TP Hồ Chí Minh

Hiểm họa từ cây xanh mùa mưa bão

TP Hồ Chí Minh đang bước vào mùa mưa bão, ẩn họa gãy đổ từ hệ thống cây xanh trên đường khi người dân tham gia giao thông đi lại luôn thường trực. Thực tế, trước đó đã xảy ra các trường hợp cây xanh gãy đổ trên các tuyến đường thành phố, khiến người đi đường bị thương. Dù cơ quan chức năng thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn…

TP Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm mùa mưa và hiểm họa từ cây xanh gãy đổ luôn chực chờ người dân mỗi khi ra đường.
TP Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm mùa mưa và hiểm họa từ cây xanh gãy đổ luôn chực chờ người dân mỗi khi ra đường.

Nơm nớp lo sợ

Thường xuyên chứng kiến cây xanh gãy đổ trong mùa mưa, anh Phạm Thanh Hải (ngụ đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2) cho hay, cứ đến mùa mưa gió, mỗi lần ra đường đi dưới những tán cây sum suê lá cành luôn lo sợ vì chứng kiến nhiều vụ cây xanh gãy đổ. “Cây xanh gãy đổ trên đường là tình huống bất ngờ, người tham gia giao thông không thể chủ động phòng, tránh nên ẩn họa tai nạn bất cứ lúc nào. Vì thế, mong cơ quan chức năng cần có những việc làm cụ thể để bảo vệ an toàn cây xanh và tránh được những tai nạn xảy ra đáng tiếc”, anh Hải chia sẻ.

Tương tự, theo phản ánh của ông Đỗ Thế Trực (65 tuổi, ngụ phường 9, quận 3) thì người dân đang rất lo lắng về nguy cơ gãy đổ của những cây xanh già cỗi trên địa bàn. “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão chúng tôi lại sống trong tâm trạng lo lắng khi hằng ngày đi lại dưới những cây xanh này”, ông Trực nói.

Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, trên các tuyến đường như: Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Trương Định, Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần (quận 1 và 3), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2); Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo (quận 5); 3/2, Lê Hồng Phong (quận 10)…, hàng cây xanh hai bên tuyến đường chủ yếu là cây phượng, me tây, xà cừ, lim sét, sọ khỉ… Đây được coi là những loại cây rất dễ gãy nhánh nếu gặp mưa to gió lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân nếu đi lại bên dưới.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 155.000 cây xanh được trồng tại các công viên và khu vực công cộng, với diện tích gần 330 ha. Thành phố đang bước vào mùa mưa gió nên nguy cơ cây xanh gãy, đổ xuống đường và nhà dân rất cao. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, cây xanh gãy, đổ vào mỗi mùa mưa gió đều được ghi nhận hằng năm, do nhiều cây thuộc diện bị sâu bệnh, tồn tại nhiều nhánh khô, rễ, gốc cây không bám sâu vào lòng đất. Đáng nói, do biến đổi khí hậu làm cho mực nước ngầm bị hạ thấp, nhiều cây rễ không tiếp cận được nguồn nước làm cây chết khô và dễ bật gốc khi gặp mưa gió. Ngoài ra, tình trạng đô thị hóa nhanh, bê-tông hóa vỉa hè, xây dựng các công trình ngầm như: cáp viễn thông, điện, chiếu sáng, thoát nước, đã xâm hại cây xanh. Chưa kể, công tác đánh giá hiện trạng cây xanh bị mục rễ, sâu đục thân để xử lý trước khi gãy đổ lại rất khó khăn do chủ yếu thực hiện bằng kinh nghiệm và mắt thường, chưa được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại để “bắt bệnh” cho cây xanh.

Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh, hiện Công ty đang duy tu chăm sóc hơn 100.000 cây xanh đường phố và trong công viên. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều trường hợp cây xanh bị người dân tự ý chặt cành, nhánh, đốn hạ trái phép, đổ hóa chất vào gốc cây… Đồng thời, các đơn vị thi công vỉa hè xâm hại rễ cây hoặc thi công công trình ngầm (thi công ngầm hóa lưới điện và các tuyến ống cấp, thoát nước…) gần sát gốc cây, việc đào xới đất trong phạm vi này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn của hệ thống cây xanh.

Hiểm họa từ cây xanh mùa mưa bão ảnh 1

Cây trên đường phố gãy đổ không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn đe dọa tính mạng người tham gia giao thông.

