trong khi đó, với các trường công lập khác (vẫn được Nhà nước bao cấp), học phí điều chỉnh hằng năm, năm sau cao hơn năm trước 700 nghìn - 900 nghìn đồng/năm. 

Đối với các trường công lập tự chủ, mức trần học phí áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 như sau: khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm thủy sản, học phí 20,5 triệu đồng/năm; khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch là 24 triệu đồng/năm; khối ngành y dược là 50,5 triệu đồng/năm.

Năm học 2020 - 2021, học phí của các trường công lập chưa tự chủ tăng kịch trần theo NĐ 86 của Chính phủ. Theo đó, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo lần lượt: khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm thủy sản, là 9,8 triệu đồng/năm; khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch 11,7 triệu đồng/năm; khối ngành y dược 14,3 triệu đồng/năm. Mức tăng từ 900 nghìn đồng - 1,3 triệu đồng/năm so năm học trước. Đối với đào tạo sau ĐH, học phí cũng tăng theo: trình độ thạc sĩ tăng gấp 1,5 lần so ĐH  và trình độ tiến sĩ tăng 2,5 lần so trình độ ĐH.

Trong khi đó, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự chủ (chi thường xuyên và chi đầu tư) áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo năm học 2020 - 2021 (kể cả các cơ sở giáo dục ĐH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động) lần lượt là: 2,05 triệu đồng/tháng (20,5 triệu đồng/năm), 2,4 triệu đồng/tháng (24 triệu đồng/năm), 5,05 triệu đồng/tháng (50,5 triệu đồng/năm). Mức tăng 2 - 4,5 triệu đồng/năm so năm học 2019 - 2020. 

Nếu như trước đây học phí ĐH công lập chỉ được thu theo một mức trần được quy định tại NĐ 86, thì trong năm học mới 2020 - 2021 sẽ có nhiều mức thu khác nhau. Có những trường công học phí mỗi năm học lên tới hàng chục triệu đồng. Thí dụ, Trường ĐH Luật Hà Nội, với các ngành đào tạo đại trà áp dụng cho 30 tín chỉ, có mức học phí tương đương 7 - 8 triệu đồng. Với các ngành đào tạo chất lượng cao, học phí 20 triệu đồng. Với chương trình liên kết với trường ĐH nước ngoài, mức học phí khoảng 200 triệu đồng/năm. 

Bên cạnh đó, học phí các trường ĐH công tự chủ cao hơn nhiều lần so khi chưa tự chủ. Đơn cử, năm nay, Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh công bố chuyển sang mô hình tự chủ với mức học phí tăng mạnh cho sinh viên khóa mới. Theo đề án tuyển sinh, mức thu dự kiến của trường từ 30 - 70 triệu đồng/năm, tùy khối ngành cho sinh viên (SV) trúng tuyển khóa 2020 (tăng hơn 2 - 5 lần so năm học trước đó). Đến thời điểm này, theo đại diện Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, dù chưa ra quyết định chính thức học phí khóa mới nhưng mức thu này sẽ không thay đổi trong năm nay. Trường này hiện mới ra quyết định chính thức học phí cho sinh viên các khóa cũ với mức tăng 10% so năm 2019.

Với các trường ĐH dân lập, năm học mới 2020 - 2021, mức học phí cũng tăng mạnh. Mới đây, nhiều tân SV trúng tuyển vào Trường ĐH Văn Lang khi đã đóng tiền tạm ứng để xác nhận nhập học, cấp mã số SV nhưng sau đó tá hỏa khi nhận thông tin trường tăng học phí. Thí dụ ngành kiến trúc, tân SV làm thủ tục nhập học được yêu cầu đóng hơn 27 triệu đồng/học kỳ 1 (học phí hơn 26 triệu đồng, tương ứng 19 tín chỉ - 1.370.000 đồng/tín chỉ). Mức này cao hơn nhiều so năm 2019 (chỉ từ 16 - 22 triệu đồng/học kỳ). Tương tự, ngành thanh nhạc, tân sinh viên cũng bất ngờ khi học phí lên đến 1.430.000 đồng/tín chỉ. Với 17 tín chỉ học kỳ 1, SV học thanh nhạc phải đóng hơn 24,3 triệu đồng. 

