Giếng Cổ Sở nghìn đời trong mát

Kẻ Giá - Cổ Sở (nay thuộc hai xã Yên Sở, Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội), cái tên với tôi và có lẽ cả với những người trẻ đang sinh sống ở ngay Hà Nội đều xa lạ. Tình cờ đọc cuốn “Kẻ Giá - Tên Đất, Tên Người” (NXB Lao động, 2005) của tác giả Yên Sơn Nguyễn Bá Hân, mới vỡ lẽ nhiều điều. Càng hấp dẫn khi sách nhắc đến Cổ Sở gắn với câu: “Đình không xà, trong làng có 73 chiếc giếng”…

Miệng giếng cổ được đậy lồng, nắp tròn bằng sắt, mỗi khi dùng, người ta mở nắp và múc bằng gầu.
Miệng giếng cổ được đậy lồng, nắp tròn bằng sắt, mỗi khi dùng, người ta mở nắp và múc bằng gầu.

1. Sử liệu còn ghi, ba vùng đất cổ ở ngoài thành Hà Nội xưa gồm: Cổ Bi, Cổ Loa và Cổ Sở. Những vùng đất này đều có tuổi đời và các câu chuyện nhiều hơn cả 1010 năm của Thăng Long - Hà Nội. Cổ Sở xưa có tên Kẻ Giá, Kẻ Sở, là nơi sầm uất với các buổi chợ phiên, thuyền bè trên sông tấp nập, cư dân sinh sống phồn thịnh, sung túc. Đến thế kỷ 15, Cổ Sở được tách thành hai làng Yên Sở và Đắc Sở. 

Từ đại lộ Thăng Long, tôi ngược triền đê sông Đáy về Đắc Sở và Yên Sở. Đến khu vực xóm Bến, đầu làng Yên Sở, hỏi thăm mấy em nhỏ đang chơi đùa, thì được chúng mách nước: Cô đến đình Yên Sở (PV - tên địa phương là Quán Giá, Đền Giá, Quán Diễm Xá…) hỏi các ông thì họ sẽ nói cho đấy ạ!

Tôi may mắn được gặp ông Vương Trí Kiệm, 78 tuổi ở ngay gần đình để hỏi han trò chuyện. Ông Kiệm mở lời: “Đình không xà, trong làng có 73 cái giếng” là câu nói về vùng đất Cổ Sở - Kẻ Giá xưa. Đình không xà là một kiến trúc cổ độc đáo rộng hơn 500 m², với 50 cột gỗ lim hai người ôm không xuể, tất cả đều không có xà, mái gác vào luôn hàng cột. Đình xưa kia nằm ngoài chân đê, nhưng năm 1947 đã bị thực dân Pháp phá hủy, sau này địa phương cho dựng lại nhưng đã không còn kiến trúc nguyên bản như xưa nữa.

Nhắc đến những chiếc giếng cổ, ông Kiệm cho biết hiện vẫn còn nằm rải rác ở khắp vùng. Ông bảo tôi tìm gặp cụ đồ Nguyễn Bá Hân năm nay đã 92 tuổi, là người am hiểu về văn hóa, tín ngưỡng địa phương, đặc biệt cụ rất giỏi chữ Hán - Nôm.     Thật vinh dự khi gặp được cụ - tác giả cuốn sách mà tôi đã đọc hôm trước.  Xưa kia cụ dạy học trong làng nên được gọi là đồ Hân. Cụ cho biết mình và GS sử học Phan Huy Lê là anh em họ bên ngoại.

Giếng Cổ Sở nghìn đời trong mát -0
Một chiếc giếng cổ trong góc vườn nhà dân được lập ban thờ bên cạnh. 

2. Về câu chuyện những chiếc giếng xuất hiện ở Cổ Sở từ bao giờ và nhằm vào mục đích gì thì đến nay có nhiều giả thuyết. Cụ đồ Hân nhắc lại và giải thích thêm những gì mình đã viết về giếng cổ trong cuốn sách “Kẻ Giá - Tên Đất, Tên Người”.  Người ta cho rằng, 73 chiếc giếng nằm ở một ngôi làng cổ theo số lượng là quá nhiều, bởi giếng nước sinh hoạt chung thường một làng, một xóm chỉ có vài ba chiếc là đủ. Có thuyết rằng xưa kia viên tướng Cao Biền sau khi nhận thấy vùng đất này vương thịnh, nổi lên nhiều nhân tài, đã sai quân lính vào làng đào giếng để chặn long mạch. Giả thuyết khác cho rằng, vào thế kỷ 14, giặc Minh khi đóng quân ở bến sông Đáy đã cho quân vào làng đào giếng để lấy nước dùng. Nhưng theo cụ Hân, những giả thuyết trên đều không hợp lý, thiếu căn cứ lịch sử, khoa học. Cụ Hân đã đọc nhiều sách, thư tịch cổ, đều chưa thấy nhắc đến chuyện quân giặc vào làng đào giếng.  Lại có giả thuyết rằng, người dân trong làng từ nghìn năm trước đã có nếp sống văn minh, sạch sẽ không dùng nước sông, nước ao nên đã cho đào giếng để lấy nước sinh hoạt, ăn uống. Tuy nhiên theo cụ Hân, phong trào đào giếng dân sinh mới chỉ được người ta thực hiện từ khoảng trên dưới 100 năm nay. Còn 73 chiếc giếng cổ thì có tuổi đời lâu hơn nhiều những chiếc giếng nước dân sinh khác. 

