Giúp lao động trẻ học nghề khởi nghiệp nông nghiệp

Mỗi năm có hàng nghìn lao động nông thôn được đào tạo, thế nhưng chất lượng và cả số lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cơ cấu lại nền nông nghiệp cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thậm chí, một bộ phận lao động trẻ không muốn học nghề và đang mất dần hứng thú với làm nông nghiệp.

Thanh niên nông thôn được khuyến khích tham gia các khóa đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp. Ảnh: HẢI NAM
Thanh niên nông thôn được khuyến khích tham gia các khóa đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp. Ảnh: HẢI NAM

2,3 triệu lao động nông thôn được dạy nghề

Mới đây, tại Hội thảo Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, nhiều chuyên gia và tổ chức đã chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp đặc biệt tìm hướng để đào tạo nghề cho lao động trẻ, thực hiện khởi nghiệp trong nông nghiệp.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, sau 10 năm triển khai dạy nghề theo Đề án 1956 đến nay, ngành nông nghiệp đã tổ chức đào tạo được hơn 2,3 triệu lao động nông thôn. Trong khi đó, theo mục tiêu giai đoạn 2016 - 2019, chúng ta phải đào tạo cho khoảng 1,6 triệu lao động nông thôn. Tuy nhiên, đến năm 2019 chúng ta đã đào tạo 1,15 - 1,4 triệu lao động, đạt 82% so mục tiêu, từ nay tới năm 2020 cần đào tạo 250.000 lao động là hoàn thành chỉ tiêu.

Ông Thịnh cũng chỉ rõ việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hỗ trợ đắc lực cho địa phương xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nguyên liệu, có liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Qua đó nhiều địa phương đã hình thành được vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, sản xuất an toàn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

“Qua chín năm triển khai, tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nâng cao thu nhập đạt hơn 90%. Nông dân sau khi học nghề nông nghiệp đã áp dụng được kỹ năng mới vào sản xuất. Nhiều lao động sau học nghề đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp 3 - 4 lần trước đây. Giá trị sản xuất tăng từ 83 triệu đồng/ha (2015) lên 90,1 triệu đồng/ha (2018). Năng suất lao động tăng 3,5 - 4%/năm. Nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm từ 80% (2015) lên đến 90% (2018)”, ông Thịnh thông tin.

Bên cạnh những thành tựu, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng chỉ rõ hạn chế việc dạy nghề. Thí dụ, dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều nơi hoạt động dạy nghề chưa tính tới sự thay đổi và thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Đặc biệt, hiện nay công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được chuẩn đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trong nước, lao động nông nghiệp chưa xây dựng được kỹ năng ngành thiết yếu, chưa có tính liên kết giữa các khâu đào tạo, tạo việc làm..., vì vậy chưa nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Đào tạo theo chuỗi

Ngoài những giải pháp đã nói, Bộ NN&PTNT đã chú trọng tới việc sắp xếp cơ cấu đào tạo nghề cho lao động làm nông nghiệp và dạy nghề nông nghiệp để lao động trẻ khởi nghiệp ở nông thôn.

Hiện nay bộ cũng đã có định hướng với các địa phương phối hợp các trường đào tạo thực hiện định hướng theo tỷ lệ 50-30-20. Tức là 50% đào tạo cho lao động làm trong vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp, 20% đào tạo cho lao động trong các hợp tác xã và trang trại, 30% đào tạo cho an sinh xã hội nông thôn.

TS Đào Thế Anh, Hội Khoa học phát triển nông thôn (PHANO) thì cho rằng, hiện nay chúng ta mới chỉ chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn để họ làm nông nghiệp thuần túy chứ chưa có sự liên kết, đổi mới trong dạy nghề. Muốn đào tạo nghề để lao động trẻ có thể khởi nghiệp, theo ông Thế Anh, Việt Nam cần chú trọng hơn tới khâu đào tạo nghề cho lao động là lãnh đạo ở các HTX, doanh nghiệp. Việc đào tạo cũng phải tiến hành theo chuỗi, không thể chỉ đào tạo từng khâu. “Cụ thể, lao động trẻ cần được đào tạo theo chuỗi với rất nhiều những mục như: Đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam và thế giới. Đào tạo quản lý, quản trị chuỗi giá trị nông sản, xây dựng, tiếp cận thị trường; đào tạo quản lý thương hiệu cộng đồng, cách làm thương hiệu, truy xuất nguồn gốc...”, ông Thế Anh chỉ rõ.

Song song việc ban hành chính sách vĩ mô nhằm giải bài toán nâng cao chất lượng đào tạo, PGS, TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng ,cần đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo ra sự thay đổi về chất trong đào tạo nghề nông nghiệp, giúp lao động trẻ khởi nghiệp. “Thực tế hiện nay nhiều lao động trẻ nông thôn không thích làm nông nghiệp, nên không có nhu cầu học nghề. Họ thà đi làm công nhân dù biết công việc đó vất vả, không ổn định, và thu nhập thấp chứ nhất định không làm nông nghiệp. Trên những cánh đồng chỉ còn lao động già, người già đi học nghề. Vấn đề là phải truyền thông để thay đổi nhận thức của lao động trẻ, để họ yêu nông nghiệp, sau đó là có cơ chế hỗ trợ tích cực trong việc đào tạo nghề gắn với khởi nghiệp nông nghiệp cho nhóm lao động này”, ông Cường phân tích.

Hiện tại, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành một số giải pháp đột phá đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Có thể kể tới như Đề án phát triển mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng NN&PTNT cho rằng, để khắc phục tồn tại trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới công tác dạy nghề cần chuyển hướng sang chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, giúp nông dân thật sự trở thành người làm chủ trong sản xuất nông nghiệp. Rút dần lao động nông nghiệp chuyển đổi sang công nghiệp dịch vụ, dành tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu nghề cho các nội dung đào tạo về kỹ năng sử dụng máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, chế biến nông sản, công nghệ 4.0, nghề quản lý trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, kế toán trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Đặc biệt cần thực hiện đổi mới dạy nghề, dạy nghề linh hoạt, khuyến khích thanh niên, nông dân trẻ ở nông thôn, những người mới lập nghiệp thành lập trang trại, doanh nghiệp mới tham gia các khóa đào tạo và có cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp”, ông Nam nói.

Đại diện Bộ NN&PTNT và các đơn vị trong, ngoài nước đã ký thỏa thuận thành lập Mạng lưới Đối tác phát triển đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp tại Việt Nam (Training network). Mạng lưới cùng nhau hợp tác trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, tuân thủ Luật pháp Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển nâng cao năng lực cho lao động nông nghiệp tại Việt Nam, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân.