Gợi mở thêm từ loạt bài “Thích ứng với hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Sau khi báo Thời Nay đăng loạt bài bốn kỳ “Thích ứng với hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long” (từ số 1075 đến 1078), một số nhà khoa học, các nhà chuyên môn, cán bộ quản lý chuyên ngành quan tâm đến các vấn đề được nêu đã chia sẻ thêm ý kiến với báo và qua đó, kiến nghị thêm về các giải pháp phát triển trong điều kiện hạn mặn của vùng.

Mô hình tưới phun sử dụng máy bơm điều áp ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) chỉ cần mở van là máy tự động áp lực bơm tưới.
Mô hình tưới phun sử dụng máy bơm điều áp ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) chỉ cần mở van là máy tự động áp lực bơm tưới.

PGS, TS Châu Minh Khôi, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường đại học Cần Thơ:

Tăng cường khoa học - kỹ thuật vào sản xuất

Loạt bài đề cập khá toàn diện thông tin và các mô hình canh tác hiệu quả của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong điều kiện hạn, mặn dưới tác động của biến đổi khí hậu, mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân. Đặc biệt, mô hình tôm - lúa ở các tỉnh ven biển được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đánh giá là loại hình canh tác hiệu quả, bền vững và có triển vọng mở rộng trong tương lai… Để mô hình này bền vững, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần có giải pháp bảo đảm hiệu quả của con tôm và cây lúa để nông dân không phát triển lệch phía nuôi tôm hay trồng lúa. Nhà nước cần tăng cường đầu tư hệ thống thủy lợi thích hợp để phát triển mô hình tôm - lúa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của nông sản, điều mà người nông dân, chính quyền các cấp đang gặp khó khăn trong thời gian qua…

Chi cục trưởng Trồng trọt tỉnh Cà Mau Nguyễn Trần Thức:

Tôm - lúa “thuận thiên”, bền vững

Qua loạt bài “Thích ứng với hạn mặn ở ĐBSCL”, nổi bật có mô hình tôm - lúa, được nhiều tỉnh áp dụng thành công. Qua hơn chục năm mô hình này áp dụng tại Cà Mau và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL, tôi nhận thấy, đây là mô hình sản xuất “thuận thiên”, bền vững và độc đáo, triển vọng trong nhiều năm tới.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình tôm - lúa, tôi cho rằng, nông dân cần tuân thủ tốt lịch thời vụ và chuyển đổi giống lúa ngắn ngày để “né” mặn nhằm “ăn chắc” vụ lúa. Song hành với đó, tùy vào điều kiện của từng địa phương, cần tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh một cách khoa học, bài bản. Khi đó, việc chỉ đạo sản xuất sẽ thuận lợi, và đầu tư hạ tầng cho vùng chuyên canh sẽ được tập trung. Bên cạnh đó, cần có định hướng rõ sản xuất của nông dân phải tuân theo quy trình, tiêu chuẩn nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có các chứng nhận đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, tránh tình trạng nông dân thích gì trồng đó và làm theo tập quán.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang Trần Chí Hùng:

Tiếp tục nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp

Loạt bài “Thích ứng với hạn, mặn ở ĐBSCL” cho thấy sự chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay là tất yếu, rất cần thiết và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, các địa phương có thể trao đổi, ứng dụng một cách hiệu quả nhất. Tâm đắc hơn là hiểu rõ sát đúng về khái niệm “thuận thiên” mà loạt bài nêu. “Thuận thiên” ở đây vẫn phải có các giải pháp công trình để kiểm soát, điều tiết; vẫn có những mô hình sản xuất phù hợp để chuyển đổi. Mục tiêu cuối cùng làm sao để thích nghi được với hình thái thời tiết hơn, sống hòa mình với điều kiện biến đổi của thời tiết chứ không phải “chống” như trước đây. Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp thời tiết trong điều kiện BĐKH ngày càng diễn ra gay gắt. Hiện nay, sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang được UBND tỉnh giao thực hiện đề án phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH, giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030.

TS Phạm Thị Phương Thúy, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường đại học Trà Vinh:

Vừa là thách thức vừa là cơ hội

BĐKH phải được nhìn dưới góc độ vừa là thách thức vừa là cơ hội, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp nó lại là một cơ hội. Khi nói BĐKH, cụ thể là xâm nhập mặn, nước biển dâng cao là cơ hội để chuyển đổi cây lúa kém hiệu quả sang các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao, trong đó có nuôi trồng thủy sản nước lợ. Ở vùng ĐBSCL, chúng ta có thể quy hoạch chuyển cây lúa sang nuôi thủy sản thâm canh hoặc nuôi thủy sản xen canh với cây lúa... Phải có quy hoạch của chính quyền địa phương, từ đó có đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ yêu cầu của đối tượng sản xuất thì chuyển đổi mới thành công.