Vậy nên, chưa có ai, chưa có nguồn tư liệu nào lý giải được vật liệu để xây những chiếc giếng cổ lấy từ đâu. 73 chiếc giếng ở Cổ Sở xưa đều được làm rất công phu, với độ sâu khoảng 5 - 6 m, hình dạng, kích thước khá tương đồng nhau. Giếng được kè đá xanh, đá ong bao quanh, dưới đáy đặt một tấm gỗ lim tròn đường kính khoảng 1,5 m có độ dày hơn 20 cm. Đặc biệt, các loại đá và gỗ lim nguyên khối làm giếng đều không phải là thứ sẵn có ở Kẻ Giá - Cổ Sở xưa kia.

Cụ Hân dẫn tôi đi thăm một số giếng cổ hiện ở các thôn trong xã Yên Sở. Hiện, hai xã Yên Sở và Đắc Sở còn tồn tại 31 chiếc giếng cổ, trong đó riêng xã Yên Sở là 26 cái. Tất cả giếng đều được cụ lập sơ đồ, đặt tên ghi trong sách như: Giếng ngõ Lấp, Giếng đầu điếm Đoàn, Giếng ngõ Tre, Giếng ngõ cụ Phó Đạt, Giếng ngõ chùa Tư…

Sau vài lần rẽ từ ngõ này sang ngách kia, tôi đã có mặt ở một chiếc giếng cổ được người dân địa phương xây hẳn tường bao quanh, có cổng vào. Chiếc giếng này cùng với vài chiếc sau đó đều có thành rất thấp - thường chỉ cao từ 20 - 40 cm tính từ mặt đất. Người dân đã cho gắn những chiếc lồng, nắp tròn nan sắt để phòng đuối nước với trẻ nhỏ. Các giếng cổ hiện vẫn được người dân sử dụng để ăn uống, sinh hoạt. Nhiều hộ xa giếng thì gắn ống và dùng máy bơm đưa nước về nhà, còn gia đình nào ở gần vẫn dùng gầu cổ truyền để múc nước lên sử dụng luôn. 

Bà Lê Thị Hạnh đang múc nước giếng rửa rau cho biết: “Nước giếng này mát lắm, cô thử xem. Chúng tôi ở đây vẫn sử dụng nước giếng cổ để tắm giặt, ăn uống. Những hôm nóng đi đâu về mọi người vẫn giữ thói quen ra múc nước giếng rửa mặt, rửa tay chân, mát lạnh! Đặc biệt nước giếng vào mùa đông lại rất ấm, nên nhiều người sử dụng để tắm không cần bình nóng lạnh…”.

3. Một điều đặc biệt ở những chiếc giếng cổ Yên Sở, Đắc Sở ngày nay là đều có miếu thờ, ban thờ xây bên cạnh. Cụ Hân cho biết, những chiếc miếu này lập để thờ thần giếng theo tín ngưỡng dân gian. Có miếu ở khu vực công cộng do dân làng góp tiền xây, một số khác nằm trong vườn nhà dân thì gia chủ tự bỏ kinh phí ra lập. 

Chuyện lập miếu thờ thần giếng như ở Yên Sở, Đắc Sở ngày nay có lẽ là độc nhất vô nhị, mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa chứ không phải mang từ nơi khác đến. Có nhiều giếng cổ hiện vẫn tồn tại ở Hà Nội nói riêng, vùng đồng bằng sông Hồng nói chung, nhưng không có miếu thờ thần giếng như ở Yên Sở, Đắc Sở. Theo đó, đến ngày rằm, mồng một hay lễ, Tết, hội làng…, nhân dân địa phương sẽ ra miếu thần giếng để hương khói.

Từ nhiều đời nay, các bậc cao niên ông bà, bố mẹ trong các thôn, xóm ở Yên Sở, Đắc Sở đã nhắc nhở nhau và giáo dục con cháu không được đùa nghịch, phá phách gì ở giếng. Đặc biệt thôn, xã có quy ước nghiêm cấm hành vi thả cá, xả rác xuống giếng. Tất cả mọi người ở trong làng đều chỉ lấy nước giếng để ăn uống, sinh hoạt và có trách nhiệm chung bảo vệ giếng, dọn dẹp thường xuyên.

Chiều về đi quanh giếng cổ các thôn ở xã Yên Sở, Đắc Sở, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp một số người cao tuổi tự tay xuống giếng vớt đám rêu bèo hay những chiếc lá vàng mới rơi xuống. Ý thức bảo vệ giếng nước cổ của các thế hệ người dân Yên Sở, Đắc Sở là rất đáng trân trọng. Giếng cổ như nguồn cung cấp nước sinh hoạt trong lành mà còn là di sản văn hóa mà cha ông xưa đã để lại cho đời sau.