Học phí có “tát nước theo mưa”?

Hiện nay, đã có 23 trường đại học (ĐH) được giao cơ chế tự chủ và thu học phí cao hơn các trường chưa được tự chủ. Vấn đề đặt ra, liệu các trường có “lợi dụng” tự chủ để tăng học phí?

Các trường đại học tự chủ xác định mức học phí bảo đảm hài hòa lợi ích của sinh viên và nhà trường. Ảnh: ANH HẢI
Các trường đại học tự chủ xác định mức học phí bảo đảm hài hòa lợi ích của sinh viên và nhà trường. Ảnh: ANH HẢI

Các trường ĐH tự chủ đều tăng học phí

Mới đây, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tự chủ đại học: Nâng cao chất lượng đào tạo”. Tại buổi tọa đàm, đại diện hai trường ĐH đã được tự chủ là ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Kinh tế Quốc dân đã lên tiếng về vấn đề học phí cũng như tự chủ mở ngành.

Ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, học phí của trường được công khai, minh bạch. Năm nay, học phí hệ chính quy dao động từ 18 triệu đồng đến 18,5 triệu đồng/năm. Các năm tiếp theo, học phí tăng không quá 10%, và mức tăng của trường thường là 5%. Theo ông Chương, với mức học phí hiện nay hoàn toàn bảo đảm cho trường chi thường xuyên và có một phần để nâng cao chất lượng đào tạo.

“Nhưng về dài hạn, nếu chỉ trông chờ vào học phí thì khó có đột phá về chất lượng để có thể trở thành trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Do đó, cần có giải pháp căn bản đối với giáo dục ĐH, đặc biệt là vấn đề tài chính. Mô hình chuẩn là cân đối tài chính được từ ba nguồn: học phí, ngân sách, xã hội hóa. Bối cảnh hiện nay của Việt Nam, muốn có chất lượng tốt phải đầu tư chiều sâu”, ông Chương nói.

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, học phí của sinh viên các trường tự chủ cao hơn các trường chưa được tự chủ nhưng vẫn chưa đủ để chi trả 100% chi phí đào tạo. Mặc dù vậy, học phí của sinh viên cũng đóng góp cho chi thường xuyên và đầu tư cơ sở vật chất. Theo ông Sơn, kinh phí để đầu tư xây dựng cơ bản, phòng thí nghiệm phải do Nhà nước đầu tư. Do đó, phải tính rất rõ và phải minh bạch điều này cho sinh viên và dư luận xã hội hiểu.

“Thí dụ như ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trước khi tự chủ, trường đầu tư 200 tỷ đồng vào cơ sở vật chất. Như vậy, sinh viên thấy rõ cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư không dựa vào việc tăng học phí khi thực hiện tự chủ”, ông Hoàng Minh Sơn thông tin.

Một vấn đề được dư luận đặt ra, đó là những sinh viên khá, giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn khó có thể theo học được những trường ĐH tự chủ có mức học phí cao ngất. Về việc này, cả ông Minh Sơn và Hồng Chương đều cho biết đang thực hiện chính sách học bổng cho sinh viên nghèo, học giỏi (lên tới vài chục triệu đồng mỗi năm) đủ đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Học phí bảo đảm hài hòa

Trên thực tế, khi tự chủ, để khẳng định mình, các trường ĐH sẽ có những định hướng nâng chất lượng đào tạo bằng cách đầu tư trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất... Việc này khiến nhiều người lo lắng, bởi tất cả những đầu tư sẽ đổ dồn vào học phí. Về việc này, ông Minh Sơn không đồng tình và cho rằng học phí của người học đóng chỉ đủ một phần cho chi phí đào tạo. Nó chỉ bao gồm một phần cho chi phí thường xuyên, đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp công tác giảng dạy, thí nghiệm thực hành. Những đầu tư cơ sở vật chất lớn hơn, như phòng thí nghiệm nghiên cứu thì do Nhà nước đầu tư và nhà trường thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khác.

Trước những băn khoăn của người học về việc vì áp lực nâng chất lượng đào tạo, có thể xảy ra tình trạng một số trường lạm thu, thu sai quy định, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP đã quy định mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh, các khoản dịch vụ khác. Các trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ, Nhà nước sẽ quy định mức học phí cho mỗi trường. Tới đây, khi Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và Nghị định hướng dẫn thực hiện luật này có hiệu lực, các cơ sở giáo dục ĐH công lập thực hiện thu học phí theo Điều 65. Các trường ĐH đáp ứng khoản 2, Điều 32 của Luật này đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên sẽ được tự chủ mức thu học phí... Tuy nhiên, việc xác định mức thu học phí phải căn cứ vào định mức kỹ thuật, sẽ được thực hiện theo lộ trình tính đúng, tính đủ.

Bà Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý, các trường ĐH tự chủ xác định mức học phí thế nào để bảo đảm hài hòa lợi ích của người học với sinh viên và nhà trường. Đồng thời, không gây ra sức ép quá lớn về tài chính đối với các trường trong khi vẫn phải bảo đảm tất cả những yêu cầu về chất lượng đào tạo. Vì thế, rất cần Nhà nước sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ làm căn cứ để các trường ra quyết định. Đồng thời, qua đó các cơ quan Nhà nước và xã hội giám sát được việc thực hiện thu học phí của các trường.