Dự án thủy lợi phơi sương

Được kỳ vọng là dự án trọng điểm, phục vụ tưới tiêu cho nhiều diện tích nông nghiệp Quỳnh Lưu (Nghệ An) và điều hòa nguồn nước cho hồ Vực Mấu. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại -Vực Mấu vẫn dở dang, không chỉ gây lãng phí lớn về ngân sách mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân.

Nhiều hạng mục Dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại – Vực Mấu phơi sương, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Nhiều hạng mục Dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại – Vực Mấu phơi sương, gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Mỏi mòn chờ đền bù

Chúng tôi có mặt tại công trình thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu ở xóm Nam Việt, xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Sau gần 10 năm triển khai, dự án xây dựng hệ thống thủy lợi trọng điểm của vùng Bắc Nghệ có nhiều hạng mục phơi sương, chưa phát huy được hiệu quả như đã kỳ vọng.

Không chỉ vậy, thực trạng dự án công trình thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu dở dang còn khiến hàng trăm hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án thuộc diện phải di dời đang mỏi mòn chờ đền bù. Gia đình bà Vi Thị Tăm là một trong số 29 hộ dân ở xóm Nam Việt nằm trong diện phải di dời đến nơi ở mới để triển khai dự án xây dựng hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu. Bà Tăm cho biết, khi dự án được triển khai, hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã tiến hành công tác trích đo, lập hồ sơ thẩm định, phê duyệt giá, nhưng đến nay sau gần 10 năm, nhiều hộ dân ở bản Nam Việt vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Không có tiền để chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân nằm trong vùng quy hoạch gặp khó khăn.

Dự án thủy lợi trăm tỷ dở dang, các hộ gia đình trong vùng ảnh hưởng của dự án không được phép xây dựng nên nhiều năm nay phải sống trong ngôi nhà tạm bợ. Bà Vi Thị Tăm bộc bạch thêm: “10 năm qua, bà con chúng tôi mỏi mòn chờ đền bù, đi cũng không được, ở cũng không xong. Chúng tôi chỉ mong nhà nước có hướng giải quyết rõ ràng để gia đình ổn định cuộc sống”.

Theo kế hoạch, để triển khai dự án xây dựng hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu, giai đoạn 1 sẽ có hơn 300 hộ dân được đền bù, GPMB với tổng diện tích đất hơn 364 ha, chủ yếu là đất nông nghiệp và lâm nghiệp. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư mới phê duyệt, đền bù được hơn 80 ha với tổng số tiền hơn 80 tỷ đồng. Khoảng 100 hộ dân nằm trong lòng hồ hiện vẫn chưa thể di dời do thiếu kinh phí GPMB.

Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng cho biết: Dự án đã nhiều năm không triển khai vì nguồn vốn cũ đã bị cắt, giờ phải chờ nguồn vốn trung hạn. Đến nay, có khoảng 150 hộ dân bị ảnh hưởng đã được đền bù. Tuy nhiên, diện tích đất rừng bị ảnh hưởng trong khu vực lòng hồ của hơn 100 hộ dân hiện chưa có nguồn để chi trả nên chưa tích nước được. Trong các cuộc họp HĐND các cấp, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị về vấn đề này. Chính quyền và bà con mong muốn dự án sớm được cấp tiền thực hiện vì đây là dự án trọng điểm, mục đích để phục vụ nước tưới tiêu nông nghiệp và điều hòa nguồn nước cho hồ Vực Mấu.

Nói về giải pháp khắc phục tình trạng này, ông Đậu Đức Năm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Đến nay, dự án xây dựng công trình thủy lợi mới đền bù được hơn vài chục tỷ đồng. Huyện đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư có biện pháp chi trả GPMB để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân…

Đội vốn trăm tỷ, không phát huy hiệu quả

Được biết, Dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu do Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư với mục đích: Cấp nước tưới cho 1.524 ha đất canh tác (cả lúa và cây công nghiệp); tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 11.700 người; bổ sung nước cho hồ Vực Mấu 13,4 triệu m³/năm và tham gia cắt giảm lũ trên sông Hoàng Mai.