Người dân nên tự… bảo vệ mình trước

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia hạ tầng giao thông đô thị, hằng năm cứ vào mùa mưa hàng loạt cây lại tiếp tục đổ xuống dù được duy tu bảo dưỡng. Điều này cho thấy, nhiều bất cập trong công tác chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng cây xanh và chưa chủ động được các giải pháp phòng, chống cây xanh gãy đổ, thậm chí, thành phố chưa có một đơn vị chuyên môn đúng nghĩa đảm trách. Để khắc phục tình trạng này, thành phố cần thành lập một đơn vị chuyên môn độc lập về công tác bảo trì, bảo dưỡng cây xanh và xây dựng bộ tiêu chí đầy đủ để khắc phục tình trạng trên. Cũng theo TS Sanh, các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào liên quan rủi ro do cây xanh gãy đổ gây ra, nên chưa có một phương án khoa học nào để ngăn chặn chủ động.

Để chủ động bảo vệ an toàn cây xanh và đem lại an tâm cho người dân mỗi khi ra đường, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP Hồ Chí Minh đã chủ động dùng các máy móc, phương tiện tiến hành đốn hạ thay thế các cây sâu bệnh, sam thân, bọng gốc, nghiêng nguy hiểm, tăng cường việc kiểm tra thường xuyên những cây xanh có dấu hiệu gãy đổ. Đồng thời, hạ thấp chiều cao đối với cây có rễ ăn ngang, cành nhánh giòn, dễ bật gốc, thay thế dần các loại cây tạp bằng các chủng loại có nhiều đặc tính đáp ứng tiêu chí an toàn cây trồng đường phố. Song song đó, bố trí lực lượng luôn sẵn sàng ứng trực và xử lý những tình huống cây xanh gãy đổ bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh cho biết, công ty cũng thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh đường phố và trong công viên, mảng xanh mà công ty được đặt hàng chăm sóc bảo dưỡng để đề xuất chủ đầu tư là Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật cho thực hiện thu gọn tán, cắt thấp, lấy nhánh khô, cắt tỉa nhánh trong mùa ra trái, đốn thay thế các cây chết khô, nghiêng nguy hiểm... Triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc thường xuyên hệ thống cây xanh theo kế hoạch và quy trình kỹ thuật do các chủ đầu tư thông qua. “Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản, khi có mưa và gió lốc người dân nên tránh đứng, dừng đậu xe dưới cây, hạn chế tham gia giao thông trên đường và nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn”, ông Phương đưa ra lời khuyên.

Về phía Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan ứng trực 24/24 giờ; huy động nhân lực, phương tiện và vật tư để chủ động giải quyết các trường hợp cây xanh không đáp ứng yêu cầu; chủ động kiểm tra đồng loạt cây cổ thụ có nguy cơ gãy, đổ cao. Tiến hành rà soát, khảo sát các cây cổ thụ, cây nguy hiểm, cây trong danh mục cấm trồng, lập danh sách đề xuất kế hoạch không thường xuyên hằng năm. Khuyến cáo người dân không nên đứng và dừng đậu xe dưới cây, hạn chế tham gia giao thông trên đường và nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn để tránh thiệt hại về người và tài sản khi có mưa và gió lốc.

Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa năm nay, gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng người dân, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tăng cường kiểm tra, thực hiện tỉa cành, mé nhánh chống lại các cây bị nghiêng, hoặc đốn hạ các cây có nguy cơ gãy, đổ. Thành lập các nhóm “tác chiến”, kế hoạch luôn túc trực, chủ động trong tư thế sẵn sàng. Khi có cây xanh nào gãy, đổ thì nhóm này sẽ ngay lập tức giải quyết. Đối với trường hợp có tai nạn, thiệt hại về người thì sẽ ứng cứu kịp thời nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe cho người dân.

Mới đây, Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ, Đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh (PC08) cũng đã có văn bản khuyến cáo, lưu ý người dân khi tham gia giao thông trong điều kiện mưa to gió lớn. Theo PC08, trong cơn mưa, dông thường có gió lốc mạnh, rất nguy hiểm khi các cây xanh ven đường, bảng quảng cáo… bị gió lốc làm gãy, đổ, bay xuống đường. Do đó, người chạy xe cần cẩn trọng khi tham gia giao thông, có các biện pháp tránh trú an toàn.