Ghe giã cào “ăn thua” đủ kiểu

Mặc dù đã có lệnh cấm ghe thuyền giã cào khai thác tận diệt thủy, hải sản cửa sông và vùng biển trong phạm vi 20 hải lý. Nhưng các chủ phương tiện tàu thuyền này đã không chấp hành, lại còn biến tướng... đủ kiểu.

Hai con tàu bị bắt, đã chìm trong âu thuyền Thọ Quang.
Hai con tàu bị bắt, đã chìm trong âu thuyền Thọ Quang.

“Cùng phường”... giã cào

Ông Nguyễn D.T. trú tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, khiếu nại về con tàu của ông mang biển số CM 99436-TS với nội dung: “Ngày 27-4-2019, tàu CM 99436-TS neo đậu tại vịnh Mân Quang, không có hành vi khai thác chíp chíp. Đối tượng vạn lặn đã kéo tàu của tôi về và đã làm chìm tại âu thuyền Thọ Quang, mất trộm tài sản, gồm một máy định vị, hai bình ắc-quy, một máy bơm, một bình gas... ước tính thiệt hại khoảng ba trăm triệu đồng”.

Với một tường trình như vậy, ông Nguyễn D.T. như một nạn nhân, đang làm ăn lương thiện thì bị người khác lai dắt con tàu, “biến” nằm bờ thành “tội phạm”, sau đó hủy hoại tài sản của ông (?!).

Nhưng thực tế nó hoàn toàn khác, con tàu CM 99436-TS, được mua từ Cà Mau về Đà Nẵng, mặc dù chưa làm thủ tục sang tên theo quy định, nhưng đã đưa vào khai thác chíp chíp trong vịnh Đà Nẵng bằng giã cào đáy biển.

Hiện tượng làm ăn như ông Nguyễn D.T. không phải cá biệt. Ngày 1-1-2019, tàu QNa 99589-TS, do ông Trần Văn S., thường trú tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, đang cào chíp chíp trong vịnh Đà Nẵng, bị bắt quả tang, trên tàu có chíp chíp cùng hai cào sắt. Việc con tàu này bị bắt, con tàu khác lại lòi ra, đó là cách tính toán của chủ phương tiện này, tranh thủ mùa chíp chíp cũng là mùa du lịch, bán được giá cao, mỗi đêm cào, có thể kiếm được từ 20 - 25 triệu đồng. Hành vi của chủ phương tiện CM 99436-TS đã từng bị bắt quả tang. Ngày 5-3-2019, hội vạn lặn phát hiện con tàu CM 99436-TS này khai thác chíp chíp trái phép, đã trình báo với đồn Biên phòng Phú Lộc, với tang vật hai cào sắt cùng chíp chíp, đồn Biên phòng đã lập biên bản, xử phạt 18 triệu đồng. Ngày 27-4-2019, hội vạn lặn phát hiện trên tàu CM 99436-TS đang neo đậu, trên tàu có hai bao chíp chíp, hai cào sắt, nên đã kéo tàu này về âu thuyền Thọ Quang, trình báo với Đồn Biên phòng Sơn Trà. Sau khi tiếp nhận thông tin, Đồn Biên phòng Sơn Trà đã mời hội vạn lặn cùng thuyền viên trên tàu CM 99436-TS lên làm việc.

Mâu thuẫn trong khai thác

Tính từ tháng 10-2018 đến nay, các cơ quan, ban, ngành của thành phố Đà Nẵng đã xử phạt bảy vụ liên quan đến nghề cào chíp chíp. Trong đó bắt quả tang hai vụ, năm vụ còn lại do ngư dân vạn lặn phát hiện, rồi tự kéo tàu về âu thuyền Thọ Quang. Lý do nào hội vạn lặn lại làm công việc “bao đồng”, theo dõi các con tàu trong vịnh, khi đang khai thác hoặc khai thác xong, nằm bờ vẫn bị phát hiện? Ông Nguyễn Tư, thành viên hội vạn lặn, cho biết: “Do bức xúc vì nguồn lợi nhuyễn thể bị các tàu trên khai thác tận diệt, làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ, làm ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân vạn lặn chúng tôi”.

Về phía hội vạn lặn, đã chấp hành tốt các quy định về quản lý khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển. Tuy nhiên, do khai thác có khác nhau, hội vạn lặn khai thác thủ công, lặn mò chíp chíp, trong khi đó các ghe cào cày xới đáy biển có tính “hủy diệt” môi trường sống của các loại nhuyễn thể, do đó giữa họ đã nảy sinh mâu thuẫn có lúc đã xảy ra tình trạng xô xát nhẹ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có nhắc nhở hội vạn lặn không có những hành động bộc phát, thiếu kiềm chế, không giam giữ tàu trái quy định.

Trở lại với kiến nghị của chủ phương tiện tàu CM 99436-TS và tàu QNa 99589-TS, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã làm việc với hội vạn lặn, lập biên bản bàn giao cho Công an quận Sơn Trà. Sau nhiều tháng bị giam giữ, hai con tàu trên đã bị chìm tại âu thuyền Thọ Quang. Việc nhìn nhận, đánh giá giữa các chủ phương tiện cũng như các ban, ngành đã rõ ràng. Việc mất cắp tài sản trên tàu CM 99436-TS, ông Nguyễn D.T. kiến nghị xử lý hình sự kẻ trộm cắp tài sản. Số tài sản này đã được các đối tượng lấy trộm trả lại. Tuy nhiên, chủ phương tiện không chịu nhận mà muốn khởi tố những người trộm cắp tài sản với yêu cầu đền bù lên đến 300 triệu đồng. Về “quyết định không khởi tố hình sự” vụ việc này, Thượng tá Trần Tiến Dũng, Phó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Sơn Trà, cho biết: “Trong quá trình làm việc, chủ phương tiện không trục vớt con tàu để khám nghiệm nên không có cơ sở xác định. Các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc tài sản đó không có nên không có cơ sở đánh giá”.