Hỗ trợ nhầm đối tượng

Thời gian này, cơ quan chức năng đang khẩn trương đưa gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Xảy ra chuyện những người dân ở Thanh Hóa và Hà Tĩnh viết đơn tự nguyện từ chối nhận tiền. Trong rất nhiều thông tin cả tiêu cực và tích cực về những hành động “kỳ lạ” ấy, chúng tôi tìm về cơ sở và thấy rằng, cùng với sự cảm thông nhường cơm sẻ áo với những hoàn cảnh khó khăn, một số người điền vào mẫu đơn đã được đánh máy sẵn “tự nguyện” từ chối khoản tiền hỗ trợ. Cũng bởi thế, nếu chỉ căn cứ vào những báo cáo từ phía chính quyền cấp xã, số tiền bị chi trả nhầm đối tượng ở mỗi tỉnh có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Trao đổi việc bổ sung, chi trả chính sách nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo.
Trao đổi việc bổ sung, chi trả chính sách nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo.

Mai Văn Đ. (thôn 2, Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa) có nước da đen bóng của một người lao động chân tay vất vả: “báo cáo với các anh là, hôm qua, các bác từ tỉnh, huyện về, cũng có triệu tập gia đình lên trên xã. Em cũng nói thật… Đảng và Chính phủ hỗ trợ cho người thế yếu trong xã hội. Nhà em 5 nhân khẩu, thôi thì mình có khó khăn nhưng mình nhường 2 suất cho người ta”. Nhà anh Đ, hiện có 3 con đều đang đi học. Gia đình được xếp loại cận nghèo nghĩa là các con đi học đã được xét giảm học phí. Đồng thời, gia đình cũng được ngân hàng chính sách hỗ trợ một khoản tiền vay để hoạt động sản xuất, kinh doanh. Không đến mức quá khó khăn.

Chị Nguyễn Thị L. cùng xã cũng là đối tượng có hoàn cảnh tương tự: “Gia đình tôi được thôn đây xét duyệt cho là hộ cận nghèo, đợt dịch Covid-19 thì tôi thấy tivi, đài, báo đưa tin, gia đình chúng tôi được hỗ trợ một khoản tiền. Nhưng mà vợ chồng tôi cũng đang còn trẻ, con đầu học xong đi lính, rồi bây giờ đi làm ăn, thằng thứ hai vào trường quân đội có Nhà nước lo cho. Cho nên chừ nhà còn mỗi bà già, là mẹ đẻ ra tôi. Bà thì lại được Nhà nước hỗ trợ vô cái tiền người già tháng 270 nghìn đồng người cao tuổi rồi. Bây chừ thì chồng tôi cũng đi làm ăn, con tôi làm ăn cũng được, thằng hai ở trong quân đội thì cũng không phải lo mấy cho nên có khả năng sang năm khi thằng thứ hai tốt nghiệp, tôi cũng xin ra khỏi danh sách cận nghèo”.

Lê Đình Trung trú tại thôn Phúc Cường, xã Xuân Hồng đang luôn chân, luôn tay dưới mái hiên nhà bày bừa bộn những dao kéo, hàn xì. Hoạt động trong gia đình anh đã nhộn nhịp trở lại sau thời gian cách ly xã hội. “Em không viết đơn. Thôn bảo lấy em không lấy. Vợ em đi nên em không đi, chỉ dặn vợ không nhận”. Trung khá thẳng thắn, em làm mái tôn, cơ khí xây dựng, làm nhà, cổng, hàng rào, cửa kéo, cửa cuốn, có thợ phụ. Ngay cái hộ cận nghèo thì thôn vận động em vào chứ em chả xin.

“Thì xét cho anh cái đối tượng nuôi ông bà già, con nhỏ. Nhà anh sản xuất, kinh doanh, có nhu cầu về vốn, vào cận nghèo thì được vay vốn ngân hàng chính sách lãi suất nó thấp hơn. Nó gọi là hỗ trợ để phát triển sản xuất”, vị cán bộ xã đi cùng giải thích. Việc đưa gia đình Trung vào danh sách cận nghèo để có cơ hội vay vốn làm ăn từ ngân hàng chính sách, là nguyên nhân nhà Lê Đình Trung có tên trong danh sách gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. “Bọn em cũng chẳng thiếu thốn đến mức phải đi lấy tiền hỗ trợ. Còn nhiều người khó khăn hơn nhiều nên xin thôi”. Trung nói lại với chúng tôi như thế.

Một cán bộ xin giấu tên cho biết, có thực tế nhiều gia đình xin vào danh sách hộ cận nghèo để tiếp cận vay vốn từ ngân hàng chính sách, con cái đi học đại học cũng được xem xét miễn giảm học phí. Thực tế những gia đình này không hẳn là nghèo khó đến mức cần phải nhận hỗ trợ từ gói tiền 62 nghìn tỷ đồng của Nghị quyết 42 của Chính phủ. Điều này chính bản thân họ biết, những người đã làm danh sách để họ vay tiền và miễn giảm học phí cho đám trẻ con cũng biết.

