Đông đúc dòng người về quê đón Tết

Những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, sân bay, nhà ga, bến xe, các tuyến đường nội và ngoại thành TP Hồ Chí Minh đều chật ních người và xe cộ đi lại. Đâu đâu cũng thấy cảnh kẹt xe, đi lại khó khăn…

Hành khách xếp hàng dài tại Sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục đi máy bay về quê ăn Tết.
Hành khách xếp hàng dài tại Sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục đi máy bay về quê ăn Tết.

Quá tải ở sân bay

Ghi nhận ngày 18-1 (tức 24 tháng Chạp), tại các tuyến đường trung tâm TP Hồ Chí Minh những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, gần như từ buổi sáng cho đến chiều tối, các tuyến đường đều đông đúc và ùn tắc. Vào giờ cao điểm, tại các vòng xuyến hay giao lộ trên các tuyến đường, cửa ngõ thành phố và đặc biệt là khu vực chung quanh Sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), đều kẹt cứng người và xe cộ đi lại.

Tranh thủ ngày cuối tuần đi ra Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) mua chậu hoa mai và quất về chưng Tết, anh Lê Thế Công (ngụ quận Bình Tân) cũng phải toát mồ hôi khi di chuyển trên quãng đường gần 10 km từ nhà đến chỗ mua. “Ngày bình thường tôi đi với tốc độ vừa phải chỉ khoảng 20 phút, nhưng những ngày giáp Tết này, lượng người đi lại đông đúc, tắc đường kinh khủng tại các điểm giao nhau nên phải di chuyển khoảng hơn một giờ đồng hồ, đi lại rất mệt mỏi”, vội vã trong dòng người đông nghẹt, anh Công cho hay. Tương tự, do sợ kẹt xe khi di chuyển nên chị Thái Hoàng Linh (ngụ quận Thủ Đức) đã bắt taxi lên Sân bay Tân Sơn Nhất trước hơn ba giờ đồng hồ. “Khi đến các tuyến đường chung quanh sân bay như Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Hoàng Minh Giám, Trường Sơn... tôi thấy hàng dài dòng người và xe cộ nối đuôi nhau chen chúc từng chút một, phải mất cả giờ đồng hồ mới di chuyển được vào sân bay”, chị Linh mệt mỏi nói.

Theo ghi nhận của phóng viên Thời Nay, từ 5 giờ sáng ngày 18-1, sảnh của nhà ga quốc nội Sân bay Tân Sơn Nhất đã trở nên ngột ngạt. Hàng nghìn người xếp hàng dài từ ngoài sảnh vào đến bên trong quầy check-in để làm thủ tục. Trong khi đó, tại khu vực giữ xe, dòng người nối tiếp nhau băng cắt ngang qua dòng xe đưa đón để vào khu vực nhà ga. Lực lượng an ninh sân bay phải rất vất vả để chặn dòng xe, hướng dẫn người đi bộ an toàn. Trong khi đó, tại nhà ga quốc tế, dòng người nhà chen chúc đi đón người thân từ nước ngoài trở về khiến cho khung cảnh và ngộp thở hơn bao giờ hết. Cảnh “một người về cả họ đi đón” vẫn diễn ra như các năm trước. Nhiều gia đình đến từ các tỉnh miền tây, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai… thuê xe ô-tô đưa cả gia đình đến sân bay đón đã làm cho sảnh ga quốc tế đông đúc hơn bao giờ hết. Thậm chí, nhiều người còn mang theo cả thức ăn, nước uống, gối kê… ra sân bay để chờ đợi hàng giờ đồng hồ.

Hiện, Sân bay Tân Sơn Nhất có tổng cộng 50 kios check-in tự động tại khu vực ga quốc nội của các hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet, tăng 10 máy so với Tết 2019. Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiến hành cải tạo lại khu vực an ninh soi chiếu tại lầu 1 sảnh A bằng cách xoay trục, bố trí lại các điểm soi chiếu theo trục ngang, nâng tổng máy soi chiếu từ chín máy lên 12 máy. Ở khu vực sảnh B bố trí thêm hai điểm an ninh soi chiếu, nâng tổng số lên 11 máy soi chiếu. Hệ thống sân đỗ máy bay cũng được khai thác tổng cộng 86 vị trí đỗ thương mại/ngày đêm, tăng 14 vị trí đỗ so Tết năm 2019.

