Giải bài toán nhân lực trình độ quốc tế

Được đánh giá cao về chất lượng nguồn nhân lực, nhưng trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay, TP Hồ Chí Minh vẫn phải đối diện những thách thức lớn liên quan đến cạnh tranh lao động quốc tế. Để đào tạo được lực lượng lao động chuẩn toàn cầu, theo các chuyên gia, đô thị đặc biệt này cần tập trung giải quyết bài toán nâng cao chất lượng đào tạo trình độ quốc tế từ bậc… mầm non đến đại học.

Trình độ nhân lực quốc tế luôn đòi hỏi rất cao.
Trình độ nhân lực quốc tế luôn đòi hỏi rất cao.

Thách thức từ thực tế

Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế về vốn lao động (trung bình 5 năm tăng 1 triệu dân), môi trường đào tạo, hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Trên địa bàn thành phố hiện có gần 600 trường đại học (ĐH), cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục phổ thông lớn nhất nước với tổng cộng 2.283 trường học từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên. TP Hồ Chí Minh có hơn 2 triệu học sinh, sinh viên, hơn 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo cùng với nguồn lực lao động sáng tạo gia tăng mỗi năm. Xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục là một trong những nội dung quan trọng, bên cạnh việc đẩy mạnh trang bị kiến thức, kỹ năng cho nguồn nhân lực tương lai, thành phố còn đang xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), xúc tiến xây dựng trung tâm điều hành thông minh, sử dụng các công cụ trực tuyến để quản lý, báo cáo, thống kê trong ngành.

Mặc dù dành khá nhiều nguồn đầu tư phát triển hệ thống GD&ĐT dựa trên kinh nghiệm học tập từ các quốc gia phát triển, tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều rào cản trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia Đổi mới GD&ĐT, cái khó của TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều đô thị lớn hiện nay là thiếu khả năng dự báo, quy hoạch nhân lực do chưa có cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện và thường phải đối phó sự phức tạp của quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng như sự phát triển “thần tốc” của các ngành kinh tế. Sự chồng chéo quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực cũng tạo ra nhiều phức tạp, gây khó khăn trong việc tổng hợp nguồn lực để tận dụng lợi thế sẵn có của thành phố. Điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng cho trường học, quan hệ hợp tác giữa các trường, viện với doanh nghiệp vẫn chưa hiệu quả khiến chất lượng nhân lực sau đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế như yếu ngoại ngữ, thiếu kỹ năng, tác phong chưa chuyên nghiệp, ít hiểu biết về văn hóa thế giới nên khi tham gia thị trường lao động quốc tế dễ bị sốc, khó thích nghi và đa phần không được đánh giá cao về năng suất làm việc.

PGS, TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, không riêng gì TP Hồ Chí Minh, mà nguồn nhân lực Việt Nam đang gặp phải nhiều hạn chế khi so sánh với mặt bằng chung nhân lực khu vực và thế giới. Đến thời điểm hiện tại, dù rất cố gắng, nhưng hệ thống giáo dục ĐH của nước ta vẫn chưa đáp ứng tốt ba khía cạnh cần có cho đội ngũ nhân lực là giỏi về trình độ chuyên môn kỹ thuật, có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng và năng suất lao động cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 trên thang điểm 10, xếp thứ 11 trên tổng số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Còn đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới gần đây cho thấy, kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp và năng lực tư duy phản biện trong giảng dạy của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam đều thấp hơn so các quốc gia Đông - Nam Á khác như Singapore, Thái-lan, Malaysia, Indonesia, Philippines,... Mặt khác, theo ý kiến phản hồi của các đơn vị sử dụng lao động, hầu hết doanh nghiệp đều phải đào tạo lại sinh viên mới ra trường do thiếu quá nhiều kỹ năng, kiến thức theo yêu cầu thực tế của công việc.