Học phí đại học sao cho phù hợp? -0
Việc tăng học phí cần có lộ trình và phù hợp khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng khác nhau. Ảnh: NAM ANH

Tăng học phí để tăng chất lượng?

PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trường được thí điểm tự chủ ba năm nay. Khi chuyển sang tự chủ, ngân sách hằng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) rót về trường (vài chục tỷ đồng) không còn. Do đó, trường phải tính toán tất cả chi phí đào tạo để đưa ra mức học phí phù hợp. Có một số ngành hiện nay (chương trình đại trà) học phí dưới 20 triệu đồng, thấp hơn cả mức học phí quy định của NĐ 86. Thật sự, nếu để bảo đảm chất lượng đào tạo thì học phí khối ngành kỹ thuật hiện nay phải 50 triệu đồng/năm may ra mới đủ. Tuy nhiên, nếu học phí cao quá thì chắc chắn sẽ đối diện nguy cơ… không có người học. Thực tế đã có trường rơi vào tình huống này là Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (thuộc ĐH Đà Nẵng), học phí cao quá nên người học ngay lập tức quay lưng, dẫn đến điểm đầu vào thấp, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Nếu các trường tự chủ đưa ra mức học phí cao quá thì sẽ có hiện tượng SV chạy sang các trường khác, hoặc đi du học, hoặc rẽ sang học nghề”. 

PGS, TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, học phí năm 2019 của trường là 13 triệu đồng cho tất cả các ngành. Hằng năm, trường được Bộ Y tế cấp chi phí đào tạo khoảng 130 tỷ đồng (50%). Trong khi đó, quy mô sinh viên hiện nay là hơn 9.000 SV. Nếu tính toán chi li thì nguồn ngân sách này mới chỉ đủ trả lương cho cán bộ giảng viên. Học phí 13 triệu đồng của SV cho việc học (lý thuyết, thực hành, thực tập) là cả một vấn đề. Riêng ở trường này không có chương trình chất lượng cao, liên kết… để xoay xở. Ngay cả hệ cử tuyển, học phí địa phương cũng trả chậm. Do đó, để phát triển hơn thì một là ngân sách Nhà nước đầu tư phải rất nhiều hơn so hiện nay, hoặc là phải tự chủ, xã hội hóa để SV trả học phí cao hơn.

Đối với các trường ĐH công lập (chưa tự chủ) hiện nay được thu học phí theo khung của NĐ 86. Theo đó, người học chịu 50% chi phí đào tạo, 50% còn lại là ngân sách hằng năm của các bộ, ngành cấp cho trường trực thuộc. Với mức học phí này, đại diện các trường cho rằng, không đủ xoay xở để bảo đảm chất lượng, chứ chưa nói đến nâng cao chất lượng đào tạo. Chính vì thế, đa số các trường đều phải “cái khó, ló cái khôn” để bù lại với mức học phí của NĐ 86.  Các loại hình đào tạo kèm theo với các mức học phí cũng “trăm hoa đua nở”: nào là học phí chương trình đại trà, chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình liên kết quốc tế. 

Nguồn thu hiện nay của các trường (cả trường công lẫn tư thục) có đến hơn 90% từ học phí của SV. Do đó, nếu không tăng chi phí đào tạo, trong đó có tăng học phí, chắc chắn không thể nói đến đào tạo có chất lượng, nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục và đào tạo quốc gia nhìn nhận, ai cũng hiểu rằng, học phí giáo dục ĐH thấp gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và cho chính nhà trường. Chúng ta không thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao với chi phí thấp được. Vì với nguồn lực tài chính eo hẹp, lại muốn nhiều người được đi học và chất lượng được bảo đảm là bất khả thi. Với học phí quá thấp, nhà trường sẽ khó có điều kiện thu hút, trả lương cho đội ngũ giảng viên, giữ chân họ đóng góp cho nhà trường. Học phí thấp dẫn tới quy mô phải tăng để lấy số lượng bù cho chất lượng dẫn đến không bảo đảm đầu ra.

PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định, khi Nhà nước không cấp chi thường xuyên thì học phí cũng sẽ phải bù vào một phần. Vì vậy, tăng học phí là không tránh khỏi nhưng cần có lộ trình và phù hợp khả năng chi trả, tiếp cận của người học ở các vùng khác nhau.