Dưới chân núi Nản

Dưới chân núi, trong thiếu thốn của đời sống, khó khăn về cơ sở vật chất và sự ngặt nghèo của thiên nhiên, các thầy cô và trò vẫn không ngừng vượt lên để dạy và học, như một cách duy nhất để dọn đường cho tương lai sáng sủa hơn.

Trường THCS Linh Thông.
Trường THCS Linh Thông.

Nơi hẻo lánh

Xe chạy dọc chân núi, đi mãi, đi mãi nơi đâu cũng đầy lúa xanh và những rặng tre mờ xanh, thưa vắng nhà và hàng quán, càng không có đèn đỏ, đèn xanh và đèn vàng. Chỉ thấy đã chạm mùa hè mà vùng núi phía tây tỉnh Thái Nguyên vẫn xanh nõn mầu lúa. Vượt xa khu du lịch danh thắng ATK, qua lán Tỉn Keo, theo nghĩa của người dân tộc Tày là: chân núi. Cả một vùng trời Định Hóa, êm đềm những đồi chè, đi nữa sẽ là núi, là suối và gặp đập Đồng Luống của xóm Bản Chang.

Trường tiểu học Linh Thông ở xóm Cốc Mốc, xã Linh Thông, cũng chênh vênh trên ngọn đồi, vẫn đang ngổn ngang xây dựng lại một nửa ngôi trường với nhiều lớp học nhìn có vẻ khang trang hơn trường cũ. Từ trường nhìn xuống, có một bản làng lưa thưa mái ngói lẫn mây và núi trong sương dù vẫn đang trưa. Việc học và việc dạy chữ diễn ra ở dưới chân ngọn núi cái tên rất lạ: núi Nản. Dưới núi Nản là đồi và rất nhiều suối có tên và nhiều ngọn suối không tên. Suối nhiều nên dân bản đặt tên theo xóm cho dễ nhớ.

Về nơi không có siêu thị, xóm hiu vắng, càng xa chợ. Nếu đi từ xóm Cóc Mốc xuống đến chợ Chu phải mất 18 cây số, có nhà nghèo còn không có xe đạp đi chợ, phải chịu khó đi bộ một ngày trời cả đi và về, đủ thấy người dân ở đây sống rất eo hẹp về vật chất thế nào. Vậy mà, sinh hoạt không có dư dả gì, nhưng nét mặt ai ai cũng hiền hòa thân thiện. Tôi từng đi ròng rã ba ngày ngang dọc vùng núi này, đi xuyên qua núi Nản, có hôm cảm lạnh tìm mãi không thấy có một hiệu thuốc tây. Xóm đơn sơ, nhà cửa đơn sơ nhưng yên ả vô cùng. Người dân ở xóm Cóc Mốc hay bản Chang, dù chăn nuôi hay trồng trọt, có khi một tháng mới đi chợ một lần. Từ xóm đi chợ Chu mỗi ngày chỉ duy nhất có một chuyến xe buýt, phải dậy thật sớm đón xe mới đi được chợ.

Mới đây suối Khuổi Gào ở mãi xóm Tân Vang, gặp lũ ống dữ quá, trẻ con không đi học được. Trên mạn ngược không như dưới xuôi, mưa nắng thất thường, nhất là những ngày lũ ống, nước xiết, khủng khiếp. Thầy cô giáo đi đường có khi còn vất vưởng phải vào nhà dân trú tạm chờ qua ngày mới đi lên lớp.

Bên núi Nản nhưng các em không một lần nản chí khi vượt suối, vượt lũ ống để đi học. Với các em học sinh dân tộc, đi học thật nhọc nhằn và không dễ dàng như ở dưới xuôi. Có em là người dân tộc Tày, dân tộc Kinh, Sán Chỉ, Sán Chay. Có em lớp một còn chưa biết chữ cái, còn chưa có bút có cặp. Thầy hay cô giáo phải luôn dự trữ bút và tẩy cho học trò, có cô giáo còn mua cặp cho các em.

Dọc đường lên Linh Thông cứ hun hút những khúc quanh, thi thoảng mới gặp một chiếc xe máy vút qua, hoặc người đi làm đồng trở về. Cô giáo Hoàng Thị Tâm, Hiệu phó Trường tiểu học Linh Thông, mỗi ngày đi dạy, vừa đi vừa về hơn 25 cây số, nhắc đến chặng đường xa vắng ngày nắng đã vậy, chứ ngày lũ ống là nước mắt cô ngân ngấn lệ. Có thể một phần thương cảm cho học trò nhỏ, và một phần thương mình nữa, cô đã rưng rưng với thời gian hà khắc của thiên nhiên vùng núi. Đã từng có gia đình trôi cả chiếc ô-tô trên suối, xóa sạch cuộc đời trẻ trung đầy hy vọng của cả bốn phận người.

Những tấm gương

Những câu chuyện của lũ ống như thế vẫn ám ảnh cả cô trò trên vùng núi Nản, mà cô và trò phải gắng sức vượt qua. Cô Nguyễn Thị Huế - Hiệu trưởng của Trường tiểu học Linh Thông cho hay, khoảng tháng 8 này, vào năm học mới, trường sẽ cơ bản xây xong và các em học tập có đủ điều kiện ánh sáng, lớp đạt tiêu chuẩn hơn trường cũ.

Cách trường tiểu học không xa là Trường THCS Linh Thông, với câu chuyện thật cảm động về gương sáng của học sinh Nguyễn Thanh Lam. Dù em mồ côi cha mẹ, ở với bà, sáng đi học, chiều về tự đi vào rừng kiếm nứa tép kéo lên đồi, mỗi cây được trả công có 700 - 1.000 đồng, em Lam tự lao động kiếm tiền lo mua sách vở tự học để trở thành học sinh giỏi môn lịch sử, học sinh duy nhất tự kiếm sống và trang trải học hành. Em trở thành một tấm gương lao động và tự học thật đặc biệt của trường.

Còn thầy giáo Trần Văn Biên, người dân tộc Sản Chỉ, dạy học với 40 cây số đi về một ngày, có hôm nội trú ở trường, vì mưa lớn, ghé nơi ở trọ thì mối xông, bữa ăn thiếu thốn vì xa chợ, thầy vẫn khắc phục thiếu thốn để đem con chữ cho từng em học sinh của mình. Học trò dù là dân tộc Sán Chỉ, dân tộc Tày, dân tộc Dao, mỗi em mang một sắc thái văn hóa, nhưng chính các thầy cô là tấm gương về sự cần mẫn nhẫn nại dạy kiến thức cho các em để các em sau này học lên, hiểu biết góp phần thay đổi quê hương.

Những ngôi trường nằm gần núi Nản, luôn có một thư viện và có sách đọc. Nhà trường cũng có góc lao động thực hành, vừa giới thiệu sản phẩm tự làm của các em như một cách giáo dục thường xuyên, một cách định hướng hướng nghiệp cho các em trong tương lai gần. Có em sẽ học sư phạm, có em thích học về trồng chè, học kinh tế để sau này trở về xây dựng quê hương huyện miền núi phía tây tỉnh Thái Nguyên.