Giàu lên từ nhãn lồng

Về quê như cách nói của người thành phố, thì đừng bất ngờ nếu thấy giữa vườn nổi lên những căn biệt thự sang trọng hay bắt gặp một bác nông dân quần xắn móng lợn, râu tóc chưa kịp cạo lại là một tỷ phú thật sự.

Vườn nhãn nhà bà Hy.
Vườn nhãn nhà bà Hy.

Người đàn bà “độc thân” bên vườn nhãn trĩu cành

Bà Nguyễn Thị Hy năm nay ngoài 60, nhà có năm cô con gái thì đều đã theo chồng hết cả, thành thử bà Hy trở thành hộ “độc thân”. Mà đã là hộ độc thân thì “ở mấy” nên bà chẳng muốn sửa sang nhà cửa hay xây nhà mới. Kể cũng lạ, căn nhà đã cũ lại chật hẹp như vậy mà bà Hy đã nuôi năm cô con gái khôn lớn rồi gả chồng đàng hoàng. Người đàn bà nhìn vẻ ngoài chẳng có gì thấy là vất vả, thấy là khó khăn gì cả. Một người đàn bà vui tính, nụ cười luôn thường trực đã cho tôi những cảm tình đầu tiên. Tôi thầm đoán, hình như người nông dân đều cho rằng khó khăn, gian khổ là chuyện bình thường. Đời cứ vui là sống khỏe.

Ở xóm 16 này (trước gọi là thôn Bãi Sậy 1, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), nhìn đâu cũng thấy nhãn là nhãn. Nhãn trồng trong vườn, nhãn bên bờ ao, nhãn sát đường đi. Thảo nào mọi người đều khẳng định “Khoái Châu là thủ phủ nhãn lồng của tỉnh Hưng Yên”.

Bà Hy bắt đầu trồng nhãn cách đây chừng 7, 8 năm. So những hộ gia đình khác ở xã thì có vẻ hơi chậm. Với diện tích đất vườn hơn 1.000 m2 trước kia trồng rau nhì nhằng, bà Hy đã mạnh dạn chuyển sang trồng nhãn toàn bộ. Một thân một mình, năm cô con gái có giúp mẹ thì cũng chỉ bữa nay bữa mai, họ cũng bận việc nhà chồng của mình. Thế là cặm cụi, nhờ bà con hàng xóm và bỏ tiền do Hội Nông dân cho vay để thuê người, mua đất màu về cải tạo vườn và mua cây nhãn giống. Cho đến nay vườn nhãn nhà bà Hy đã có gần 60 cây đang cho trái chín.

Đợt vừa rồi bà Hy rất bận, phần vì phải chuẩn bị cây que để chống cành vì nhãn đã bắt đầu xuống nước. Nhãn xuống nước nên chùm quả trĩu cành lại trĩu cành thêm. Bà Hy phải chống đỡ cho cành khỏi gãy. Lại bận thêm vì khắp vườn, tức là dưới những gốc nhãn là những luống địa liền cũng sắp đến ngày thu hái. Bận thế mà có mỗi mình kể cũng vất. Bà Hy cho biết, vụ nhãn năm nay cũng tàm tạm, ước tính mỗi cây nhãn cho 80 kg quả chín. Nếu nhân với giá hiện tại là 20 nghìn đồng/kg thì vụ nhãn năm nay nhà bà thu về số tiền không nhỏ. 

Và ông “tỷ phú” nhãn lồng

Khác với bà Hy, ông Lê Đình Thắng ở xóm 12 cùng xã, lại trồng nhãn có thâm niên hơn. Đã 20 năm nay ông Thắng chuyên về trồng nhãn. Ban đầu là mấy nghìn m² vườn nhà, sau phát triển lên thì thuê thêm đất. Hiện ông Thắng đã có hơn 36 nghìn m² đất trồng nhãn với chừng 600 cây nhãn. Nhà ông còn có cây nhãn cổ 90 tuổi. Tôi tỏ ý muốn thăm cây nhãn quý ấy thì ông Thắng cười xua tay: “Khi nào tròn 100 tuổi em mời bác về chụp ảnh làm cây “di sản”. Giờ phải chăm cho nó sống và cho đều quả đã. Người lạ đến bên, em chỉ sợ cây thấy “ồn ào” mà chột thì tiếc lắm”.

Câu chuyện của người trồng nhãn lâu năm lại có cái hay của nó. Ông Thắng cho biết: “Đừng nghĩ đem cây giống về trồng trong vườn là có nhãn ăn ngay. Đâu phải thế. Nhiều công đoạn lắm. Thí dụ như riêng khâu chăm sóc thôi đã có tới bảy công đoạn. Lơ là bất cứ công đoạn nào là kém quả ngay”. Ông kể, quãng 30 năm trước có ông Miền Thiết ở làng An Tử, xã Hàm Tử cùng huyện đem giống nhãn lồng từ mạn Phố Hiến về gây giống. Ai ngờ giống nhãn lồng ngon ngọt nổi tiếng cứ tưởng “không xa” được Phố Hiến lại hợp đồng đất Khoái Châu. Thế là “tiếng lành đồn xa” giống nhãn lồng Phố Hiến do ông Miền Thiết gây trên đất vốn xưa nay chỉ trồng được ngô với cây đay, quanh năm chẳng đủ ăn thì nay bỗng giúp dân “đổi đời”. Vùng quê nghèo “Oai oái như Phủ Khoái xin tương” đã chuyển mình thật sự. Cây nhãn lồng nhanh chóng lan ra toàn huyện. Bởi thế mới có chuyện người dân nơi đây gọi là giống “Nhãn lồng Miền Thiết hay đơn giản là nhãn Miền”. 

Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 3.820 ha nhãn lồng, riêng huyện Khoái Châu đã chiếm 50% diện tích (ngoài ra còn ở các huyện như: Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên). Khoái Châu trở thành “thủ phủ nhãn lồng Hưng Yên” với tổng sản lượng ước chừng hơn 48 nghìn tấn mỗi vụ. Cây nhãn lồng trở thành cây chủ lực của Khoái Châu, thành cây làm giàu cho nhiều gia đình. Nhiều hộ đã xây nhà khang trang, nhiều nhà sắm xe hơi.

Như nhà ông Thắng chẳng hạn. Ngôi nhà hai tầng xây cách đây 10 năm rộng rãi ở không hết vậy mà anh con trai lớn của ông lại xin phép xây thêm một ngôi nhà hai tầng nữa. Đúng lúc chúng tôi tới nhà thì ông Thắng đang mải dọn dẹp cát gạch. Một ngôi nhà đã xây xong phần thô gạch còn tươi roi rói bên cạnh ngôi nhà cũ đã nói lên tất cả về ích lợi từ việc trồng nhãn đem lại.

Tôi ướm: “Năm nay thu hoạch với thu nhập thế nào ông Thắng nhỉ?”. Người đàn ông dáng nhỏ con, ăn mặc tềnh toàng chẳng ra dáng “kẻ có tiền” sau khi rít một hơi thuốc lào rõ kêu thì thật thà: “Gốc nhãn to đạt 1 tấn quả/vụ. Gốc nhỏ hay mới trồng vài năm thì chừng 50 kg. Năm nay chắc đạt sản lượng gần 90 tấn quả/ha. Nhà tôi có hơn 3,6 ha. Nói nhanh cho vuông, chắc có 1,5 tỷ đồng đút túi”.