Giao thông đi trước một bước

Để đón đầu cho việc hình thành TP Thủ Đức trong tương lai, TP Hồ Chí Minh đưa ra kế hoạch trong 10 năm tới (giai đoạn 2020 - 2030) sẽ đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, với tổng mức đầu tư hơn 300.000 tỷ đồng. 

TP Hồ Chí Minh xác định “hạ tầng đi trước” để đón đầu cho sự phát triển thành phố Thủ Đức trong tương lai.
TP Hồ Chí Minh xác định “hạ tầng đi trước” để đón đầu cho sự phát triển thành phố Thủ Đức trong tương lai.

Hạ tầng đi trước

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định số 1534/QĐ-SGTVT ngày 23-10 về kế hoạch hành động xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố nhằm phát triển một cách đồng bộ hạ tầng giao thông TP Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo phía đông. Để đưa “giao thông đi trước một bước”, đồng thời góp phần tạo tiền đề cho sự cất cánh của TP Thủ Đức, trong 10 năm tới, thành phố dự kiến cần hơn 300.000 tỷ đồng để thực hiện các nhóm dự án về hạ tầng giao thông. Trong đó, nhóm đường bộ sẽ cần khoảng hơn 135.000 tỷ đồng; đường sắt và BRT cần hơn 140.000 tỷ đồng; đường thủy cần gần 24.000 tỷ đồng. Còn lại là phát triển giao thông thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và triển khai số hóa cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông.

Trao đổi ý kiến với Thời Nay, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, trên cơ sở đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030, thành phố sẽ ưu tiên tập trung phát triển Khu đô thị sáng tạo phía đông. Cụ thể, đối với các nút giao thông chính sẽ được cải tạo để giải bài toán ùn tắc như: Nút giao An Phú, Mỹ Thủy; cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định và Nguyễn Duy Trịnh (quận 2 và 9); ngã tư Thủ Đức… Đồng thời, xây dựng các cầu quy mô lớn vượt sông như: Thủ Thiêm 3, 4; các cầu kết nối khu bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh). Song song đó, xây dựng kết nối các khu chức năng hoàn chỉnh mạng lưới đường liên khu vực như: Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng Phú Hữu - Cát Lái (quận 2 và 9); phát triển vận tải hàng hóa logistic, cảng biển và ICD tại cảng Cát Lái, Phú Hữu, Long Bình. Đặc biệt, phát triển các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn như: Metro số 1 kéo dài đến tỉnh Đồng Nai; các tuyến đường sắt quốc gia Trảng Bom - Hòa Hưng, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Sân bay Long Thành. Để kết nối mạnh mẽ liên vùng với khu Đông, thành phố cũng sẽ đầu tư xây dựng khép kín đường vành đai 2, vành đai 3, mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Ghi nhận thực tế cho thấy, bộ mặt hạ tầng giao thông khu cửa ngõ phía đông thành phố đã được cải thiện rõ nét. Minh chứng là việc đưa vào hoạt động nút giao thông Đại học Quốc gia (thuộc dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, tại quận 9, Thủ Đức và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cải thiện rõ rệt năng lực giao thông cửa ngõ. Công trình gồm một hầm hở, hai cầu quay đầu sang hai đường song hành và hai cầu vượt bộ hành, nâng diện tích đường lên gấp bốn lần, giúp các phương tiện giao cắt khác mức, giải tỏa nhanh ùn tắc giao thông.

Để hoàn chỉnh nút giao thông quan trọng bậc nhất trên, ông Dương Quang Châu, Giám đốc đầu tư Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII - chủ đầu tư dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội) cho biết, đơn vị đang mở rộng đoạn từ cầu Đồng Nai đến nút giao Trạm 2 có chiều dài 5,5 km và dự kiến hoàn thành trong năm 2020. “Tuyến Xa lộ Hà Nội được mở rộng và xây dựng hoàn chỉnh đã giúp giao thông thông suốt, không còn cảnh tắc đường thường xuyên như trước đó trong quá trình vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ cảng Đồng Nai về các cảng thuộc khu Đông TP Hồ Chí Minh”, anh Lại Văn Hưng, lái xe container cho doanh nghiệp vận tải Lâm Vinh (quận 4) phấn khởi nói.

