Giải pháp đường thoát hiểm trên đèo Lò Xo

Do yếu tố địa hình bất lợi, các hốc cứu nạn trên đèo Lò Xo, đường Hồ Chí Minh, chỉ dài 50 m, bằng một phần ba so tiêu chuẩn tối thiểu của một đường cứu nạn thông thường. Tuy nhiên, chính sự linh hoạt, sáng tạo trong việc áp dụng giải pháp an toàn giao thông đã và đang phát huy được hiệu quả cứu hộ cho các xe không may mất phanh khi qua cung đường “tử thần” này.

Hốc cứu nạn trên đèo Lò Xo phát huy hiệu quả từ lúc chưa hoàn thành.
Hốc cứu nạn trên đèo Lò Xo phát huy hiệu quả từ lúc chưa hoàn thành.

Thoát hiểm trong gang tấc

Ngày 9-5-2020, trên đường từ Hà Nội - Đăk Lăk, qua địa phận đèo Lò Xo (đoạn Km 1428+150), xe ô-tô BKS 47C - 189.32 do lái xe Nguyễn Thanh Sơn điều khiển bỗng nhiên mất phanh. Nhớ lại giây phút “đối mặt tử thần”, anh Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Lúc đó tôi cùng hai người nữa trên xe đều vô cùng hoảng loạn. May mắn sau khi mặc xe lao dốc khoảng 500 m, tôi nhìn thấy có một hốc cứu nạn nên nhanh tay đánh lái tông được vào tường lốp phía cuối hốc. Dừng lại an toàn, ba anh em tôi khi đấy chỉ biết ôm nhau khóc.

Ông Nguyễn Danh Tiến, Chi cục trưởng Quản lý Đường bộ (QLĐB) III.4 (thuộc Cục QLĐB III), cho biết: Đây là đoạn tuyến có đường cong ôm phải, độ dốc dọc khoảng 6%. Trước đây, vị trí này thường xuyên xảy ra tai nạn, vì vậy khi tiến hành cải tạo lại đèo Lò Xo, chúng tôi đã bố trí hốc cứu nạn để hỗ trợ các xe không may mất phanh khi qua đèo.

Mặc dù mới đưa vào sử dụng từ tháng 4-2020 nhưng hệ thống 14 hốc cứu hộ trên đèo Lò Xo đã nhiều lần phát huy hiệu quả cứu hộ. Trước đó, vào sáng 14-4-2020, tại Km 1429+390 bên trái tuyến đường Hồ Chí Minh, xe tải BKS 51D-320.70 chạy theo hướng Đà Nẵng - Kon Tum mất thắng nhờ lao được vào hốc cứu nạn gần đó đã dừng lại an toàn.

Đặc biệt, theo đại diện Ban Quản lý dự án 5, ngay trong thời gian đang thi công, đơn vị xây lắp đã chứng kiến rất nhiều vụ xe phải chạy vào hốc cứu nạn để tránh tai nạn giao thông (TNGT) trên đèo Lò Xo. Điển hình như vào 7 giờ 30 phút ngày 10-12-2019, tại Km 1419+600, xe tải bồn bê-tông Chiến Thắng BKS 81R-007.49 chạy theo hướng Đà Nẵng - Kon Tum bị mất phanh, nhờ lao vào hốc cứu nạn đang thi công dở, xe đã dừng lại an toàn.

Nhắc lại tình huống thoát nạn trong gang tấc, lái xe Trương Quốc Đạt chia sẻ: Tôi đi qua tuyến nhiều năm, từng chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm, bởi vậy khi xe mất thắng tôi cũng xác định khó mà “qua khỏi”. Lúc đó, cả hai đường cứu nạn gần nhất đều đang có xe đỗ, may thay cách đó không xa còn một hốc cứu nạn đang xây dở dang. Đánh liều đưa xe vào, xe dừng lại an toàn, người không xây xước chứ nếu là trước đây, chắc khó còn lành lặn.