Theo thống kê của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong những ngày giáp Tết, trung bình mỗi ngày có hơn 900 chuyến bay đi về các địa phương. Cao điểm vào ngày 28 Tết có 965 chuyến bay cất hạ cánh. Theo dự kiến, trong khoảng thời gian từ ngày 9-1 đến 8-2 (tức 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng), Sân bay Tân Sơn Nhất đón khoảng 3,7 triệu lượt hành khách, trung bình mỗi ngày đón khoảng 130.000 lượt (tăng 10.500 hành khách so Tết 2019).

Đông đúc dòng người về quê đón Tết ảnh 1

Cửa ngõ giao thông TP Hồ Chí Minh luôn tắc nghẽn trong những ngày cao điểm nghỉ Tết.

Giúp người dân đi lại thuận lợi và an toàn

Ngày 18-1, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã phát đi thông báo thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, phục vụ người dân đi lại an toàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội đầu xuân 2020.

Theo đó, PC08 đã chỉ đạo các đội, trạm thuộc phòng và đề nghị các đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an quận, huyện tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và bố trí đủ quân số trong thời gian cao điểm từ 6 giờ đến 8 giờ 30 phút sáng và 16 giờ đến 19 giờ chiều tối; tổ chức điều tiết giao thông, nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời rà soát, đánh giá, nhận xét tình hình trật tự, an toàn giao thông và đề xuất các điểm mới phát sinh, các điểm đã ổn định đưa ra khỏi các điểm có nguy cơ ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, vui chơi an toàn…

Về vận tải đường sắt, ông Lê Quốc Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP vận tải Đường sắt Sài Gòn cho hay, vé tàu từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền trung, miền bắc cơ bản đã hết, chỉ còn các chặng ngắn. Để bảo đảm người dân đi lại thuận lợi những ngày cao điểm Tết này, ngành đường sắt tăng lên 21 chuyến/ngày (ngày thường chỉ chín chuyến) để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

Về vận tải đường bộ, bà Tăng Thị Thu Lý, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) cho biết, trong khoảng 20 ngày phục vụ trước và sau Tết, dự kiến có hơn 1,6 triệu lượt hành khách xuất bến tại các bến xe trên địa bàn thành phố. Trong đó, sản lượng phục vụ hành khách trong 10 ngày trước Tết đạt khoảng một triệu lượt hành khách; ngày phục vụ đông nhất ước có hơn 130.000 lượt hành khách lưu thông qua các bến xe.

Để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết cổ truyền, bà Lý cho biết, các đơn vị bến xe, vận tải hành khách liên tỉnh, vận tải hành khách công cộng đã sớm có kế hoạch, sẵn sàng phục vụ hành khách trong mọi tình huống. Các đơn vị bảo đảm hành khách được phục vụ chu đáo, an toàn và không để bất kỳ người lao động nào không được về quê sum họp gia đình vì thiếu phương tiện vận chuyển phục vụ.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố, dự báo lượng hành khách đi lại trong đợt phục vụ Tết năm nay tăng không quá 2% so cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, trong ngày cao điểm, lượt hành khách xuất bến có thể đạt gần 130.000 lượt khách, tăng gần 100% so ngày thường. Ngoài số lượng xe buýt tăng cường theo yêu cầu của Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây là 30 xe, các đơn vị còn dự trữ lượng xe buýt để ứng phó tình hình đột xuất tại các bến xe.

Trên các tuyến đường cửa ngõ như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE, đơn vị quản lý và vận hành) đã lên kế hoạch phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra và lên các phương án chống ùn tắc dịp cao điểm Tết. Trong đó, đơn vị này còn đề xuất khi xảy ra ùn tắc, ngoài thu phí không dừng sẽ tiến hành thu phí thủ công (thu tiền mặt), thậm chí nếu kẹt xe nghiêm trọng cũng phải tiến hành xả trạm để giải tỏa. Còn đối với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương hướng về các tỉnh miền Tây, trong trường hợp cần thiết cũng sẽ xả trạm để bảo đảm người dân lưu thông thuận lợi và an toàn.

Dịp giáp Tết, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại TP Hồ Chí Minh. Ông Hùng yêu cầu các trạm thu phí từ thành phố đi về các tỉnh và ngược lại, cần theo dõi chặt lượng xe qua lại trạm, khi xét thấy có khả năng ùn xe phải lập tức xả trạm. Trạm nào không chấp hành, để xảy ra ùn tắc kéo dài sẽ bị xử phạt theo đúng quy định.