Giảm tai nạn giao thông cần có biện pháp đồng bộ

Phải “gánh” hơn tám triệu phương tiện (khoảng 7,2 triệu xe mô-tô, xe gắn máy và hơn 800.000 xe ô-tô các loại) cùng khoảng ba triệu xe tham gia giao thông trên địa bàn mỗi ngày, giao thông tại TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải. Số lượng xe lưu thông quá lớn, ý thức của nhiều chủ phương tiện chưa cao trong khi cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng nhu cầu khiến tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tại thành phố này diễn biến khá phức tạp.

Mật độ phương tiện lưu thông cao khiến giao thông tại TP Hồ Chí Minh thường xuyên tắc nghẽn. Ảnh: KHIẾU MINH
Mật độ phương tiện lưu thông cao khiến giao thông tại TP Hồ Chí Minh thường xuyên tắc nghẽn. Ảnh: KHIẾU MINH

Vẫn nhiều người vi phạm

Thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Hồ Chí Minh cho thấy, đến tháng 11-2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 645 vụ TNGT, làm 594 người chết và 144 người bị thương. So cùng kỳ năm 2018 thì đã kéo giảm được cả ba tiêu chí là: 98 vụ TNGT (-13%), 87 người chết (-13%) và 57 người bị thương (-28%). Mặc dù đã đạt chỉ tiêu giảm hơn 5% số vụ TNGT, thế nhưng theo đánh giá chung, tình hình vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại TP Hồ Chí Minh chưa được cải thiện.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban ATGT TP Hồ Chí Minh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT nhưng phần lớn do ý thức của người tham gia giao thông. Trong đó, đáng lưu ý là các vi phạm về nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ và không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô-tô. Tính từ năm 2015 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh đã xử phạt hơn 2,5 triệu trường hợp vi phạm. Theo đó, có hơn 370.000 chủ phương tiện bị tước giấy phép lái xe, 270.000 phương tiện bị tạm giữ. Đáng chú ý, rất nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng liên quan đến sử dụng rượu, bia, điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép.

Mới đây, tại Hội thảo “Công bố, chia sẻ kết quả nghiên cứu, đánh giá dự án sáng kiến Vì an toàn giao thông toàn cầu giai đoạn 2015 - 2019”, TS Qingfeng Li, Trung tâm Nghiên cứu chấn thương quốc tế, ĐH Johns Hopkins (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo về hành vi vi phạm pháp luật về ATGT liên quan đến nồng độ cồn tại TP Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát, đánh giá của nhóm nghiên cứu cho thấy, có khoảng 16% chủ phương tiện tại TP Hồ Chí Minh khi kiểm tra đều có nồng độ cồn trong hơi thở. Tỷ lệ lái xe có nồng độ cồn quá ngưỡng cho phép là 11,4%. Theo TS Qingfeng Li, đây là tỷ lệ rất cao so các thành phố khác ở châu Á.

Một thống kê khác cũng cho thấy, gần 70% số vụ TNGT tại TP Hồ Chí Minh là do người điều khiển phương tiện (hoặc tham gia giao thông) sử dụng rượu, bia gây ra, tập trung vào nhóm đối tượng trưởng thành, lao động chính. Điều đáng nói, số vụ TNGT tại khu vực ngoại thành có xu hướng gia tăng. Như tại huyện Cần Giờ, chỉ tính chín tháng năm 2019 đã có 15 vụ TNGT, trong đó số vụ liên quan tới rượu, bia chiếm gần 87%.

Mặc dù đã rất nỗ lực trong việc tuần tra, xử lý nhưng đến nay thành phố vẫn còn 19 điểm đen về TNGT, trong đó đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9) và ngã tư An Sương (quận 12) là hai khu vực diễn biến phức tạp nhất. Hai khu vực trọng điểm là cảng Cát Lái (quận 2) và cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) thường xuyên ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm. Toàn thành phố có hơn 7.000 tuyến đường nhưng chỉ có 16 đội tuần tra, kiểm soát với 16 chốt trực nên rất khó đạt hiệu quả tối đa trong việc phát hiện, hạn chế những rủi ro TNGT. Ngoài ra, thành phố đang triển khai thi công nhiều hạng mục quan trọng về giao thông như dự án metro, các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, mở rộng các tuyến quốc lộ, xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai cũng như xây dựng thêm nhiều cầu vượt bằng thép tại các giao lộ trọng điểm phức tạp… Do đó, không tránh khỏi việc thi công rào chắn mặt đường, hạn chế lưu thông dẫn đến ùn tắc, kẹt xe cục bộ.

Giảm tai nạn giao thông cần có biện pháp đồng bộ ảnh 1

Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh xử lý các trường hợp vi phạm. Ảnh: TRẦN MỸ

Phải thay đổi cách làm

Hạn chế xe cá nhân, phát triển phương tiện giao thông công cộng là cách giảm tai nạn và ùn tắc giao thông hiệu quả, nhiều nước phát triển đã làm thành công. Thế nhưng tại TP Hồ Chí Minh, việc này còn phải đợi lộ trình vì nhiều yếu tố đang… dở dang. Nhiều người dân dù rất muốn đi làm, đi học bằng xe buýt nhưng vẫn khó tiếp cận hệ thống giao thông công cộng này.