Dự án này được phê duyệt tháng 6-2009, khởi công năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 227,8 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp hết gần 100 tỷ, gần 100 tỷ chi phí GPMB với các hạng mục chính: Hồ chứa nước có dung tích trữ Whi =19,4 triệu m³; đập đất (gồm đập chính và các đập phụ); tràn xả lũ; cống lấy nước; công trình phụ; hệ thống kênh...

Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án (BQLDA), Sở NN&PTNT Nghệ An, hiện nay công trình đã cơ bản hoàn thành đập phụ 1 và 2, cống lấy nước đường quản lý, đường điện, tràn xả lũ (ước đạt 90%); cầu Khe Lại đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Về công tác GPMB, đã đền bù được 86 ha (hơn 110 tỷ đồng). Tổng số tiền đã được giải ngân xây dựng và đền bù là 209 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dự án đã dừng lại hơn ba năm nay không thực hiện thêm hạng mục nào. Các hạng mục đã được xây dựng phải nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” và công trình vẫn chưa thể đóng các cửa xả nước để tích nước theo như mục tiêu của dự án.

Theo báo cáo thì kế hoạch vốn đầu tư đến hết năm 2017 là 208,304 tỷ đồng, tiến độ cấp vốn theo các năm là: năm 2010 được cấp 35.090 tỷ đồng; năm 2011 cấp sáu tỷ đồng; năm 2012 cấp 45 tỷ đồng, năm 2013 chỉ được cấp 420 triệu đồng; năm 2014 được cấp 45 tỷ đồng; năm 2015 cấp 45 tỷ đồng; năm 2016 cấp 31 tỷ đồng, riêng năm 2017 và năm 2018 không được cấp tiền cho dự án.

Một trong những vướng mắc hiện nay là việc đền bù, GPMB chiếm 50% tổng mức đầu tư nên đòi hỏi số vốn lớn để triển khai đồng thời. Do nguồn vốn khó khăn và bố trí dàn trải nên Hội đồng đền bù đã chia thành nhiều giai đoạn và nhiều đợt chi trả theo từng hạng mục công trình để phục vụ thi công, đã đền bù tổng diện tích 86 ha với số tiền 110,27 tỷ đồng.

Theo báo cáo của BQLDA, qua sáu năm triển khai, các gói thầu xây lắp cần được bổ sung do trượt giá về vật liệu, máy móc, nhân công, đặc biệt kinh phí GPMB cũng tăng lên đáng kể do chính sách về đền bù thay đổi. Vì vậy, để thực hiện hoàn thành và phát huy hiệu quả của dự án thì cần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Cùng với đó thì các gói thầu xây lắp được điều chỉnh nguồn vốn với khái toán dự kiến 40,8 tỷ đồng, trong đó đã được chủ đầu tư phê duyệt 21,2 tỷ đồng. Dự toán hai gói thầu kênh chính cần bổ sung 44,6 tỷ đồng. Đối với việc đền bù GPMB được xác định ứng với từng cấp cao trình cụ thể.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tiền đền bù GPMB bị “đội” vốn lên là do quá trình khảo sát ban đầu diện tích đất khu vực lòng hồ chưa sát với thực tế, một phần là do chính sách đền bù cũng tăng. Theo đại diện BQLDA, để thực hiện tiếp và tích nước như mục tiêu dự án thì khái toán số vốn cần phải có khoảng 368 tỷ đồng.

Khi hỏi đến bao giờ dự án mới tiếp tục được triển khai, ông Nguyễn Hào - Giám đốc BQLDA cho biết: Phía Sở cũng nhiều lần làm tờ trình, báo cáo gửi tỉnh, T.Ư nhưng phải đến năm 2021 dự án mới có thể có vốn và đây là nguồn vốn trung hạn.

Như vậy, sau gần 10 năm triển khai thì dự án trọng điểm vẫn chưa thể phát huy hiệu quả dù số tiền đã đầu tư là không nhỏ. Trong khi đó, nhiều hạng mục đang bị “đắp chiếu”, có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí. Với tình trạng thiếu vốn như hiện nay, dự án sẽ còn “nằm” phơi sương trong thời gian dài và hàng trăm hộ dân nằm trong vùng quy hoạch không biết đến bao giờ mới có được cuộc sống, sản xuất ổn định.