Như vậy, trong số hơn 2.400 người tự nguyện trả tiền tại Thọ Xuân, có lẽ số lượng người không thực nằm trong diện cận nghèo có thể lên tới hàng nghìn đối tượng. Và theo đó, số tiền có nguy cơ bị chi trả nhầm đối tượng tại mỗi tỉnh có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tại tỉnh nghèo Hà Tĩnh, thông tin 18 hộ dân với 34 nhân khẩu ở xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) tình nguyện không nhận nguồn hỗ trợ từ gói an sinh xã hội đã khiến nhiều người bất ngờ.

Ở đây, đa phần các hộ “tự nguyện” cắt giảm khẩu nhận tiền hỗ trợ. Gia đình ông Võ Hữu Tôi (xóm Hưng Đạo, Cẩm Lạc) có 4 nhân khẩu thì mình ông Tôi ký vào đơn từ chối nhận. Các gia đình: Thiều Đăng Tam, Hoàng Văn Phùng ở thôn Lạc Thọ và nhiều gia đình ở Cẩm Lạc đều ký đơn cắt giảm khẩu nhận hỗ trợ của gia đình mình. Các hộ này cho biết, sau khi có chủ trương của Chính phủ, cán bộ xã và thôn đã đến thông báo và xác nhận số lượng thành viên trong gia đình được nhận hỗ trợ. Các đồng chí ấy có “gợi ý” rằng, trước đến nay gia đình đã nhận được sự quan tâm đầy đủ của Nhà nước, vì vậy gia đình có thể cân nhắc cắt giảm số người nhận hỗ trợ. “Nếu không bị đau ốm thì chúng tôi cũng không nhận hộ cận nghèo làm gì, thấy cán bộ nói như thế chúng tôi cũng đồng tình cao”, ông Hoàng Văn Phùng chia sẻ.

Xét một cách khách quan, không ít các hộ từ chối nhận tiền hỗ trợ ở Cẩm Lạc không mấy khó khăn. Họ được xét vào đối tượng hộ cận nghèo bởi gia đình có con đang đi học đại học, cao đẳng hoặc có thành viên đau ốm cần thụ hưởng chính sách hộ cận nghèo để vay vốn, khám, chữa bệnh.

Cũng có chuyện người nghèo bỗng dưng có đơn từ chối nhận hỗ trợ dù rằng họ không hề làm đơn. Gia đình bà Võ Thị Vinh ở thôn Hoa Thám (Cẩm Lạc) cho biết, bà và con trai chưa gặp bất cứ ai để tìm hiểu về chính sách hỗ trợ, tuy nhiên trong danh sách các hộ tự nguyện không tham gia chính sách hỗ trợ Covid-19 của xã lại có tên gia đình bà. Trưởng thôn Hoa Thám Võ Kim Đức cho biết, thôn chưa nhận được bất cứ đề xuất nào từ gia đình hộ Võ Thị Vinh. Danh sách đó do xã lập nên thôn không biết. Lãnh đạo UBND xã Cẩm Lạc thì giải thích, địa phương tuân thủ nghiêm túc quy trình, nguyên tắc và không tư lợi trong quá trình triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy vậy, khi thực hiện từ xã xuống thôn sẽ khó tránh khỏi những thiếu sót, cần sự chia sẻ của người dân và dư luận.

Bởi thế, chúng tôi vỡ lẽ ra rằng, tại sao có những cụ già hơn 80 tuổi nhất định xin ra khỏi danh sách... người nghèo. Bởi tỷ lệ hỗ trợ người nghèo ở mỗi địa phương đều có hạn, nếu họ vẫn... nghèo thì những người nghèo khác chung quanh sẽ mất đi cơ hội xin vay vốn, xin được hỗ trợ cho con em đi học. Thế nên có chuyện, những người không có nhu cầu vay vốn, hoặc không còn con em trong độ tuổi đến trường làm đơn xin thoát nghèo để nhường cái sự... nghèo ấy cho người khác. Tôi nghèo nhưng không cần vay tiền, tôi xin rút khỏi danh sách hộ nghèo để những người có nhu cầu vay vốn chính sách được thêm vào danh sách. Thực tế, sự nhường nhịn ấy của mỗi hoàn cảnh trong địa phương là đáng trân trọng. Cái sự nhường nhịn lẫn nhau giữa những hoàn cảnh ấy chắc chắn không chỉ xảy ra ở xứ Thanh, Nghệ, Tĩnh. Và bởi thế, một số người nghèo thật sự sẽ không có tên trong danh sách những người yếu thế cần được hỗ trợ bởi ảnh hưởng dịch Covid-19.

Thực tế đã cho thấy có một số bất cập trong danh sách hộ nghèo và cận nghèo ở Thanh Hóa hay Hà Tĩnh. Hộ có tên trong danh sách đã lập trước đây chưa hẳn đã... nghèo. Và hộ nghèo vì lý do... lịch sử nên đã không có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ.

Chưa tính tới những sai sót đáng trách từ phía chính quyền cơ sở về việc lập danh sách các hộ nghèo và cận nghèo dẫn tới việc gói hỗ trợ bị đưa... nhầm đối tượng, điều cần kíp là trách nhiệm đánh giá đúng đối tượng thuộc diện nghèo đói, khó khăn để hỗ trợ kịp thời của cơ quan chức năng. Bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, mỗi cán bộ làm chính sách không thể bỏ sót một thân phận khó khăn nào trong thời điểm vốn cực kỳ khó khăn này.