Trồng lúa thích ứng BĐKH thì các nhà khoa học phải tham gia như lai tạo các giống lúa có khả năng chịu được mặn và chịu được hạn. Giải pháp nữa là sử dụng nước tiết kiệm trong canh tác. Hiện nay, ở ĐBSCL đã có rất nhiều mô hình nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn, nhưng phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Nước ta có lượng mưa lớn, vậy tích trữ nước trong mùa mưa để phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô cũng rất cần được ưu tiên nghiên cứu.

Ths nông học Hứa Chu Khem, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng:

Cần liên kết vùng để ứng phó tốt với BĐKH

Loạt bài đã cung cấp bức tranh khá toàn diện về sự linh hoạt của ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL cũng như thích ứng nhanh của nhà nông trong sản xuất trong điều kiện BĐKH. Để thực hiện đúng, hiệu quả Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, chúng ta cần có giải pháp căn cơ, lâu dài. Trước nhất là về nguồn nước. Thực tế thiếu nước ngọt là diễn biến không chỉ nhất thời mà đã được dự báo sẽ còn khan hiếm hơn. Đất vùng ĐBSCL có địa hình không phức tạp và có thể phân thành vùng cao, vừa và trũng. Như vậy, nếu có hệ thống hồ chứa nước ngọt đủ để điều tiết cho các tiểu vùng sẽ bảo đảm sản xuất liên tục. Các địa phương ở gần nguồn nước hay vùng trũng có thể xây dựng hệ thống hồ lớn. Thứ hai là giải pháp cây, con giống.

Chính phủ cần tăng cường thực hiện các chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản tại ĐBSCL. Từ đó, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khí tượng - thủy văn và BĐKH, tạo sự liên kết, phối hợp trong hoạt động của ngành nông nghiệp giữa các địa phương vùng ĐBSCL.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều:

Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị

Mô hình canh tác như thế nào để thích ứng và giảm thấp nhất thiệt hại từ thiên tai là câu chuyện cần tính toán lại một cách bài bản, và tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương vùng ĐBSCL. Trong năm 2020, Cà Mau đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, mở rộng vùng lúa - tôm an toàn lên 7.000 ha và vùng lúa nguyên liệu hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế lên 1.000 ha, kết hợp thí điểm xây dựng một mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái cộng đồng tại vùng tôm - lúa đã được chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Về lâu dài, Cà Mau mong muốn Chính phủ mở rộng thí điểm bảo hiểm cây lúa hỗ trợ nông dân khi xảy ra thiên tai. Phía Bộ NN&PTNT cần có chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Ths Huỳnh Ngọc Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng:

Xây dựng cơ chế điều phối nhằm hài hòa lợi ích các địa phương

Loạt bài đăng trên báo Thời Nay cho thấy hiệu quả từ sự chủ động trong xây dựng lịch thời vụ đã giảm thiệt hại do hạn mặn. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng là một điển hình sống động về giải pháp công trình và phi công trình trong ứng phó với hạn mặn khốc liệt trong mùa khô 2020. Đây là yếu tố cần được phát huy nếu có cơ chế phối hợp giữa các địa phương. Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng ĐBSCL, tuy nhiên, việc triển khai vào thực tế còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách cũng như quy hoạch phát triển ở từng địa phương và cả vùng ĐBSCL.

Việc hoàn thiện cơ chế điều phối vùng ĐBSCL nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển giữa các bên liên quan, giữa các ưu tiên trước mắt với mục tiêu lâu dài, giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng trong khu vực là hướng đi vừa khoa học vừa đáp ứng nguyện vọng của địa phương trong các lĩnh vực kinh tế.

Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ (Hậu Giang) Nguyễn Thanh Giang:

Các mô hình thích ứng với BĐKH đang phát huy hiệu quả

Hiệu quả mang lại từ những mô hình chuyển đổi mà loạt bài trên báo Thời Nay nêu, cho thấy sự cần cù, sáng tạo của nông dân, sự hỗ trợ tích cực của khoa học - kỹ thuật, sự ủng hộ kịp thời của chính quyền trong việc định hướng, tổ chức sản xuất, khuyến khích nhân rộng mô hình theo hướng sản xuất chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, thích ứng với vùng đất bị ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn. Như cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát là cả một câu chuyện thể hiện sự sáng tạo của nông dân. Bởi cây bình bát là loại cây hoang dại, dù trong điều kiện khắc nghiệt phèn, mặn vẫn vươn mình, thể hiện sức sống mãnh liệt. Nông dân đã lợi dụng sự thích nghi này để phát triển cây mãng cầu sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt vẫn đơm hoa kết trái. Tất nhiên sự thành công này có sự hỗ trợ tích cực của khoa học - kỹ thuật.