Chị Nguyễn Thu Trang (quận Bình Thạnh) tâm tư: “Tôi làm bên quận 8 nên từ nhà muốn đón xe buýt phải đi bộ rất xa. Hơn nữa còn phải đón nhiều chuyến, khá bất tiện, tốn kém. Con tôi còn nhỏ, đi học xa phải đưa đi đón về rất mệt, nhưng đi xe buýt tới trường cũng bất tiện nên gia đình không còn chọn lựa nào khác là đi xe máy. Tôi mong hệ thống xe buýt của thành phố sẽ mở rộng hơn, thân thiện hơn, tuyến metro sớm đi vào hoạt động để người dân có thêm cơ hội sử dụng phương tiện giao thông công cộng”.

Tốc độ tăng dân số cơ học của TP Hồ Chí Minh là khoảng 200.000 người/năm nhưng diện tích đất dành cho giao thông chỉ chiếm 8,5%, thấp hơn nhiều so tiêu chuẩn. Lượng phương tiện cá nhân tăng đột biến, đặc biệt là ô-tô trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển đồng bộ, cơ sở hạ tầng chưa tương thích nên tình trạng ùn tắc, TNGT vẫn là mối lo lớn. Ban ATGT TP Hồ Chí Minh cho biết, trong điều kiện hiện có thành phố sẽ xoáy sâu vào công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân. Theo đó, cách tiếp cận, tuyên truyền với từng nhóm đối tượng trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi từ cách thức đến nội dung để đạt được hiệu ứng cao hơn. “Chúng ta cần thực hiện đồng bộ cả những giải pháp công trình và phi công trình nhằm kéo giảm hơn nữa số người chết và bị thương vì TNGT. Trong đó, nội dung chúng tôi quan tâm nhất là công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến rượu, bia. Với hai điểm đang nóng nhất hiện nay là đường Nguyễn Duy Trinh và ngã tư An Sương, thành phố phải đẩy nhanh tiến độ mở rộng các khu vực này và bảo đảm được trật tự lòng lề đường, vỉa hè. Đường chật rồi còn mua bán, lấn chiếm thì rất dễ xảy ra TNGT. Còn các điểm khác sẽ có phân công cụ thể các ngành, các đơn vị”, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban ATGT TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì hô hào theo kiểu hãy làm cái này, phải chấp hành cái kia, đã đến lúc phải làm mới công tác tuyên truyền. Trong đó cần sử dụng sức lan tỏa của những câu chuyện thực tế và khéo léo truyền thông bằng các sự kiện cộng đồng mang tầm ảnh hưởng lớn. Không ít ý kiến đề xuất tăng cường lắp đặt camera giám sát tại các giao lộ để xử lý phạt nguội các trường hợp cố ý vi phạm trong những khung giờ cao điểm. “Theo tôi, nếu được phủ sóng dày đặc tại các điểm quan trọng kèm việc xử phạt nghiêm, hệ thống camera giám sát sẽ là cánh tay đắc lực giúp lực lượng Cảnh sát giao thông kéo giảm hành vi vi phạm pháp luật về ATGT tại TP Hồ Chí Minh. Điều này là rất cần thiết trong điều kiện ý thức của nhiều người tham gia giao thông còn kém như hiện nay. Rất vui vì quy định mới đã cho phép sử dụng hình ảnh, thông tin, video do người dân cung cấp để xử lý các hành vi vi phạm. Nếu chúng ta làm tốt những việc này kèm cách tuyên truyền đúng lúc, đúng người, số vụ vi phạm và nguy cơ TNGT sẽ được kéo giảm”, anh Trần Văn Mạnh, một người dân tại quận Thủ Đức hiến kế.

Tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giai đoạn 2018 - 2020” do UBND TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc kéo giảm TNGT. Hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ và TNGT sẽ giảm cả ba tiêu chí. Ông Khuất Việt Hùng gửi gắm: “Muốn kéo giảm số vụ TNGT, việc TP Hồ Chí Minh cần làm nhất là tuyên truyền sao cho dân nhớ, dân làm theo. Với nhóm dưới 18 tuổi cần đẩy mạnh tuyên truyền sống động thông qua hệ thống nhà trường, ngoại khóa. Đối với sinh viên và nhóm người đi lại tích cực (18 - 55 tuổi), bên cạnh môi trường giáo dục cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể. Cách truyền thông phải bằng nhiều hình thức, từ các kênh truyền thống cho đến các kênh mạng xã hội... Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với tiktok để tiếp cận giới trẻ. Và tuyên truyền cần đi đôi với xử phạt nghiêm thì mới bảo đảm tính răn đe, giáo dục”.