Hiệu quả của giải pháp an toàn

Đoạn tuyến đèo Lò Xo (thuộc đường Hồ Chí Minh) đoạn từ Km 1396 - Km 1434 đi qua hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum có hướng tuyến quanh co như chiếc lò xo. Địa hình hiểm trở, độ dốc sườn thiên nhiên lớn, bên núi cao, bên vực sâu, cung đèo này có đến 32 điểm đen và hàng loạt điểm tiềm ẩn TNGT. Theo thống kê của Cục QLĐB III, kể từ khi được đưa vào khai thác tháng 1-2005 cho đến tháng 6-2018, trên đèo đã xảy ra 192 vụ TNGT, làm 65 người chết, 333 người bị thương.

Năm 2018, sau nhiều vụ tai nạn thảm khốc, đặc biệt có hai xe khách giường nằm lao xuống vực, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt nguồn kinh phí gần 90 tỷ đồng để Cục QLĐB III tiến hành xử lý cấp bách các điểm đen trên đèo. Phân tích giải pháp tổng thể, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng QLĐB III cho biết: Đèo Lò Xo đang áp dụng một giải pháp tổng thể bao gồm phương án phòng ngừa tai nạn chủ động và phương án xử lý tai nạn bị động.

Cụ thể, phương án phòng ngừa tai nạn chủ động gồm: kiểm soát tốc độ (cắm biển hạn chế tốc độ đối với các đoạn có yếu tố tuyến bất lợi, cung cấp thông tin đầy đủ cho người lái xe, lắp đặt camera giám sát tốc độ tại các đoạn nguy hiểm và có biện pháp phạt nguội khi xe vi phạm…); Tổ chức giao thông (bằng hệ thống vạch sơn, biển báo, đèn cảnh báo, tiêu phản quang, vạch sơn gồ giảm tốc, giá long môn…); Cải tạo các yếu tố kỹ thuật của tuyến (mở rộng mặt đường, đào bạt mái taluy dương để tăng chiều dài tầm nhìn thấy xe ngược chiều…); Xây dựng trạm dừng nghỉ kiểm tra xe trước khi đổ đèo.

Phương án xử lý tai nạn bị động gồm: Xây dựng công trình phòng hộ (hộ lan cứng, hộ lan mềm, hộ lan con xoay, tường lốp, trồng cây phòng hộ…); Xây dựng đường cứu nạn, hốc cứu nạn; Xây dựng làn đường hãm xe.

Đáng chú ý, đây là tuyến đường “đen” đầu tiên áp dụng giải pháp an toàn hốc cứu nạn và làn đường hãm xe tại Việt Nam. Hai giải pháp này được thực hiện dựa trên nguyên lý của đường cứu nạn, vốn đã áp dụng nhiều trên thế giới để hạn chế thiệt hại do tai nạn trên các đèo dốc.

Ông Trịnh Đức Liêm, người chủ trì thiết kế Dự án nghiên cứu tổng thể nâng cao ATGT đèo Lò Xo, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 của Cục QLĐB III cho biết: Với địa hình một bên vực sâu, một bên núi cao, có cả rừng quốc gia, rừng đặc dụng, rất khó để lựa chọn được vị trí xây đường cứu nạn đạt chuẩn với chiều dài 150 - 200 m trên đèo Lò Xo. Vì vậy, dựa trên nguyên lý đường cứu nạn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cho phép Cục QLĐB III vận dụng linh hoạt xây các hốc cứu nạn với chiều dài chỉ khoảng 50 m, kết hợp tăng độ dốc ngược và làm tường lốp giảm chấn. Ngoài ra, ở những vị trí quá khó khăn về mặt bằng, chúng tôi bố trí các làn đường hãm xe, rải sỏi đá không lu lèn làm điểm tỳ giảm tốc cho lái xe trong tình huống khẩn cấp.