Hợp tác quốc tế để nâng chuẩn nhân lực

TS Phạm Thị Ly, thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng, trước khi bàn chuyện đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung cần xác định rõ khái niệm này: “Trình độ quốc tế nên được hiểu là có đủ năng lực cạnh tranh với những lao động cùng loại trên phạm vi toàn cầu. Trình độ quốc tế hiểu theo nghĩa đó không trực tiếp gắn với “bằng cấp quốc tế”. Nó đòi hỏi chúng ta cải thiện chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng nhấn mạnh vào thực chất. Đồng thời chấm dứt mọi hiện tượng mua bằng, bán điểm để bảo vệ chuẩn mực học thuật. Liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế, câu trả lời không đơn thuần nằm ở chỗ đẩy mạnh việc học tập kiến thức khoa học kỹ thuật, mà còn tạo ra không gian cho tư duy độc lập, cho sự sáng tạo trên nền tảng của một thị trường lao động cạnh tranh”.

Hợp tác quốc tế được xem là phương pháp tối ưu giúp giải quyết các khó khăn, thách thức đối với chất lượng nguồn nhân lực nước ta hiện nay. Việc này tạo ra động lực và cả sức ép buộc chúng ta đổi mới hệ thống giáo dục. Các cơ sở giáo dục có thể dựa vào hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị nhằm nâng cao tỷ lệ lao động có kỹ năng và khả năng đổi mới, sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng, hội nhập quốc tế. Hợp tác quốc tế trong GD&ĐT còn giúp hạn chế thực trạng “chảy máu” ngoại tệ khi số lượng học sinh, sinh viên trong nước đi du học ngày càng tăng.

Muốn làm được điều này, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ quốc tế không phải chỉ tập trung ở lĩnh vực giáo dục ĐH, mà còn phải được chú ý ở cả lĩnh vực đào tạo nghề, đào tạo lại trong doanh nghiệp. “Trước mắt, TP Hồ Chí Minh cần tập trung đổi mới giáo dục phổ thông theo chương trình mới, chú trọng phát triển năng lực của học sinh. Cùng với đó là rà soát và thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực dựa theo cấu trúc kinh tế. Ngoài ra, cần thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa các trường ĐH với các viện nghiên cứu để phát huy sức mạnh tổng hợp quản lý tri thức hiệu quả”, TS Hoàng Ngọc Vinh đề xuất.

Cùng với việc tăng cường hợp tác, giao lưu với các quốc gia phát triển, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần sớm có một chương trình đồng bộ hướng đến nguồn nhân lực quốc tế trên các lĩnh vực chọn lọc để tập trung đầu tư. Đi cùng đó là cơ chế tài chính để kịp thời hỗ trợ các trường muốn phát triển theo chuẩn quốc tế lẫn học sinh, sinh viên khó khăn vay vốn để tiếp cận với giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế. Thành phố cần phát triển mạnh mẽ hợp tác công - tư theo từng nhóm chuyên đề từ nhu cầu của các trường ĐH, gồm: tăng tốc việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho người học; đào tạo giáo viên để có thể thực hiện chương trình quốc tế; hợp tác triển khai các môn học và chương trình đào tạo trình độ quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và đối tác; kiểm định chất lượng giáo dục; nâng cao trình độ quản lý của nhà trường; triển khai các chương trình khởi nghiệp sáng tạo trong các trường ĐH; nhận chuyển giao công nghệ mới và phát triển sản phẩm mới…

“Thành phố phải hướng tới giáo dục thông minh, trường học thông minh. Từng trường cần chọn đối tác chiến lược để nâng cao chất lượng đào tạo nhưng thành phố cũng phải làm việc này với một số nước trình độ cao. Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở lĩnh vực nào? Thành phố không thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cho tất cả các lĩnh vực ngành nghề mà cần có sự ưu tiên cho một số lĩnh vực như công nghệ thông tin truyền thông và trí tuệ nhân tạo; tự động hóa và người máy; y tế; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; du lịch”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phân tích thêm.