Giao thông đi trước một bước -0
Hạ tầng cửa ngõ phía đông của TP Hồ Chí Minh được đẩy mạnh đầu tư. 

Cần phát huy vai trò hạt nhân

Để khu Đông trở thành vai trò hạt nhân thời gian tới, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất kết nối cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành với đường Long Phước (quận 9). Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, việc kết nối đường Long Phước với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ rút ngắn khoảng cách từ khu vực này đến trung tâm, các phương tiện di chuyển được dễ dàng, thuận lợi; tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, thuận lợi thông qua các nút giao đường Long Phước với cao tốc; đường vành đai 3 với cao tốc và đường nối vành đai 3 với đường Long Phước. 

Cũng cần phải kể đến một công trình quan trọng khác được đánh giá sẽ góp phần rất lớn trong kết nối liên vùng giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố khu vực phía đông. Theo đó, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đang bàn phương án triển khai xây dựng cầu Cát Lái, nối quận 2 (TP Hồ Chí Minh) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Đây được xem sẽ là “cú huých” rất quan trọng để thành phố thực hiện nhanh chiến lược phát triển những khu đô thị vệ tinh và quy hoạch vùng đô thị mở rộng hướng đông. Theo tính toán ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư (gồm cả chi phí đền bù giải tỏa) gần 9.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, giai đoạn tới, Khu đô thị sáng tạo phía đông sẽ được đầu tư hệ thống camera giám sát thông minh, đèn tín hiệu giao thông, thu thập - phân tích dữ liệu giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo và triển khai số hóa cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông. Những hệ thống này tích hợp về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị nhằm hình thành hệ thống giao thông hiện đại.

Về thu hút nguồn vốn, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, với nguồn vốn “khổng lồ” để đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông khu Đông 10 năm tới, TP Hồ Chí Minh cần có một cơ chế đặc thù rõ ràng và thuyết phục trong thu hút nguồn vốn đầu tư. “Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, hạ tầng giao thông khát vốn thì cần có một cơ chế đặc thù mới huy động được nguồn lực xã hội, tạo bứt phá cho Khu đô thị sáng tạo phía đông”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định. 

Đồng quan điểm, TS, kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách thành phố dành cho đầu tư ngày càng hạn hẹp, cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động cao nhất các nguồn lực (ngân sách, ngoài ngân sách, xã hội hóa...) để đáp ứng nhu cầu đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng. Trong đó, xem xét tận dụng nguồn lực từ các tổ chức tài chính ngoài ngân sách, quỹ đầu tư phát triển nhằm huy động các nguồn vốn trong nước và quốc tế với cơ chế tự vay, tự trả không thông qua bảo lãnh của Chính phủ nhằm giảm gánh nợ công cho thành phố.

Để đồng bộ hệ thống hạ tầng cửa ngõ khu Đông TP Hồ Chí Minh, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2021 - 2022, loạt công trình mở rộng đường Lương Định Của, Đỗ Xuân Hợp, cầu Thăng Long, cầu Công Lý… sẽ được xây dựng. Giai đoạn 2023 - 2025, nhiều dự án trọng điểm như khép kín đường vành đai 2, cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4… cũng sẽ hoàn thành, kết nối tất cả các hướng quận 2, quận 9, Thủ Đức về trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận phía nam. 

Theo lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, để có nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030, ngoài nguồn ngân sách, thành phố sẽ huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển. Cụ thể, vốn từ ngân sách T.Ư cấp cho thành phố để tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ nguồn vốn đầu tư các dự án trọng điểm gồm những trục giao thông quan trọng, có tính chất kết nối liên vùng như các tuyến cao tốc hướng tâm, các đường vành đai; nguồn vốn vay ODA; vốn xã hội hóa; khuyến khích và áp dụng các hình thức đối tác công - tư (PPP): BOT, BTL, BLT phù hợp với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các quỹ đầu tư phát triển hiện hữu của thành phố để chủ động về nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; phát hành trái phiếu phát triển hạ tầng để huy động vốn đầu tư…