Giải bài toán lọc ảo trong xét tuyển đại học

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có độ phân hóa, từ đó phân loại được học sinh (theo chuẩn đầu ra của giáo dục THPT). Trên cơ sở đó, các trường đại học (ĐH) có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển.

Hoạt động tư vấn tuyển sinh trực tuyến tại ĐH Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN
Hoạt động tư vấn tuyển sinh trực tuyến tại ĐH Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Bộ vẫn hỗ trợ khâu tổ chức đăng ký xét tuyển

GS, TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội phân tích: “Theo ý kiến của Bộ GD&ĐT, cho dù đề năm nay có điều chỉnh cơ cấu câu hỏi về độ khó, từ 60 - 20 - 20 của năm 2019 thành 70 - 20 - 10. Như vậy, điểm trung bình có thể nhích hơn năm ngoái khoảng 1 điểm, trong khi độ phân hóa vẫn có. Thật ra, nhiều người nhầm giữa tỷ lệ tốt nghiệp với tỷ lệ thí sinh đạt điểm trung bình của bài thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn 90% chủ yếu do cơ cấu điểm tính điểm tốt nghiệp, phần trọng số của điểm học bạ chiếm đến 70%. Cho nên, nếu học sinh (HS) có điểm học tập trung bình là 6, họ chỉ cần kết quả thi THPT được trung bình 3 điểm là đủ điểm tốt nghiệp. Thế nhưng, xem kỹ phổ điểm các năm, tỷ lệ thí sinh đạt trên 5 điểm không cao, thường chỉ khoảng 40 - 60%, trừ môn Giáo dục công dân. Như vậy, điểm thi phân hóa tốt. Theo logic như vậy, năm nay lấy theo điểm THPT vẫn có sự phân hóa, chứ không phải do đề giảm tải mà có “mưa điểm 10” như một số ý kiến lo ngại!”.

Liên quan vấn đề lọc thí sinh trúng tuyển ảo, theo PGS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, sau khi phân tích các thuận lợi, bất cập phát sinh, trên cơ sở đề nghị của các trường ĐH, Bộ GD&ĐT đã quyết định lựa chọn phương án sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương hỗ trợ các trường và thí sinh trong khâu tổ chức đăng ký xét tuyển để lọc ảo như năm 2019.

Đây là quy trình có giá trị thực tiễn, ổn định, được triển khai trong các năm 2018, 2019. Năm 2020 mục đích kỳ thi THPT là xét tốt nghiệp, do đó trường nào có nhu cầu thì vẫn có thể vào hệ thống cơ sở dữ liệu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để khai báo thông tin tuyển sinh và lọc ảo. Phương án này sẽ giải quyết được khó khăn đối với các trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng.

Đó là giải pháp khi nhiều trường ĐH không kịp xây dựng phần mềm lọc ảo, chưa có kinh nghiệm tổ chức nhập cơ sở dữ liệu thí sinh (từ khi đăng ký dự thi tốt nghiệp), vận hành hệ thống. Thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng… Từ đó góp phần ổn định cả xã hội. Nhiều trường cũng có thể tuyển một số lượng chỉ tiêu hợp lý ngay từ đợt tuyển sinh đầu để duy trì về mặt tài chính và hoạt động chung ổn định.

Về phía Bộ GD&ĐT, cũng sẽ hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy chế, để giữ quy trình tuyển sinh cơ bản ổn định. Qua đó, giải quyết các bất cập từ vấn đề “thí sinh ảo” như gọi vượt chỉ tiêu, không đủ chỉ tiêu do thí sinh rút hồ sơ. Giải quyết được bài toán này sẽ giúp các trường bảo đảm chất lượng đào tạo, không phải tuyển sinh nhiều vòng và không kéo dài thời gian tuyển sinh... Hệ thống xét tuyển thực hiện đồng loạt sẽ bảo đảm tính công bằng khi gọi thí sinh nhập học.

Tránh rủi ro khi xét tuyển

Theo khảo sát của vụ chức năng (Bộ GD&ĐT) và qua báo cáo nhanh của các trường gửi về, hầu hết các trường đều căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, dù tỷ trọng thí sinh trúng tuyển qua hình thức này có thể giảm so năm trước. Nếu các năm trước tỷ trọng số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi THPT quốc gia ở mức cao hơn (thí dụ, hơn 80% vào năm 2017, hơn 70% năm 2018 và hơn 60% năm 2019) thì năm nay tỷ lệ này dự báo sẽ vào khoảng 50%.

Theo PGS Nguyễn Thu Thủy, tình hình dịch bệnh đã buộc HS ở các địa phương phải học tập theo các phương thức khác nhau, chất lượng giáo dục không đồng đều. Việc giảm thời lượng, kiến thức và độ khó của các bài thi tốt nghiệp là phù hợp bối cảnh và cần thiết để bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho hơn một triệu thí sinh trên cả nước.

Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam có thể vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19, nếu tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia như mọi năm (khoảng 40 - 50 nghìn cán bộ từ các trường đại học di chuyển đến các địa phương coi thi), sẽ không bảo đảm an toàn cho các thầy cô, thí sinh và xã hội do tập trung đông người. Vì vậy, ở thời điểm này, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT lấy an toàn sức khỏe của thí sinh và nhân dân đặt lên hàng đầu.

Đối với thí sinh, PGS Nguyễn Thu Thủy khuyến cáo, ở thời điểm này, các em HS cần giữ gìn sức khỏe, đồng thời nỗ lực hết sức, không bỏ phí thời gian trong quá trình học tập, ôn thi. Hãy tự tin vào việc nắm chắc kiến thức, kỹ năng. Có thể các em đã xác định rõ ngành nghề yêu thích, trường đại học yêu thích. Các em không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng ở nhiều nơi khác nhau, chỉ nên đăng ký vừa đủ. Đã từng xảy ra trường hợp một thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau. Điều này sẽ khiến các em bị phân tán nguồn lực, sự tập trung cần thiết để vào được ngành/trường mình mong muốn!