Đổi thay ở Vằng Doọc

Nằm trọn trong vùng rừng xa xôi nhất của xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), không ít hộ dân của bản Vằng Doọc nhỏ bé của người H’Mông nhiều năm vật lộn với đói nghèo. Với sự nỗ lực của Bí thư Chi bộ Giàng Seo Sính cùng sự cố gắng của người dân, bản Vằng Doọc đã có những đổi thay.

Ông Sính chăm sóc cây ba kích tím.
Ông Sính chăm sóc cây ba kích tím.

1. Trước đây, cả bản Vằng Doọc có khá nhiều hộ nghèo. Nhà nào sang thì có tý ruộng một vụ, còn không chỉ phá rừng làm nương. Là Bí thư chi bộ, ông Sính nghĩ nhiều lắm, mong giúp bà con khấm khá lên. Nghe đài, đọc báo thấy thông tin cây ba kích dễ trồng, dễ bán, giá cao, ông quyết tâm làm thử với suy nghĩ, mình làm trước để thoát nghèo và cho bà con làm theo. Nghĩ thì vậy nhưng ở vùng đất này có ai biết mặt mũi cây ba kích thế nào đâu. Hỏi mãi, biết được ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có bán giống, ông Sính rong ruổi xe máy đi vài trăm cây số, đến tận nơi mua về trồng. Không thử nghiệm, ngay vụ đầu tiên, ông Sính đã trồng tới 10 nghìn cây trên đất của mình. Số cây ông trồng, tỷ lệ sống đến 98%, phát triển tốt, mỗi cây trung bình cho thu hoạch từ 1 - 3 kg củ, với giá hiện nay 150 nghìn đồng/kg củ tươi, ông Sính đã có nguồn thu nhập ổn định.

Từ bản thân, rồi qua họp chi bộ, thăm nắm bà con, ông Sính phát hiện, nhà nào cũng có đất được giao nhưng mỗi nơi một mảnh, manh mún nếu trồng cây vừa mất thời gian lại vừa khó chăm sóc. Ông vận động bà con dồn điền, đổi thửa để có đất rộng canh tác. Nhiều người chưa hiểu nên băn khoăn, ông kiên trì vận động, tiên phong làm trước.

Sau khi chuyển đổi, các diện tích soi, bãi canh tác hiệu quả kinh tế không cao, ông chuyển sang đầu tư trồng cây ba kích, nghệ, trà hoa vàng, rau bò khai, sa chi, cam, quýt. Đến nay, diện tích trồng ba kích được khoảng 0,5 ha với 12 nghìn cây, đã cho thu hoạch. Từ năm 2017 - 2019, riêng bán củ ba kích, ông Sính thu hơn 300 triệu đồng; ươm cây giống để trồng lại, cung cấp cho thị trường 20 nghìn cây, với giá 2.500 đồng/cây, thu 50 triệu đồng. Năm 2019, ông Sính trồng thêm cây nghệ thu được 20 tấn củ, thu về 100 triệu đồng. Ông bỏ tiền mua máy sơ chế tinh bột nghệ, đã có sản phẩm đóng hộp bảo đảm chất lượng xuất bán ra thị trường.

Ngoài ra, trên những khoảnh đất trống, xen kẽ, ông Sính trồng thêm rau bò khai, trà hoa vàng, sa chi, chôm chôm, cam, quýt..., đều phát triển tốt.

2. Thành công rồi, ông Sính hỗ trợ bà con trong bản về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, giúp hơn 10 hộ có thu nhập khá, ổn định, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm dần. Thấy bà con quá vất vả, tốn công khi khai thác gỗ rừng trồng, ông vận động người dân góp tiền, ngày công, mở gần 20 km đường lâm nghiệp. Có đường, việc vận chuyển lâm sản dễ dàng, giảm công lao động, tăng thu nhập, thương lái vào mua gỗ cũng thuận lợi, trả giá mua cao hơn trước.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trung Triệu Văn Phùng cho biết, từ khi ông Giàng Seo Sính thực hiện mô hình trồng rừng kết hợp cây dược liệu, cây ăn quả, kinh tế gia đình rất vững. Riêng trồng cây ba kích tím, năm 2019, Hội Nông dân xã đã tổ chức cho nhiều hội viên xuống thăm để học tập mô hình này. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đăng ký với gia đình ông Giàng Seo Sính để được cung cấp giống cây ba kích tím với mục đích nhân rộng mô hình ra toàn xã. Hiện đã có 10 hộ xin tham gia trồng cây ba kích tím rồi”, ông Triệu Văn Phùng cho biết thêm.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Đồn, mô hình trồng cây ba kích tím tuy còn khá mới nhưng rất hiệu quả. Thành công với cây ba kích tím của ông Sính đã mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông Sính được huyện, tỉnh khen thưởng vì thành tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.